Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được quản lý chặt chẽ. Việc thực thi các quy định pháp luật về phát hành trái phiếu đang là một vấn đề cấp bách cần được quan tâm. Về vấn đề thị trường trái phiếu doanh nghiệp này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW đã trả lời phỏng vấn phóng viên truyền thông như sau:
Câu 1: Ông đánh giá thế nào về thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay sau khi Chính phủ thực hiện một loạt các giải pháp minh bạch, phát triển bền vững thị trường?
Trả lời:
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, đang có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt sau khi Chính phủ thực hiện một loạt các giải pháp nhằm tăng cường minh bạch và phát triển bền vững. Nhìn chung, các biện pháp này đã có những tác động tích cực.
Sau những khó khăn trong giai đoạn 2022-2023, niềm tin của nhà đầu tư đã dần trở lại. Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các đợt phát hành trái phiếu mới. Trong tháng 4/2024, thị trường ghi nhận 13 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị lên tới 13.940 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, có 31 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 29.050 tỷ đồng, cho thấy sự hồi phục so với tình trạng “đóng băng” trước đó[1]. Chính phủ đã chú trọng đến việc tăng cường minh bạch thông tin. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm bắt đầu hoạt động, giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về rủi ro và chất lượng trái phiếu.
Các quy định về công bố thông tin và giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được thắt chặt, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời hơn. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tăng cường niềm tin và thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Chính phủ đã nâng cao vai trò giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành trái phiếu, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, giảm thiểu nguy cơ rủi ro hệ thống.
Câu 2: Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt một loạt doanh nghiệp vi phạm liên quan trái phiếu; trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin. Có thể cho rằng, việc thực thi các quy định pháp luật về phát hành trái phiếu của doanh nghiệp chưa cao không thưa ông? Ông có đề xuất gì để tăng tính răn đe?
Trả lời:
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với xử phạt hành chính, các hành vi vi phạm hành chính về chào bán, phát hành trái phiếu, công bố thông tin và báo cáo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể như với hành vi công bố thông tin sai lệch có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.
Về xử lý hình sự, trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố vụ án về tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đối với pháp nhân, mức phạt cao nhất là bị phạt tiền đến 5.000.000.000 đồng. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Những vi phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu không chỉ làm giảm uy tín, dẫn đến sự thiếu minh bạch và tin cậy trong thị trường trái phiếu mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư.
Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét việc tăng cường mức phạt, cả về tài chính lẫn hình thức khác, để tạo áp lực buộc doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định. Công khai danh sách, thông tin doanh nghiệp vi phạm cũng là một biện pháp đang được thực hiện nhưng cần thực hiện rộng rãi hơn. Việc công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm và các hình thức xử phạt trên các phương tiện truyền thông có thể tạo ra sức ép xã hội, giảm uy tín, buộc các doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn trong việc tuân thủ pháp luật. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra và giám sát các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là các khâu công bố thông tin. Việc này giúp phát hiện sớm các vi phạm và ngăn chặn chúng trước khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Câu 3. Theo ông việc thu hút vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay còn có vấn đề gì cần tháo gỡ để hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp, qua đó, trái phiếu ngày càng góp phần lớn hơn vào việc huy động vốn của doanh nghiệp, là kênh đầu tư an toàn hiệu quả?
Trả lời:
Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh quan trọng để doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu hiện vẫn còn tồn đọng một số vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về mức độ minh bạch thông tin khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể không công bố đầy đủ hoặc chính xác các thông tin về tình hình tài chính, khả năng trả nợ, và các rủi ro liên quan. Ví dụ như một số doanh nghiệp đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù năng lực tài chính yếu, hoạt động kinh doanh không ổn định. Nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu. Hoặc có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu vi phạm về công bố thông tin khi sử dụng vốn sai mục đích đã công bố. Điều này khiến nhà đầu tư khó đánh giá chính xác khả năng trả nợ của doanh nghiệp và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
Thứ hai, việc những tên tuổi lớn như Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát bị phanh phui sai phạm không chỉ gây ra tổn thất lớn về tài chính cho nhà đầu tư, mà còn tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư vào loại hình đầu tư này. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin chính là một yếu tố cốt lõi, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. Xếp hạng tín nhiệm là một trong những mắt xích quan trọng của quá trình khôi phục niềm tin của thị trường và tăng cường minh bạch thông tin doanh nghiệp.
Ngoài ra, cơ chế pháp lý và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cũng cần được xem xét để hoàn thiện hơn. Cần có các quy định chặt chẽ để kiểm soát việc phát hành và sử dụng vốn từ trái phiếu, đảm bảo rằng các doanh nghiệp không lợi dụng thị trường để huy động vốn mà không có kế hoạch trả nợ rõ ràng.
[1] Minh bạch - điều kiện tiên quyết cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, “https://dangcongsan.vn/kinh-te/minh-bach-dieu-kien-tien-quyet-cho-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-phat-trien-665592.html”
|