VAI TRÒ CỦA NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ INTERNET TRONG VIỆC BẢO VỆ QUYỀN TÁC GIẢ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG TẠI VIỆT NAM TRONG TPP

Nội dung bài viết

Thạc sỹ - Luật sư: Phạm Duy Khương

Giám đốc, Công ty cổ phần tư vấn S&B (SB LAW)

Email: khuong.pham@sblaw.vn

Te: 0973292669

Tóm tắt

Việc gia nhập hiệp định Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể đạt được các lợi ích này, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức bởi những quy định khác biệt giữa luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và cam kết trong TPP. Trong phạm vi nội dung bài việt này, tác giả tập trung phân tích sâu về vai trò của nhà cung cấp dịch vụ Internet trong việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường mạng theo cam kết TPP. Theo đó, các vấn đề sau đây sẽ được đặt ra: quy định hiện tại của Việt nam về nhà cung cấp dịch vụ internet; sự khác biệt của TPP so với luật Việt Nam khi đưa ra định nghĩa rộng hơn về nhà cung cấp dịch vụ internet liên quan đến quyền tác giả; Quyền và Trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam đối về quyền tác giả khi tham gia TPP.

Từ khóa: Internet, bản quyền, quyền tác giả,xâm phạm quyền

I. Đặt vấn đề

Internet là mạng thông tin toàn cầu, được hình thành trên cơ sở kết nối các máy tính, các website, trang thông tin điện tử tên khắp hành tinh, sự ra đời và phát triển của internet được ví như “xa lộ thông tin siêu tốc”, kết nối toàn cầu mở ra kỉ nguyên mới cho truyền thông và phát triển của loài người. Sự ra đời của internet là một bước tiến vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nó liên kết tất cả thế giới lại thông qua thiết bị được kết nối Internet (máy tính để bàn, Laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng).

Với sự phát triển như vũ bão của các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong lĩnh vực truyền dẫn, kết nối, thiết bị có khả năng kết nối Internet mà ngày nay Internet đang đóng vai trò rất quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống con người, từ việc giải trí, thỏa mãn nhu cầu cá nhân đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và dần hình thành mô hình kinh doanh trực tuyến, kiếm tiền online (Make Money Online - MMO). Internet phát triển mạnh mẽ đến mức, nhu cầu được sử dụng Internet đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với nhiều người và họ không thể một ngày không có Internet, đối với các doanh nghiệp mà cao hơn là một quốc gia, việc không có Internet hoặc đường truyền Internet bị ảnh hưởng có thể để lại các thiệt hại về kinh tế nặng nề.

Tuy nhiên, bên cạnh các ảnh hưởng tích cực đến đời sống của cá nhân, doanh nghiệp hay nền kinh tế của một quốc gia thì Internet cũng đi kèm các mặt trái không thể ngăn chặn được gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, đời sống kinh tế của một quốc gia, sự phát triển của doanh nghiệp và cả sự an toàn cá nhân.

Một trong những vấn đề hiện nay mà Internet gây ra liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng là tình trạng xâm phạm quyền tác giả diễn ra trên môi trường mạng Internet tại nhiều quốc gia trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam. Internet đã và đang trở thành công cụ đắc lực và hữu hiệu để thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả với quy mô và số lượng lớn do dễ dàng lưu trữ, lan truyền, phát tán và chia sẽ các tác phẩm được bảo hộ trong môi trường mạng giữa rất nhiều người dùng với nhau. Nỗ lực chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên mạng Internet vẫn luôn là nỗ lực không ngừng của nhiều quốc gia, thậm chí là cả các quốc gia có nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật phát triển như Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu. Nhiều biện pháp kỹ thuật - pháp lý đã được áp dụng để tìm ra giải pháp hữu hiệu cho việc hạn chế và ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền tác giả trên mạng. Một trong những nỗ lực lớn mà Hoa Kỳ đã thực hiện được chính là Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ (DCMA - Digital Millennium Copyright Act).

Tại Việt Nam, kể từ thời điểm được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên là Công ty cổ phần Netnam vào năm 1994, Internet đã không ngừng phát triển. Đến tháng 9 năm 2016, tổng số người dùng Internet ở Việt Nam đã chiếm 53%[1] dân số. Thế nhưng khác với các quốc gia có nền kinh tế phát triển khác, khi mà việc bảo hộ quyền tác giả trên môi trường Internet được thực hiện rất nghiêm và chặt chẽ thông qua các biện pháp kỹ thuật - pháp lý thì tại Việt Nam, khả năng bảo hộ quyền tác giả trên môi trường Internet hiện nay được đánh giá là rất lỏng lẽo và không có khả năng thực thi trên thực tế.

