Vạch mặt cạnh tranh bẩn trong kinh doanh du lịch

Nội dung bài viết

Lợi dụng uy tín của doanh nghiệp (DN) khác, một số công ty lữ hành sử dụng chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh, lừa đảo khách hàng...

Bất lực bị đối thủ “cướp” khách

Mới đây, hàng loạt công ty du lịch lữ hành tại TP.HCM như: Vietravel, Saigontourist, Du lịch Việt, Kỷ Nguyên Travel, VYC, Du lịch Hải Đăng, Hòn Ngọc Viễn Đông… phát hiện số điện thoại tổng đài của họ đã đăng ký trên Google Maps bị thay thế bằng các số máy có 4 số cuối: …0009,…5557,…5559 và …0007 của Công ty Du lịch Á Châu. Một số đơn vị còn bị sửa cả trụ sở công ty, số điện thoại chi nhánh và đường link website dẫn về trang web của công ty này.

Theo các công ty du lịch, với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên, rất có thể họ đã bị Công ty Du lịch Á Châu “cướp” khách hàng, gây thiệt hại nghiêm trọng khi đang trong giai đoạn cao điểm du lịch Tết. Bởi lẽ, đa số khách hàng khi muốn đăng ký tour, họ thường lên Google tìm tên, số điện thoại của công ty để tiện liên hệ
canh-tranh-khong-lanh-manh-trong-du-lich

"Văn hóa kinh doanh kém, quản lý Nhà nước lại lỏng lẻo chưa có công cụ bảo hộ những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các doanh nghiệp phải tự bơi, tự bảo vệ mình. Đây là thực trạng đáng buồn trong kinh doanh du lịch hiện nay”. PGS.TS. Phạm Trung Lương

Không dừng lại ở đó, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, một số công ty còn dở trò cạnh tranh “bẩn”, gây nhiễu loạn thông tin thị trường qua kênh quảng cáo Google. Cụ thể, theo chính sách quảng cáo Google Adwords, các bên tham gia quảng cáo được quyền mua từ khóa mang tên thương hiệu của bất kỳ công ty nào, ngành nghề nào và dẫn link về website tùy ý mà không cần qua kiểm duyệt. Lợi dụng điều này, đã có “bên thứ 3” mua cụm từ khóa “du lich dat viet”, hiển thị thông tin Công ty du lịch Đất Việt nhưng lại có link dẫn về website Du Lịch Việt mà không có sự cho phép từ phía công ty.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt khẳng định: “Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên vô cùng nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường và khách hàng. Nếu không xử lý kịp thời, các công ty uy tín sẽ bị dìm chết bởi các chiêu trò của những công ty làm ăn chộp giật”. Mặt khác theo ông Long, đây cũng là “hồi chuông cảnh báo” cho hành vi núp bóng các công ty uy tín để lừa đảo khách hàng trong kinh doanh thương mại điện tử nói chung, không chỉ riêng ngành Du lịch.

Là một người gắn bó lâu năm với ngành Du lịch, PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch chia sẻ: Thực trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty du lịch đã xuất hiện từ lâu. Đáng nói, trong số này có cả những công ty lớn. Không chỉ lấy tên, làm giả thương hiệu của nhau, theo ông Lương, một số doanh nghiệp làm ăn còn có cả chiêu “nẫng tay trên” khách hàng của doanh nghiệp (DN) khác ngay tại sân bay hay trong khách sạn... Trong đó phổ biến nhất vẫn là chiêu “trộm” ý tưởng tour du lịch. “Những DN làm ăn chân chính trong mỗi mùa vụ, họ đều phải bỏ công sức lẫn tiền bạc để thiết kế xây dựng các tour. Tuy nhiên, chỉ sau khi tung lên mạng vài phút đã bị DN khác copy lại”, ông Lương bức xúc cho biết.

Khó bồi thường thiệt hại?

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Tổng cục Du lịch đã có công văn gửi Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM đề nghị kiểm tra hoạt động lữ hành của Công ty Á Châu và Công ty Du lịch lữ hành Việt bởi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh; báo cáo kết quả về Tổng cục Du lịch, nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi tương tự.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, tới chiều 23/12, hành vi “đánh tráo” số điện thoại trên Google Maps đã bị rút xuống. Tuy nhiên, hành vi quảng cáo núp bóng vẫn còn phổ biến. Cụ thể, khi khách hàng gõ từ khóa “công ty du lịch Saigontourist” công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra kết quả ngay trên đầu những đường link dẫn về website của Yolo Travel hay Your Singapore.

Theo ông Trần Văn Long, với việc cho phép các đối tác tự ý mua từ khóa là tên thương hiệu đã được đăng ký, Google đang tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Bởi với việc tra cứu từ khóa, khách hàng thường click vào link đầu tiên trong kết quả tìm kiếm và mua dịch vụ. Qua đây, ông Long kiến nghị Bộ TT&TT vào cuộc điều tra, dẹp bỏ nạn quảng cáo “mập mờ đánh lận con đen” góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh thương mại điện tử.

Nhận định về những hành vi trên, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Văn phòng Luật sư SB Law cho rằng, DN đã có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng có thể ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt hành vi vi phạm và công khai đính chính xin lỗi. Về vấn đề bồi thường thiệt hại, luật sư Hà cho rằng, khó khả thi: “Để được bồi thường, đối tượng bị hại phải thu thập bằng chứng, chứng minh mức độ thiệt hại và kiện ra tòa. Tuy nhiên, trường hợp này rất khó để chứng minh”, luật sư Hà phân tích.

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/vach-mat-canh-tranh-ban-trong-kinh-doanh-du-lich-d181923.html

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan