Vì sao sản phẩm Việt có mặt nhiều nơi nhưng ít người biết đến?

Nội dung bài viết

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang còn loay hoay định vị thương hiệu của từng doanh nghiệp, chưa có hình ảnh thực phẩm mang thương hiệu Việt. Do đó, dù kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm song rất ít người tiêu dùng thế giới biết về sản phẩm Việt, cũng như chưa biết Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông sản và thực phẩm.

Nguyên nhân vì sao?

Nguyên nhân là so với nhiều nước có thế mạnh nông sản, thực phẩm, Việt Nam còn chậm trễ trong việc tạo dựng thương hiệu. Vì vậy, cần phải có chiến lược xây dựng thương hiệu và truyền thông thương hiệu mạnh mẽ cho toàn ngành để bắt kịp với các nước và có khả năng cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu. “Có thể nói đây là thách thức lớn nhất để nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Nhiều người nước ngoài vẫn chỉ biết đến Việt Nam với hình ảnh của một đất nước đã từng trải qua chiến tranh, mà không biết nhiều về tiềm năng nguồn thực phẩm” - theo ông Leon Trujilo chuyên gia thương hiệu quốc tế.

Đại diện một doanh nghiệp (DN) chia sẻ, trong quá trình xây dựng thương hiệu, DN cảm thấy đơn độc vì tự mình xây thương hiệu theo cách của mình và đây là hướng đi hiện nay của rất nhiều DN Việt Nam. Điều này cho thấy cần có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia chung trước rồi sau đó xây dựng thương hiệu cho mỗi DN.

“Tôi cảm giác mỗi lần đi hội chợ thấy gian hàng Thái Lan, Hàn Quốc, hình ảnh thương hiệu quốc gia của họ được trang trí lớn, bắt mắt, còn ở Việt Nam, hình ảnh của chúng ta nhỏ nhoi lắm, mỗi người một màu sắc, một hình dáng không giống ai. Chúng ta cần có thương hiệu quốc gia của Việt Nam, của thực phẩm Việt Nam, chứ không chỉ hướng tới một ngành hàng, một DN nào đó”, vị đại diện này chia sẻ.

Thời điểm tốt để bắt tay xây dựng thương hiệu Việt?

Khẳng định đây là thời điểm tốt để bắt tay xây dựng thương hiệu, ông Trujilo nhận định Việt Nam đang có mọi thứ mà chúng ta cần để có thể quảng bá, hỗ trợ các nỗ lực của DN, hiệp hội, nhà xuất khẩu thực phẩm xây dựng thương hiệu. Nếu chúng ta chậm hơn trong việc xây dựng thương hiệu so với các quốc gia khác, sản phẩm của Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh dù được đánh giá giàu tiềm năng.

Để làm được điều này, theo ông Trujilo, thương hiệu thực phẩm là công cụ hữu ích đạt mục tiêu trên, giúp nói ngôn ngữ toàn cầu với nhà xuất khẩu, quảng bá sản phẩm. Nếu không nói ngôn ngữ chung, sẽ không thể quảng bá sản phẩm của mình.

Đại diện Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu thông qua các chiến lược cụ thể, mang tính lâu dài, cần làm ngay và quan trọng nhất là cần tính đột phá, hiệu quả.

Được biết, Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam hiện đã chọn được tên “Foods of Vietnam” cho ngành này với ý nghĩa bao trùm chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và phân phối.

Hình ảnh nhận diện là hình chữ V kết hợp trái tim, chiếc khiên, có ý nghĩa kết hợp chữ cái đầu của tên quốc gia với việc thể hiện hình dáng của thung lũng, địa hình của Việt Nam, sản phẩm được sản xuất từ trái tim yêu thương con người, vì sức khỏe người tiêu dùng.

Chương trình đã đề xuất phương án định vị thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam “Vietnam – The food basket of world” (Việt Nam – Giỏ thực phẩm của thế giới) và đề xuất phương án cấu trúc thương hiệu cũng như nhận diện thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam về các phân ngành thực phẩm cụ thể (sub-sectors). Dự kiến, chương trình sẽ công bố báo cáo chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam vào quý III/2017.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan