Trong bài "Vợ chồng Tim và Trương Quỳnh Anh có thể khiếu nại Tòa án vì tự ý cung cấp thông tin ly hôn?" đăng trên báo An ninh thủ đô có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law.
Thậm chí cả khi Tim đã lên tiếng phủ nhận, cơ quan này vẫn tiếp tục xác nhận rằng đó là sự thật, thậm chí còn nói rõ việc phiên tòa diễn ra bao giờ, ai dự, ai nhận quyền nuôi con, tài sản phân chia thế nào… và điều này đã khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu và bức xúc. Phóng viên báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW để làm rõ vấn đề này.
PV: Việc TAND Q.10 gần đây cung cấp thông tin cho một số trang tin về việc vợ chồng nghệ sĩ Tim và Trương Quỳnh Anh chia tay, khiến sự việc trở nên "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường". Nhiều người thắc mắc việc làm này của TAND Q.10 có vi phạm quyền bảo vệ đời tư của công dân hay không, thưa anh?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thứ nhất, trong trường hợp này phải xác định: người công khai thông tin này là ai? Có thẩm quyền gì? Thứ hai, trường hợp này có yêu cầu xử kín và được chấp thuận hay không? Tài liệu, văn bản chứng minh?
Thông thường Tòa án sẽ xét xử công khai. Tuy nhiên trong một số trường hợp để giữ bí mật gia đình, bí mật cá nhân của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín. Trong trường hợp này, nếu Tim và Trương Quỳnh Anh có gửi đơn yêu cầu Tòa án xét xử kín và được Tòa chấp thuận mà Tòa án lại công khai thông tin cho báo chí như vậy là xâm phạm quyền bảo vệ đời tư của công dân theo quy định tại Hiến pháp 2013 và Bộ luật dân sự năm 2015.
PV: Xin anh cho biết, trong trường hợp nào thì các cơ quan như Tòa án được quyền cung cấp thông tin về đời tư của người khác và cung cấp cho ai?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Các cơ quan như Tòa án được quyền cung cấp thông tin về đời tư của người khác trong trường hợp:
Thứ nhất, bản án, quyết định liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được công khai trong trường hợp được người đó đồng ý; bản án, quyết định liên quan đến bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.
Thứ hai, Chánh án tòa án đã ban hành bản án, quyết định quyết định việc công khai cung cấp bản án, quyết định liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý.
PV: Trước đó, một cơ quan Tòa án khác cũng đã cung cấp thông tin về chuyện vợ chồng diễn viên Trương Ngọc Ánh và Trần Bảo Sơn ly hôn khi chưa được sự đồng ý của người trong cuộc. Anh nghĩ sao về việc các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án tự động cung cấp thông tin về đời tư người khác khi chưa hỏi ý kiến người trong cuộc, nhiều người cho rằng hành động đó là thiếu nhân văn?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc công khai bản án là cần thiết nhưng đối với những bản án, quyết định hôn nhân gia đình liên quan đến đời tư của người khác nếu không phải là án xử kín thì cần phải được mã hóa hoặc đổi tên đương sự.
Vì bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu (gọi chung là thông tin) về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin khác liên quan đến cá nhân trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp luật bảo vệ và những thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận.
Mặc dù Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 không đưa ra khái niệm bí mật đời tư, nhưng theo lẽ thông thường có thể hiểu bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân mà cá nhân đó không muốn cho người khác biết. Trong hoàn cảnh pháp luật hiện chưa có quy định rõ ràng về khái niệm và phạm vi “bí mật đời tư” thì xét ở góc độ nghĩa của từ ngữ theo từ điển tiếng Việt, bí mật đời tư của cá nhân được hiểu là những gì thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân (thông tin, tư liệu…) được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra.
Do đó, trước khi công khai thông tin về đời tư của người khác thì nên hỏi ý kiến của họ trước, trừ trường hợp liên quan tới lợi ích công cộng.
PV: Đứng ở góc độ pháp lý, người bị cung cấp thông tin đời tư có thể khởi kiện người bên Tòa án đã cung cấp thông tin về đời tư của mình khi chưa được sự đồng ý từ đương sự hay không?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trong trường hợp, nếu đương sự đã yêu cầu Tòa xử kín và giữ bí mật thông tin mà người bên Tòa án vẫn cung cấp thông tin đó cho báo chí thì người bị cung cấp thông tin đời tư có thể gửi đơn khiếu nại lên Chánh án, Thẩm phán Tòa án đó để có thể giải quyết vụ việc.
PV: Trong việc này, theo anh, các trang tin, trang mạng xã hội có lỗi hay không khi cố tình khai thác thông tin về đời tư của "sao" thông qua tòa án?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Pháp luật cho phép nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Nhưng theo quan điểm của tôi, các nhà báo không nên cố tình tình khai thác thông tin đời tư của người khác vì “bí mật đời tư” có thể hiểu là “chuyện trong nhà” của cá nhân nào đó, những gì thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân phải được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra.
Nguồn:http://anninhthudo.vn/giai-tri/vo-chong-tim-va-truong-quynh-anh-co-the-khieu-nai-toa-an-vi-tu-y-cung-cap-thong-tin-ly-hon/728527.antd