Việt kiều có được mua bán, sáp nhập doanh nghiệp?

Nội dung bài viết

Trong năm 2024, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục sôi động, bởi vì các nhà đầu tư sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm. Đặc biệt, khi luật Đất đai, luật kinh doanh BĐS, luật Nhà ở có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kiều bào tham gia vào thị trường đầy sôi động này. Và những quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này sẽ được Luật sư Nguyễn Thanh Hà tư vấn về vấn đề: Việt kiều có được mua bán, sáp nhập doanh nghiệp?

Câu 1: Luật sư có thể giải thích cho khán giả được biết khái niệm mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là như thế nào?

Trả lời:

Có thể hiểu M&A là Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại), hoạt động M&A có thể được xem là một phương pháp giành quyền kiểm soát của một công ty, doanh nghiệp thông qua hoạt động sáp nhập và mua lại công ty, doanh nghiệp đó.

Theo quy định tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020, Sáp nhập doanh nghiệp là “Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”.

Khái niệm này cũng được quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật cạnh tranh 2018, cụ thể “Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập”.

Đối với khái niệm Mua lại, khoản 3 Điều 29 Luật cạnh tranh quy định “Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.

Như vậy, pháp luật Việt Nam đã có quy định khá cụ thể và chi tiết về 2 khái niệm này.

Việt kiều có được mua bán sáp nhập doanh nghiệp
Việt kiều có được mua bán sáp nhập doanh nghiệp

Câu 2: Khi thực hiện các giao dịch M&A sẽ mang lại những cơ hội như nào cho các nhà đầu tư thưa luật sư?

Trả lời:

M&A là một cơ hội đầu tư hiệu quả được các nhà đầu tư lưu tâm do hoạt động này mang lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp.

Sự hợp tác có lợi cho cả đôi bên: Khi doanh nghiệp nhỏ không theo kịp thị trường và đứng trước nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp này có thể liên kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. M&A sẽ tạo cơ hội để hình thành những doanh nghiệp vừa và lớn, có khả năng và đủ tiềm lực để phát triển công nghệ cao. Các doanh nghiệp thực hiện các chiến lược có lợi cho cả đôi bên có thể chọn việc thực hiện kế hoạch mua lại. Điều này, đặc biệt đúng trong trường hợp một tập đoàn đang bị cạnh tranh quyết liệt. Khi đó, một công ty chiến lược lớn hoặc một quỹ đầu tư vốn cổ phần sẽ quyết định mua lại các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn để giảm bớt áp lực cạnh tranh và tạo thành một tập đoàn hợp nhất.

Giá cả cạnh tranh: Một số công ty chủ động thực hiện hoạt động M&A nhằm mở rộng thị trường. Thị phần cao hơn sẽ dẫn đến hiện tượng sức mua tăng cao hơn khả năng cung ứng. Các đơn đặt hàng gia tăng, doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm hơn, và do đó chi phí sản xuất sẽ giảm xuống, công ty sẽ đưa ra mức giá cạnh tranh hơn. Khi nhà cung cấp thực hiện được việc giảm chi phí biên trên mỗi đơn vị, họ cũng sẵn sàng chiết khấu nhiều hơn cho khách hàng.

Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ: Các công ty cũng tiến hành mua lại các công ty khác có các sản phẩm, dịch vụ bổ sung nhằm mục đích đa dạng hoá các sản phẩm và dịch vụ của mình. Bằng cách tăng thêm các lựa chọn đối với hàng hoá và dịch vụ mà công ty cung cấp cho các khách hàng tiêu dùng hiện tại, các nhà đầu tư có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn cho công ty của mình.

 Câu 3: Thưa luật sư, hiện nay VN có công cụ pháp luật gì liên quan đến thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp?

Trả lời:

Hiện nay, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động M&A nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư…

Trong Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ rõ đối tượng sáp nhập, mua lại là công ty. Điều này nhằm phân biệt rõ hơn với doanh nghiệp tư nhân khi thực hiện sáp nhập, mua lại. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp không đưa ra khái niệm “mua lại” công ty, việc mua lại công ty như là việc mua lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp hoặc cổ phần đã phát hành của thành viên hoặc cổ đông trong công ty. Điều này không làm tăng vốn điều lệ của công ty nhưng có thể làm thay đổi cơ cấu sở hữu vốn góp hay cổ phần của công ty.

Luật Cạnh tranh 2018 quy định cụ thể hơn về các khái niệm “mua lại”, “sáp nhập” và “hợp nhất” doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động này được phân loại là hành vi tập trung kinh tế. Vì khi sáp nhập, hợp nhất hay mua lại doanh nghiệp có thể hình thành thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế, gây tác động hoặc khả năng tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.

Luật Đầu tư 2020 không quy định trực tiếp thế nào là “mua lại”, “sáp nhập”. Nhưng theo Điều 24 Luật này, có thể hiểu rằng việc nhà đầu tư đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế là một hình thức “mua lại” doanh nghiệp nếu phần vốn góp, cổ phần của nhà đầu tư đủ lớn để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Ngoài ra, các văn bản luật chuyên ngành khác như Luật các tổ chức tín dụng hay Luật chứng khoán cũng có các quy định khá cụ thể về việc sáp nhập, tổ chức lại các tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã có những chế định khá cụ thể để điều chỉnh thị trường M&A trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Việt kiều có được mua bán sáp nhập doanh nghiệp
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Câu 4: Quy định với các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia M&A tại VN?

Trả lời:

Theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam theo các hình thức sau: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Thực hiện dự án đầu tư; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp với phần trăm đủ lớn để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp, khi đó nhà đầu tư nước ngoài đã tiến hành hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam.

Việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định về Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển. (theo khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư).

Theo khoản 2 Điều 26 Luật này, Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  2. b) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
  3. c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Câu 5: Vậy Kiều bào hiện nay có thể thực hiện các thủ tục mua bán sáp nhập doanh nghiệp hay không, và nếu có thì cần chú ý đến những điều kiện gì thưa Luật sư?

Trả lời:

Trường hợp nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư thông qua việc mua cổ phần, phần vốn góp với phần trăm đủ lớn để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp, khi đó nhà đầu tư đã tiến hành hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Kiều bào cũng có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong nước.

Việt Kiều có thể đang có 2 hoặc nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam. Đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh thực hiện tại Việt Nam, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài (theo khoản 2 Điều 16 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP).

Như vậy, Nhà đầu tư là Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài có quyền lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước hoặc điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp Kiều bào lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, thì nhà đầu tư chỉ thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhà đầu tư trong nước mà không phải thực hiện quyền và nghĩa vụ áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp Kiều bào lựa chọn lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì phải tuân thủ các quy định về thủ tục đầu tư và các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Điều kiện để Việt kiều có thể mua bán sáp nhập doanh nghiệp
Điều kiện để Việt kiều có thể mua bán sáp nhập doanh nghiệp

Câu 6: Theo luật sư thì hiện nay Kiều bào nên tập trung vào những lĩnh vực đầu tư nào?

Trả lời:

Trong những năm gần đây, Kiều bào đã chuyển sang dạng đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài hoặc mua bất động sản tại Việt Nam; ngày càng tăng các nguồn đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực môi trường, khoa học công nghệ: Công nghệ bán dẫn, thiết kế, chế tạo linh kiện vi mạch điện tử… đã giúp gia tăng vai trò cầu nối của Việt kiều trong ngoại giao, thu hút đầu tư… với các quốc gia khác.

Có rất nhiều lĩnh vực tiềm năng để Kiều bào tiến hành đầu tư, tuy nhiên với sự ra đời của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới vào thị trường bất động sản đang có phần “ảm đạm” tại Việt Nam hiện nay. Việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sử dụng, mua bán nhà ngay sau khi các Luật này có hiệu lực thi hành, thị trường BĐS dự báo sẽ có thêm “nguồn cầu” và “hút” dòng vốn từ nước ngoài, để thúc đẩy thị trường phát triển tốt hơn. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ dễ dàng hơn trong việc sở hữu BĐS trong nước. Nếu “nới” điều kiện cho phép người Việt định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở như quy định mới sẽ kích cầu mạnh mẽ phân khúc cao cấp. Đây cũng là giải pháp thu hút lao động giỏi, thu hút nhân tài.

Đồng thời, việc mở rộng phạm vi quyền sử dụng, mua bán nhà ở với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, tạo điều kiện cho họ trực tiếp tham gia vào giao dịch BĐS trong nước… sẽ hạn chế được những bất cập như các tranh chấp phát sinh khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng nhà ở, từ đó tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc hơn, giúp thị trường BĐS giao dịch được an toàn, thuận tiện và nhanh chóng hơn.

Câu 7: Thưa luật sư, khi thực hiện các giao dịch M&A thì kiều bào cần lưu ý gì để tránh rủi ro?

Trả lời:

Không chỉ Kiều bào mà các Nhà đầu tư nói chung, khi thực hiện các giao dịch M&A đều cần chú ý nhiều tới các vấn đề pháp lý nhằm hạn chế phát sinh rủi ro.

Khi xác định công ty mục tiêu, các thẩm định thật kỹ càng, chi tiết các hồ sơ dự án của công ty đó. Đồng thời, bên mua cần kiểm tra, rà soát những nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh, các khoản vay và giao dịch của Công ty mục tiêu. Ngoài ra, việc thực hiện rà soát, kiểm tra tư cách và quyền của cổ đông/thành viên góp vốn đối với cổ phần/phần vốn góp tại Công ty mục tiêu cũng là điều hết sức quan trọng. Nắm rõ các thông tin về Công ty mục tiêu là hết sức cần thiết để bên mua có thể định giá chính xác doanh nghiệp. Đặc biệt các vấn đề về sở hữu trí tuệ hay bảo mật thông tin cũng rất quan trọng.

Nhìn chung, việc thực hiện các giao dịch M&A đồi hỏi rất nhiều thủ tục pháp lý phức tạp cũng sự tham gia của nhiều bên liên quan, do vậy các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cần hết sức lưu ý các chế định về M&A để có thể hạn chế tối đa những rủi ro không mong muốn phát sinh trong quá trình này,

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan