Ngày 29 tháng 11 năm 2023, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chính sách Thuế Tối Thiểu Toàn Cầu (GMT - Global Minimum Tax). Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất, yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu EUR (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của bốn năm liền kề nhất đều phải đóng mức thuế suất tối thiểu là 15%, dù ở bất kỳ quốc gia nào.
Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về Chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (“GloBE”), Bộ Tài chính đã đề xuất hai chính sách thực thi áp cụ thể:
(i) Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (“QDMTT”) : áp dụng cho đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia nêu trên, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính.
(ii) Quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (“IIR”): áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành của Tập đoàn đa quốc gia nêu trên, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính.
Nghĩa vụ kê khai và nộp thuế
Các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết phải nộp biểu mẫu về tờ khai thông tin GloBE, tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính.
Thời hạn kê khai và nộp thuế như sau:
- Đối với nghĩa vụ thuế bổ sung theo nguyên tắc QDMTT: 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính.
- Đối với nghĩa vụ thuế bổ sung theo IIR: 18 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với năm tài chính đầu tiên thuộc phạm vi áp dụng và 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với các năm tài chính tiếp theo.
Thời hạn nộp thuế giống thời hạn kê khai.
Hồ sơ kê khai với người nộp thuế gồm:
- Tờ khai thông tin theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu
- Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm theo Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính.
Giảm trừ trách nhiệm trong giai đoạn chuyển tiếp
Trong giai đoạn chuyển tiếp, các khoản thuế bổ sung theo quy định QDMTT và/hoặc IIR tại quốc gia cho năm tài chính sẽ được coi là bằng 0 nếu đáp ứng một trong các trường hợp sau:
- Trong năm tài chính, tập đoàn đa quốc gia (“MNE”) có báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đạt chuẩn mà tổng doanh thu dưới 10 triệu EUR và lợi nhuận (hoặc lỗ) trước thuế thu nhập dưới 1 triệu EUR tại quốc gia đó
- Tập đoàn đa quốc gia có thuế suất thực tế đơn giản trong quốc gia đó bằng hoặc lớn hơn tỷ lệ chuyển đổi cho năm tài chính. Tỷ lệ chuyển đổi là 15% cho các năm tài chính bắt đầu từ năm 2023 và 2024; 16% cho năm tài chính bắt đầu từ năm 2025; và 17% cho năm tài chính bắt đầu từ năm 2026.
- Lợi nhuận (hoặc lỗ) trước thuế thu nhập của tập đoàn đa quốc gia tại quốc gia đó bằng hoặc thấp hơn khoản giảm trừ thu nhập gắn với tài sản hữu hình và lao động được tính theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty thành viên cư trú tại quốc gia đó theo báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Ngoài ra, trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ không xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về kê khai thuế bổ sung. Tuy nhiên, Nghị quyết không hướng dẫn có áp dụng lãi chậm nộp hay không.
Như vậy, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đem đến những ảnh hưởng tích cực cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, đẩy mạnh danh tiếng của Việt Nam trên cộng đồng quốc tế với tư cách là thành viên tuân thủ pháp luật, trách nhiệm cao và đáng tin cậy. Do đó, đáp ứng đúng với mục tiêu hội nhập quốc tế hiện nay tại Việt Nam, bao gồm tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu và hợp tác với các quốc gia khác nhằm tháo gỡ những khó khăn chung. Thứ hai, Việt Nam có thể thu được một khoản thu ngân sách nhà nước đáng kể từ việc đánh thuế lợi nhuận trước đây chưa bị đánh thuế của các doanh nghiệp đa quốc gia. Bộ Tài chính ước tính vào năm 2024, việc triển khai GMT sẽ có thể tạo thêm 14.600 tỷ đồng (tương đương 629 triệu USD) cho ngân sách nhà nước. Thứ ba, theo Tổng cục Thuế, có khoảng hơn 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024. Điều này giúp giảm cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia và ngăn chặn các công ty trên thế giới tham gia trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các khu vực pháp lý có mức thuế thấp.
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích nêu trên, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Đây là một bộ phận cấu thành quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong vòng ba mươi năm qua. Mặc dù GMT chỉ áp dụng đối với các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu lớn nhưng các doanh nghiệp FDI nhỏ nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh của tập đoàn đa quốc gia cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng gián tiếp từ việc áp dụng GMT. Khu vực FDI chiếm khoảng 20% GDP và 74% tổng giá trị xuất khẩu vào năm 2022. Trước đó, vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt gần 27.72 tỷ USD. Các ngành công nghiệp sản xuất và chế biến chiếm phần lớn trong tổng số vốn này, với trị giá hơn 16.8 tỷ USD hay 60.6% vốn đăng ký.
Việt Nam cần có kế hoạch hành động để ứng phó thích hợp với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, chi phí lao động thấp, kết hợp với việc tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản, tiếp cận thương mại tự do tốt và ổn định chính trị khiến Việt Nam sẽ vẫn trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với không ít nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Panasonic, LEGO ... Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục điều chỉnh các chính sách nhằm mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng phát triển môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chủ trọng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại.