
Tư vấn về rủi ro pháp lý và mức xử phạt khi góp vốn không qua tài khoản vốn đầu tư tại Việt Nam
Câu hỏi:
Khi lập dự án ở tỉnh Y: Nhà đầu tư nộp tiền góp vốn (có khoản thì nộp vào tài khoản vốn, có khoản nộp vào tài khoản thanh toán). Vậy có gặp rủi ro gì và mức phạt là bao nhiêu? Nêu căn cứ pháp lý.
Trả lời:
Trước hết, về đối tượng có nghĩa vụ mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bao gồm:
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được định nghĩa tại quy định này bao gồm:
a, Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b, Doanh nghiệp không thuộc trường hợp đề cập tại mục a trên có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
(i) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
(ii) Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
(iii) Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
c, Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án (sau đây gọi là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP).
Thuật ngữ “Nhà đầu tư nước ngoài” đề cập trên được diễn giải theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN bao gồm: cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Căn cứ theo thông tin đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH A, SB Law nhận thấy rằng:
a, Công ty TNHH A, được thành lập trên cơ sở chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty TNHH 2 thành viên trở lên từ công ty tiền thân là Công ty TNHH B, với 2 thành viên góp vốn là Công ty TNHH C và Công ty TNHH D, đều là các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
b, Tiền thân của Công ty TNHH A, Công ty TNHH B cũng được thành lập trên cơ sở 100% vốn chủ sở hữu của Công ty C, là một doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Do đó, Công ty TNHH A không thuộc đối tượng phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp như được đề cập trên.
Vì vậy, việc góp vốn của Công ty TNHH C và Công ty TNHH D vào Công ty TNHH A có thể được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán thông thường, không bắt buộc phải tuân thủ quy trình góp vốn qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA).