Trái phiếu doanh nghiệp mang lại nhiều điểm tích cực cho nền kinh tế, vừa là kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh, vừa là là kênh đầu tư hấp dẫn với mức sinh lời tương đối cao. Cùng với sự phát triển nóng của TPDN, thị trường cũng dần xuất hiện những hành vi sai phạm gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay chế tài đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này còn yếu và thiếu, chưa đủ sức răn đe. Do đó, để ngăn chặn sai phạm cần tăng cường chế tài, đặc biệt bổ sung chế tài hình sự.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm/bài viết về vụ việc Tân Hoàng Minh: Nhận diện vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:
-Theo ông, những hành vi vi phạm chủ yếu trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Trả lời:
Trong thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh. Tuy nhiên, đồng thời, cũng xuất hiện nhiều hành vi vi phạm, cụ thể:
Thứ nhất, trong việc công bố thông tin:
Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu như sau: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ chào bán trái phiếu và các thông tin công bố; thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán thống kê và kiểm toán theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đầy đủ về hồ sơ bán trái phiếu và các thông tin công bố.
Tuy nhiên, trên thực tế, để thu hút nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ dẫn đến việc tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Điển hình như mới đây - ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Các doanh nghiệp này đều là các công ty chưa đại chúng. Lý do hủy vì "có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ".
Thứ hai, chào bán trái phiếu doanh nghiệp khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 và Điều 12 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp chào bán trái phiếu riêng lẻ phải nộp hồ sơ chào bán trái phiếu đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản; trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán và tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định tại Nghị định này.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp doanh nghiệp chào bán “chui” trái phiếu doanh nghiệp mà không đăng ký, không có chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điển hình, năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group. Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group bị phạt tiền 600 triệu đông do có hành vi vi phạm hành chính chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thứ ba, vi phạm quy định về đối tượng mua trái phiếu
Nghị định 153/2020/NĐ-CP yêu cầu đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (có chứng chỉ hành nghề, nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng, có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán 2018). Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán sẵn sàng nhận một khoản phí để “phù phép” biến nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.
-Đâu là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm này, liệu các quy định của pháp luật có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hay không, thưa ông?
Trả lời:
Hiện nay, chế tài xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán được quy định của yếu trong Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành và các văn bản hướng dẫn.
Trong đó, Bộ luật hình sự quy định các tội liên quan đến lĩnh vực chứng khoán gồm: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán... với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù và phạt tiền cao nhất là 10 tỷ đồng. Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Có thể thấy, các chế tài này vẫn còn chưa tương thích so với hậu quả nghiêm trọng mà các vi phạm pháp luật chứng khoán gây ra cho xã hội mà đặc biệt là cho các nhà đầu tư. Chính điều này đã dẫn đến việc các hành vi vi phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm.
- Theo ông, làm thế nào để có thể khắc phục được tình trạng này, đặc biệt, pháp luật phải sửa đổi như thế nào để khắc phục tình trạng này?
Trả lời:
Thứ nhất, cần sửa đổi các quy định trong Bộ Luật hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng hình phạt. Bởi lẽ hiện nay số tiền xử phạt trong các vụ việc vi phạm lĩnh vực chứng khoán là khá thấp không tương thích với hậu quả của vi phạm hay các khoản lợi mà chủ thể vi phạm đạt được khi thực hiện hành vi do đó làm giảm hiệu quả răn đe của hình phạt. Mức xử phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với cá nhân là 1.5 tỷ đồng, với tổ chức là 3 tỷ đồng.
Thứ hai, cần đồng bộ hóa các thể chế và định chế liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán, tạo ra khung pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoàn chỉnh để thị trường chứng khoán được vận hành đồng bộ và có hiệu quả.
Thứ ba, lĩnh vực chứng khoán là một lĩnh vực tương đối mới, do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung những quy định pháp luật phù hợp với thực tế khi xã hội đang phát triển như vũ bão hiện nay để từ đó có thể tạo hành lang pháp lý quản lí hoạt động chứng khoán, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Ngay khi các cơ quan có thẩm quyền phát hiện các hành vi sai phạm thì phải xử lý nghiêm, ngay từ đầu để tránh những hệ lụy đáng tiếc sau này.