Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đang lúng túng trong việc xây dựng khung pháp lý với tiền số, tài sản số. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam là vấn đề “không thể lẩn tránh mãi” và cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa các yếu tố được – mất. Bài viết dưới đây có trích dẫn các ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề trên.
Việt Nam lọt Danh sách Xám
Tháng 6/2023, Việt Nam bị đưa vào Danh sách Xám của Cơ quan Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF). Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền với mục tiêu “quyết liệt triển khai mọi biện pháp để có thể đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám trong vòng 2 năm”.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám của FATF là tăng cường quy định, cơ chế phòng, chống tội phạm rửa tiền thông qua giao dịch tiền số, đặc biệt là luật hóa các định nghĩa cơ bản về tài sản số (VA) cũng như các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số (VASP).
Việc Việt Nam bị đưa vào Danh sách Xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền FATF có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. Đầu tiên, nó có thể làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế và hạn chế khả năng tiếp cận vốn từ thị trường tài chính toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước có thể phải đối mặt với chi phí giao dịch cao hơn và khó khăn hơn trong việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể bị hạn chế trong việc tiếp cận các khoản vay từ các tổ chức quốc tế như IMF, ADB, và WB, buộc phải chuyển sang vay thương mại với lãi suất cao hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà còn có thể làm suy yếu uy tín và vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết: “Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), phần lớn các quốc gia khi bị đưa vào Danh sách Xám của FATF có nguy cơ làm dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) giảm trung bình 3% GDP; dòng vốn đầu tư gián tiếp giảm trung bình 2,9% GDP; và dòng vốn đầu tư thông qua các kênh khác giảm trung bình 2,4% GDP”.
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch VBA, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận định: “Cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý tài sản số phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của FATF nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám vào năm 2025”.
Vấn đề cấp thiết của nhiều quốc gia
Trong nền kinh tế số, vai trò của tiền số và tài sản số lại càng trở nên nổi bật hơn. Sự phát triển của tài sản số có thể thấy được qua tốc độ phát triển trung bình hàng năm.
Theo thống kê của Boston Consulting Group, tổng giá trị tài sản số trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ.
Trên thực tế, tiền số, tài sản số tại Việt Nam đang trong tình trạng “thả nổi”. Dù chưa được luật hóa nhưng các hoạt động đầu tư, mua bán, giao dịch tiền số, tài sản số của người Việt vẫn diễn ra sôi động trên các sàn quốc tế hoặc thông qua thỏa thuận trực tiếp.
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư Ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, khẳng định: “Dù chúng ta có thừa nhận hay không thì tiền số, tài sản số vẫn đang tồn tại. Ở góc độ phát minh, tiền số, tài sản số là phát minh rất thú vị của loài người. Nhờ có tiền số, tài sản số, chúng ta có thể giải quyết được một vấn đề nan giải, đó là chuyển đổi tiền tệ. Khi mỗi nước có một đồng nội tệ riêng thì việc chuyển đổi tiền tệ vừa gây mất thời gian lại vừa mất chi phí, chưa kể đến nỗi lo về tỷ giá”.
“Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý nhà nước, khi nói đến chủ quyền của một quốc gia trong kinh tế học thì chủ quyền về tiền tệ là quan trọng nhất. Tiền số, tài sản số xuất hiện có thể phá vỡ chính sách tiền tệ của một quốc gia, điều này cực kỳ nguy hiểm”, ông Quỳnh nói.
Chính vì thế, không riêng Việt Nam, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đều đang lúng túng trong ứng xử với tiền số, tài sản số. Bài toán phải làm sao để hài hòa giữa hai bên, một bên là ứng dụng mới mang lại sự tiện lợi, đơn giản và hiệu quả cho con người, một bên là bảo vệ được chủ quyền tiền tệ của quốc gia là bài toán không dễ giải quyết, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Quỳnh, việc có công nhận tiền số, tài sản số hay không là quyết định mang tính trade-off, tức phải đánh đổi và cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái được và cái mất. Tuy nhiên, xu hướng chung của nhiều nước hiện này là dần thích nghi và chấp nhận tài sản số.
“Thay vì lờ đi, nhiều nước đang từng bước chấp nhận tài sản số là một hình thái đầu tư tài sản. Họ đưa ra các quy định, cơ chế để minh bạch hóa các hoạt động liên quan đến tài sản số và thừa nhận quyền tài sản hợp pháp. Trên cơ sở đó, các nước này vừa có thể quản lý, kiểm soát được tài sản số, vừa có thể tận thu thuế”, ông Quỳnh nhận định.
Quay trở lại với Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng xây dựng khung pháp lý đối với tiền số, tài sản số là vấn đề “không thể lẩn tránh mãi”.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital), tài sản số được luật hóa sẽ giảm được rủi ro về pháp lý, ngoại hối và lừa đảo. “Khi đó, dòng tiền sẽ được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch, rủi ro an ninh tiền tệ sẽ được giảm, từ đó góp phần tăng cường tài chính quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách thông qua kiểm soát thuế, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư”, ông nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law, nhận định việc chậm trễ trong ban hành khung pháp lý đối với tài sản số có thể dẫn đến nhiều rủi ro, bao gồm rủi ro về hoạt động bất hợp pháp, tấn công mạng và biến động tài sản.
Đầu tiên là rủi ro về hoạt động bất hợp pháp. Theo luật sư Hà, khi thiếu khung pháp lý rõ ràng, “tiền ảo có thể trở thành công cụ, tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp, tội phạm lẩn trốn sự giám sát và kiểm tra”. Bên cạnh đó, việc thiếu khung pháp lý có thể tạo điều kiện cho các cuộc tấn công mạng, truy cập trái phép vào thông tin cá nhân và tài sản, đồng thời đe dọa an ninh mạng quốc gia.
Cuối cùng, rủi ro lớn nhất của loại hình đầu tư tài sản số, tiền số này xuất phát từ biến động giá. Thiếu khung pháp lý kiểm soát loại tiền này làm tăng rủi ro về sự bất ổn giá trị của thị trường này, đồng thời có thể gây bất ổn đến hệ thống tài chính.
Gợi mở về chính sách quản lý tài sản số
Liên quan đến chính sách quản lý tài sản số tại nước ta, ông Đỗ Ngọc Quỳnh gợi mở thông qua câu chuyện quản lý ngoại tệ.
“Ở Việt Nam thời đất nước mới mở cửa, ngoại tệ không được dùng làm phương tiện thanh toán nhưng có thể được xem là tài sản tích trữ. Khi đó, người dân được giữ ngoại tệ, gửi vào ngân hàng nhưng không được dùng chúng để thanh toán trong nền kinh tế. Nhiều nước cũng đang ứng xử với tài sản số như vậy. Các quốc gia này chấp nhận tài sản số là một hình thái đầu tư chứ không phải là phương tiện thanh toán. Đây cũng là cách hay để tránh những tác động tiêu cực của tài sản số, đồng thời cũng giúp mang lại những tác động hài hòa, tích cực với kinh tế - xã hội”, Tổng thư Ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu ra 5 vấn đề quan trọng cần xem xét khi xây dựng khung pháp lý với đối với tài sản số, bao gồm định nghĩa và phân loại tài sản số, quyền sở hữu và quyền sử dụng, bảo mật, quản lý rủi ro và cuối cùng là giám sát, kiểm soát.
Thứ nhất, việc định nghĩa rõ ràng và phân loại các tài sản ảo là nhằm để hiểu rõ tính chất và quyền lợi liên quan, xác định xác định loại nào sẽ sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định. Điều này bao gồm việc phân biệt các loại tài sản ảo khác nhau như tiền ảo, tiền mã hóa, token, stablecoins…
Thứ hai, cần xác định rõ ràng quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản ảo để đảm bảo tính công bằng và cách phân xử khi có tranh chấp. Bên cạnh hai quyền cơ bản trên, còn cần xác định quyền nhượng quyền, quyền thừa kế, quyền truy cập, quyền giao dịch, quyền sử dụng trong các mạng lưới khác nhau…
Thứ ba, tài sản số thường được bảo mật bằng công nghệ mã hóa. Chính vì thế, khung pháp lý cần bảo đảm có các biện pháp đủ mạnh mẽ để bảo mật thông tin người dùng lẫn dữ liệu tài sản cũng như quy định rõ ràng về quyền riêng tư, bồi thường trong trường hợp lộ thông tin, mất mát tài sản hoặc vi phạm quyền lợi của người dùng.
Thứ tư, cần xác định rõ các yêu cầu về kiểm soát rủi ro và quy định cho các tổ chức và cá nhân trong giao thương liên quan đến tài sản ảo. Ngoài ra, việc có các yêu cầu tuân thủ về báo cáo tài chính, phân loại dữ liệu và công khai thông tin cũng là điều cần thiết.
Thứ năm, thiết lập các cơ quan và tổ chức có trách nhiệm giám sát và kiểm soát các hoạt động liên quan đến tiền ảo để kiểm soát điều chỉnh các doanh nghiệp và cá nhân, đồng thời đưa ra các biện pháp xử phạt và giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét các thỏa thuận hợp tác quốc tế để tạo ra khung pháp lý tương đồng và phù hợp, nhằm đảm bảo Việt Nam không bị cô lập trong lĩnh vực này, đồng thời nắm bắt các xu hướng mới và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, Chủ tịch Công ty luật SB Law nhận định.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ung-xu-voi-tai-san-so-khong-the-lan-tranh-mai-d110919.html
Tham khảo thêm >> Tư vấn tài chính ngân hàng