Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về vấn đề: Việc người lao động thế chấp sổ bảo hiểm để vay tiền có vi phạm pháp luật không? Dưới đây là nội dung chi tiết:
Theo quy định của Luật BHXH mới, người lao động có toàn quyền xử lý, sử dụng sổ BHXH hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật. Do vậy, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng người lao động thế chấp sổ BHXH tại các ngân hàng để thực hiện các hợp đồng tín dụng (vay tiền). Thực tế này không chỉ gây lộn xộn trong việc cấp sổ mà còn chứa đựng nguy cơ rủi ro cao đối với các ngân hàng nếu xảy ra tình trạng người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay.
Anh có thể phân tích giúp em một số nội dung
Câu hỏi 1: Việc người lao động thế chấp sổ bảo hiểm để vay tiền có vi phạm pháp luật không, nếu có sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư trả lời:
Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định người lao động có các quyền sau:
“1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền; …”.
Như vậy, theo quy định trên người lao động được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình. Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện tình trạng người lao động ở nhiều địa phương đem sổ BHXH thế chấp để thực hiện hợp đồng tín dụng với ngân hàng.
Điều 317 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thế chấp tài sản như sau:
"Điều 317. Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp”.
Như vậy việc thế chấp tài sản hợp pháp là khi tài sản đó thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Do đó, việc người lao động thế chấp sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền là không trái so với quy định của pháp luật.
Câu hỏi 2: Nguy cơ đối với bên cho vay khi người lao động không có khả năng thanh toán cũng không nhận lại sổ do họ đã khai mất sổ và làm lại sổ khác.
Luật sư trả lời:
Điều 323 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền của bên nhận thế chấp như sau:
“5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
6. Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác …”.
Theo quy định trên, khi người lao động không có khả năng thanh toán và người lao động cũng chấp nhận không nhận lại sổ BHXH (do họ đã khai mất sổ và làm lại sổ khác) thì bên cho vay (ngân hàng) sẽ có nguy cơ rủi ro, thậm chí là mất trắng số tiền cho vay. Trong trường hợp này, các ngân hàng nên có công văn đề nghị phối hợp trong việc cấp và chi trả chế độ cho người lao động đã đem sổ BHXH thế chấp để vay tiền, tránh tình trạng người lao động khai báo gian dối là làm mất.
Câu hỏi 3: Về phía cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ gặp những rắc rối gì trong công tác quản lý, chi trả bảo hiểm xã hội khi người lao động có gian dối trong việc khai mất sổ để làm lại sổ mới?
Luật sư trả lời:
Việc người lao động gian dối trong việc khai mất sổ để làm lại sẽ khiến cơ quan bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều rắc rối trong công tác quản lý, chi trả bảo hiểm xã hội.
Ví dụ: Mất thời gian cấp lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhưng sau đó ngân hàng lại gửi công văn, cơ quan bảo hiểm lại phải điều chỉnh lại.
Câu hỏi 4: Những hậu quả pháp lý người lao động có thể gặp phải khi mang sổ bảo hiểm đi thế chấp để vay tiền?
Luật sư trả lời:
Như tôi đã trình bày ở trên, khi người lao động không có khả năng thanh toán thì sẽ không thể lấy lại được sổ bảo hiểm xã hội. Theo đó, quyền lợi sẽ không được bảo đảm.
Khi người lao động có gian dối trong việc khai mất sổ để làm lại sổ mới mà bị cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, cụ thể:
“Điều 27. Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp ...”.