Tuy nhiên, với việc Việt Nam tham gia và ký kết các hiệp định với các đối tác kinh tế lớn, trong đó, quan trọng và tiêu biểu nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - TPP), và với việc TPP có quy định rõ về vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (Internet Service Provider - ISP) thì các ISP sẽ được coi là có vai trò tích cực trong việc ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi được các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên mạng Internet hiện nay ở Việt Nam.

II. ISP theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và TPP

Hiện nay, một định nghĩa/khái niệm rõ ràng về ISP, theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là chưa có. Khái niệm về ISP gần nhất mà pháp luật Việt Nam có quy định lại là theo quy định của Điều 3.2 và 3.4 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Sau đây gọi là “Nghị định 72”), thì Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet là doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Internet bao gồm dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ kết nối Internet, trong đó:

  • Dịch vụ truy nhập Internet là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng Internet khả năng truy nhập đến Internet;
  • Dịch vụ kết nối Internet là dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông khả năng kết nối với nhau để chuyển tải lưu lượng Internet.

Như vậy, theo định nghĩa của Nghị định 72 thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet chỉ đơn thuần là doanh nghiệp cung cấp cho người dùng Internet khả năng truy nhập đến Internet và cung cấp cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông khả năng kết nối với nhau để chuyển tải lưu lượng Internet.

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 (Sau đây gọi chung là “Luật SHTT) hoàn toàn không có định nghĩa hay khái niệm nào về ISP. Do đó, có thể nói quy định nêu trên của Nghị định 72 là khái niệm cụ thể nhất đối với ISP cho đến thời điểm hiện tại tại Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm này hoàn toàn khác biệt so với khái niệm về ISP theo TPP.

Theo quy định tại Điều 18.81 của TPP thì Nhà cung cấp dịch vụ Internet nghĩa là:

(a) nhà cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho việc truyền dẫn, định tuyến, hoặc cung cấp kết nối cho truyền thông trực tuyến kỹ thuật số, giữa hai hay nhiều điểm do người dùng xác định, đối với các nội dung do người dùng lựa chọn, thực hiện chức năng nêu ở Điều 18.82.2(a) của TPP (tức chức năng truyền dẫn, định tuyến, hoặc cung cấp kết nối đến các tài liệu mà không làm thay đổi nội dung của tài liệu đó, hoặc lưu trữ trung gian và tạm thời các tài liệu đó một cách tự động trong một quy trình kỹ thuật); hoặc

(b) nhà cung cấp các dịch vụ trực tuyến thực hiện chức năng nêu ở Điều 18.82.2(c) (tức là chức năng lưu trữ, theo chỉ định của người dùng, tài liệu trên hệ thống hoặc mạng được điều khiển hoặc vận hành bởi hoặc cho Nhà Cung cấp Dịch vụ Internet hoặc Điều 18.82.2(d) (tức là chức năng chuyển hoặc kết nối người dùng đến một vị trí trực tuyến bằng việc sử dụng các công cụ định vị thông tin, gồm cả siêu liên kết và thư mục).

Để rõ ràng hơn, Nhà Cung cấp Dịch vụ Internet bao gồm nhà cung cấp các dịch vụ liệt kê trên đây, mà tham gia thực hiện việc lưu trữ tạm thời thông qua một quy trình tự động.

Như vậy, theo quy định của TPP, nhà cung cấp dịch vụ Internet theo quy định của TPP rộng và rõ hơn so với định nghĩa về Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Nếu như theo các quy định của pháp luật Việt Nam thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet chỉ đơn thuần cung cấp cách thức để người dùng truy cập và sử dụng mạng Internet thì ISP theo quy định của TPP còn quy định cụ thể và rõ ràng cách thức cung cấp dịch vụ cũng như đối tượng được cung cấp dịch vụ.

Sự khác nhau này có thể được lý giải ở sự khác nhau của cách tiếp cận đối với ISP giữa pháp luật Việt Nam và TPP. Trong khi pháp luật Việt Nam (cụ thể là Nghị định 72) quy định nhằm quản lý hoạt động của các ISP nói chung thì TPP hướng đến việc xác định vai trò của ISP trong việc ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường Internet.

