Vấn đề nào qua việc CTCP Chứng Khoán Tân Việt (TVSI) bị đình chỉ hoạt động mua bán chứng khoán và quyền lợi của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Nội dung bài viết

Câu 1: Ngày 26/6, Sở GDCK Việt Nam (VNX) đã đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM) đối với CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

Lý do đình chỉ là vì TVSI bị UBCKNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thời gian đình chỉ áp dụng từ ngày 27/6 đến khi công ty được UBCKNN đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt. Theo ông, sau khi bị kiểm soát đặc biệt và đình chỉ giao dịch, bước tiếp theo bị phạt sẽ là gì nếu TVSI không sửa được lỗi sai?

Trả lời:

Ngày 23/06/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) ban hành Quyết định số 44/QĐ-SGDVN đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch đối với TVSI tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Lý do đình chỉ là ngày 18/05/2023 TVSI đã bị UBCKNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt tại Quyết định số 353/QĐ-UBCK của UBCKNN do Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính ngày 31 tháng 12 năm 2022 do Công ty lập không được kiểm toán. Thời gian đình chỉ từ ngày 27/06/2023 cho đến khi TVSI được UBCKNN có quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 91/2020/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, có quy định về kiểm soát đặc biệt như sau:

Sau thời hạn một (01) tháng kể từ ngày bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Sở giao dịch Chứng khoán thực hiện đình chỉ một phần hoạt động của công ty chứng khoán thành viên không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt. Việc đình chỉ giao dịch của Sở giao dịch Chứng khoán kết thúc khi công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét đưa tổ chức kinh doanh chứng khoán ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong ba (03) tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận và tổ chức kinh doanh chứng khoán có báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc khắc phục tình trạng kiểm soát đặc biệt theo Phụ lục số XI ban hành kèm theo Thông tư này.

Sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt (không quá bốn (04) tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt), nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Trong vòng hai mươi bốn (24) giờ, kể từ khi tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đình chỉ hoạt động, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố thông tin về việc này trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sau 06 tháng kể từ ngày quyết định đình chỉ có hiệu lực, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán trong trường hợp công ty chứng khoán không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ.

Căn cứ theo quy định trên, trường hợp TVSI không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt (từ ngày 18/5/2023 đến ngày 17/09/2023) thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Sau 06 tháng kể từ ngày quyết định đình chỉ có hiệu lực, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ra quyết định rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán trong trường hợp TVSI không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ.

                                                                                                    CTCP Chứng khoán Tân Việt

Câu 2: Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bị đình chỉ giao dịch, đồng thời chịu kiểm soát đặc biệt sẽ gây ra những ảnh hưởng gì đến quyền lợi của khách hàng, đối tác doanh nghiệp?

Trả lời:

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định đưa TVSI vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 18/5 đến 17/9, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, đối tác doanh nghiệp như sau:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Thông tư 91/2020/TT-BTC trong thời hạn kiểm soát đặc biệt:

- Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được chi trả cổ tức cho các cổ đông, chia lợi nhuận cho thành viên góp vốn; chia thưởng cho thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), kế toán trưởng, nhân viên và người có liên quan tới tổ chức kinh doanh chứng khoán;

- Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán;

- Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được mua cổ phiếu quỹ, mua lại phần vốn góp từ thành viên góp vốn;

- Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được ký mới, ký kéo dài và tiếp tục thực hiện các hợp đồng giao dịch ký quỹ, cho vay mua chứng khoán, giao dịch mua có cam kết bán lại, cho khách hàng vay không có tài sản bảo đảm; không được ký các hợp đồng bảo lãnh phát hành dưới hình thức cam kết chắc chắn;

- Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được lập thêm phòng giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, mở rộng địa bàn hoạt động, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán;

- Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được tham gia góp vốn thành lập công ty con, đầu tư bất động sản; hạn chế đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị rủi ro, giảm vốn khả dụng.

- Công ty chứng khoán chỉ được quản lý tiền giao dịch chứng khoán theo phương thức khách hàng của công ty chứng khoán mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán.

Theo đó, TVSI sẽ không được chi trả cổ tức cho các cổ đông, không chia lợi nhuận, chia thưởng cho thành viên góp vốn đồng thời không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của mình.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đồng thời, công ty chứng khoán cũng không được mua cổ phiếu quỹ, mua lại phần vốn góp từ thành viên góp vốn; không được ký mới, ký kéo dài và tiếp tục thực hiện các hợp đồng giao dịch ký quỹ, cho vay mua chứng khóa, giao dịch có cam kết bán lại, cho khách hàng vay không có tài sản đảm bảo; không được ký các hợp đồng bảo lãnh phát hành dưới hình thức cam kết chắc chắn.

Đối với đối tác doanh nghiệp, TVSI cũng không được tham gia góp vốn thành lập công ty con, không được đầu tư bất động sản; hạn chế đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị rủi ro, giảm vốn khả dụng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan