Tư vấn về rủi ro pháp lý và mức xử phạt khi chấm dứt hoạt động dự án đầu tư tại Việt Nam mà không thông báo

Câu hỏi:
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với mã số dự án X (đã cấp nhưng hiện tại không còn hoạt động nữa. Chúng tôi có nhu cầu đóng dự án). Vậy khi đóng dự án này gặp những rủi ro gì và mức phạt là bao nhiêu? Nêu căn cứ pháp lý.
Trả lời:
- Rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi không thông báo hoặc không gửi quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư).
Theo thông tin được Khách hàng cung cấp, SB Law hiểu rằng trên thực tế, Dự án đầu tư đăng ký tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với mã số dự án X không còn hoạt động tại địa điểm thực hiện dự án đã đăng ký từ 28/5/2021.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 57 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, trường hợp nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư có nghĩa vụ gửi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định, kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư không tuân thủ nghĩa vụ thông báo hoặc gửi quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, căn cứ quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 15 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, với hình thức xử phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gửi thông báo hoặc quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư.
- Rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp Công ty không tuân thủ chế độ báo cáo hoạt động đầu tư:
Bên cạnh việc thông báo, gửi quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư nêu trên, Khách hàng cũng cần lưu ý về việc tuân thủ chế độ báo cáo hoạt động đầu tư.
Liên quan đến việc nộp báo cáo đầu tư của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, theo Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định về giám sát, đánh giá đầu tư; Nhà đầu tư/ tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ nộp các báo cáo định kỳ liên quan đến dự án đầu tư, bao gồm các loại báo cáo như sau:
- Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư;
- Báo cáo hoạt động đầu tư định kỳ.
a, Đối với Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ 06 tháng và cả năm
Thời hạn nộp báo cáo:
+ Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ 6 tháng: Nộp trước ngày 10 tháng 07 của năm báo cáo.
+ Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ cả năm: Nộp trước ngày 10 tháng 02 năm sau.
Hình thức nộp: Nộp trực tiếp cho cơ quan đăng ký đầu tư
b, Đối với Báo cáo hoạt động đầu tư định kỳ hằng quý và hằng năm:
Thời hạn nộp báo cáo:
+ Báo cáo quý: Nộp trước ngày 10 của tháng đầu của quý sau quý báo cáo (ví dụ: Báo cáo quý 3 năm 2024 phải được nộp trước ngày 10/10/2024).
+ Báo cáo năm: Nộp trước ngày 31 tháng 3 năm sau.
Hình thức nộp: Nộp trực tuyến văn bản bằng tài khoản nộp báo cáo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư
(https://fdi.gov.vn/pages/trangchu.aspx)
c, Hệ quả pháp lý khi không tuân thủ nghĩa vụ báo cáo giám sát và báo cáo đầu tư
Khách hàng cần lưu ý rằng, việc không tuân thủ nghĩa vụ báo cáo giám sát và báo cáo đầu tư sẽ dẫn đến việc bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt cụ thể như sau (theo Điều 15 Nghị định 122/2021/NĐ-CP):
- Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định; Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
- Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư hoặc báo cáo không đúng thời hạn theo quy định có thẻ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.