Việc Luật SHTT không có quy định nào về ISP có thể được lý giải bởi các nguyên nhân sau đây:

  • Tại thời điểm ban hành Luật SHTT (luật SHTT năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật năm 2009), các nhà làm luật chưa lường hết được sự phát triển mạnh mẽ của Internet và vai trò của Internet trong việc thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng.
  • Các nhà lập pháp chưa nhìn nhận đúng vai trò của các ISP trong việc chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên mạng Internet.

Việc Luật SHTT thiếu đi các quy định về quyền và trách nhiệm của các ISP, có thể coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thể khống chế và hạn chế các hành vi xâm phạm quyền tác giả tràn lan trên mạng Internet hiện nay tại Việt Nam. Do đó, việc ban hành quy định về quyền và nghĩa vụ của ISP là cần thiết nhằm tạo điều kiện để chủ thể quyền có thể tiếp cận và tìm ra giải pháp nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm để bảo vệ quyền của mình trong môi trường Internet.

III. Vai trò của ISP theo quy định của TPP.

Theo quy định của TPP, vai trò của ISP được quy định tại Điều 18.82: Chế tài pháp lý và Khu vực an toàn.

Từ các quy định tại Điều 18.82, có thể thấy, ISP đóng vai trò như những cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng. Chủ sở hữu quyền, thay vì thực hiện các thủ tục pháp lý (chẳng hạn như yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban thực hiện việc thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc khởi kiện ra tòa án để buộc bên vi phạm phải ngừng hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại, xin lỗi cong khai) để yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền của mình, vốn có thể tốn thời gian, công sức và chi phí thì có thể yêu cầu các ISP, thực hiện các biện pháp, như một biện pháp khẩn cấp bao gồm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập đến tài liệu trên mạng hoặc hệ thống của họ khi thực sự nhận thức được hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc nhận biết được các sự việc hoặc tình huống trong đó hành vi xâm phạm là rõ ràng hiển nhiên, chẳng hạn như khi nhận được thông báo của chủ thể quyền hoặc người đại diện hợp pháp của chủ thể quyền và khi ISP đã thực hiện các biện pháp này thì sẽ được miễn trừ khỏi bất kỳ trách nhiệm nào cho hành động này bao gồm trách nhiệm với chủ thể quyền, trách nhiệm với chủ sở hữu các tài liệu đã bị gỡ bỏ, ngăn chặn truy cập. Khi xét đến mục đích của việc yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính, hay khởi kiện ra tòa án của chủ thể quyền, thì việc yêu cầu các ISP thực hiện việc gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy cập đến các tài liệu xâm phạm quyền là biện pháp đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả nhất mà chủ thể quyền có thể tiếp cận khi mà mục đích của chủ thể quyền trong nhiều trường hợp là chấm dứt ngay lập tức hành vi vi phạm (việc gỡ bỏ tài liệu vi phạm hoặc ngăn chặn truy cập đến tài liệu vi phạm đáp ứng tốt nhất mục đích này của chủ thể quyền).

Tác giả bài viết đánh giá rằng đây là một cuộc cách mạng thực sự trong việc bảo vệ quyền của chủ thể quyền trong môi trường điện tử trực tuyến tại Việt Nam. Nếu như nhìn vào thực tế hiện tại đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường internet thì sẽ thấy việc xử lý được hành vi xâm phạm gần như bất khả thi với các cơ quan thực thi, chủ thể quyền. Không có bất cứ một cơ chế, quy định nào trong các văn bản pháp luật hiện tại có thể giải quyết được vấn nạn xâm phạm quyền trên internet một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, với quy định về Nhà cung cấp dịch vụ Internet (Mục J, Chương 18), TPP đã thiết lập được một cơ chế mà theo đó các nhà cung cấp dịch vụ Internet – chủ thể có vai trò quan trọng nhất trong việc phát tán các đối tượng xâm phạm quyền trên Internet, phải có trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước chủ thể quyền, trong việc phối hợp xử lý các yêu cầu của chủ thể quyền nhằm đảm bảo được việc ngăn chặn các hành vi lưu trữ và truyền đưa các nội dung đã được bảo hộ quyền tác giả mà chưa được sự cho phép của chủ thể quyền hoặc các hành động khác nhằm ngăn chặn các hành vi đã nêu. Tuy nhiên, với bản chất là một mối quan hệ dân sự giữa chủ thể quyền và Nhà cung cấp dịch vụ Internet, các yêu cầu của chủ thể quyền gửi đến Nhà cung cấp dịch vụ Internet phải đi kèm với các chứng cứ xác đáng chứng minh quyền của chủ thể quyền đối với các tác phẩm đang bị xâm phạm, điều này có thể là một khó khăn mà chủ thể quyền có thể sẽ không vượt qua được ngay từ đầu.

Trong quá trình thực hiện vai trò nêu trên của mình, ISP cũng được bảo vệ trước các hành vi cố ý cung cấp thông tin không trung thực của chủ thể quyền cũng như thông báo phản hồi không trung thực của chủ sở hữu tài liệu đã bị ngăn chặn truy cấp, gỡ bỏ. Khi mà ISP đã thực hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình theo TPP, thì ISP được miễn trừ các trách nhiệm và được bảo vệ trước những hành vi gian dối. Theo quy định thì mỗi quốc gia thành viên của TPP phải bảo đảm có các chế tài xử phạt tiền trong hệ thống pháp luật của mình đối với bất kỳ người nào cố tình đưa ra thông tin sai trong một thông báo hoặc thông báo phản hồi khiến Nhà Cung cấp Dịch vụ Internet thực hiện theo thông báo có thông tin sai đó và dẫn đến thiệt hại cho bất kỳ bên liên quan nào. TPP cũng đã quy định rõ rằng việc thực hiện vai trò của ISP không đồng nghĩa với việc ISP không bị buộc phải giám sát dịch vụ của mình hoặc chủ động tìm kiếm bằng chứng để chỉ ra hành vi vi phạm.

Bên cạnh việc gỡ bỏ, ngăn chặn truy cập đến các tài liệu xâm phạm quyền tác giả, ISP còn đóng vai trò là đơn vị cung cấp thông tin (trong phạm vi được phép, theo quy định của từng quốc gia) để điều tra, xác minh chủ thể đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả. Và thậm chí, trong trường hợp ISP không thể thực hiện được vai trò như nêu trên của mình, thì việc không thực hiện này sẽ không tự thân dẫn đến việc ISP phải chịu trách nhiệm cho việc không thực hiện hoặc với hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra trên hệ thống do mình quản lý và vận hành.

Có thể nói, quy định của TPP về ISP sẽ là cơ sở và tiền đề để mỗi quốc gia thành viên của TPP xây dựng và ban hành các quy định riêng của mình tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các ISP tại từng quốc gia thực hiện tốt vai trò của mình trong việc ngăn chặn và chống lại hành vi xâm phạm quyền tác giả trong môi trường mạng Internet, tạo thành một giải pháp đồng bộ và thống nhất giữa các quốc gia, thiết lập nên một hệ thống thực thi quyền tác giả hiệu quả, tiết kiệm cả về chi phí và thời gian cho các chủ thể quyền và qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế của từng quốc gia nói riêng và nền kinh tế của tất cả các thành viên TPP nói chung.

Đối với Việt Nam, các quy định của TPP sẽ là tiền đề để các nhà làm luật xem xét và sửa đổi các quy định của Luật SHTT hiện hành, bằng cách bổ sung thêm các quy định cụ thể về ISP và các quy định khác phù hợp với quy định của Chương 18 về Sở hữu trí tuệ của TPP và các quy định mới này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới đem lại tính hiệu quả, khả thi cao trong việc thực thi bảo vệ quyền tác giả trên mạng Internet nói riêng cũng như các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

  1. Phó Gs.Ts. Phạm Thị Hồng Yến, Hiệp định TPP - cơ hội, thách thức và giải pháp chiến lược, Bộ Công Thương, <http://tpp.moit.gov.vn/app_file/tpp/about/hiep%20dinh%20tpp%20-%20co%20hoi%20thach%20thuc%20va%20giai%20phap%20chien%20luoc.pdf>
  2. Ths. Phạm Duy Khương, Cơ hội và thách thức về bảo vệ quyền sao chép khi việt nam tham gia tpp. Kỷ yếu hội thảo quốc gia về thực thi các cam kết pháp lý của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và vấn đề bảo vệ quyền sao chép trong bối cảnh hội nhập.

[1] Digital in APAC 2016 - wearesocial.com (http://wearesocial.com/uk/special-reports/digital-in-apac-2016)

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan