Tư vấn về nhượng quyền thương mại

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi là Phong, ở Hà Nội. Tôi hiện đang là chủ của 1 công ty chuyên kinh doanh về nhà hàng. Công ty tôi có bí quyết và có một mặt hàng khá uy tín. Hiện nay, công ty tôi đang muốn mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình. Có người khuyên tôi nên "nhượng quyền thương mại” như Phở 24. Vậy xin hỏi: Nhượng quyền thương mại là gì? Văn bản pháp luật nào hướng dẫn về việc này? Muốn nhượng quyền cần phải có điều kiện gì không và Hợp đồng nhượng quyền thương mại có nội dung gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật thì nhượng quyền thương mại có thể hiểu đó là một hoạt động kinh doanh đã có từ lâu ở nước ngoài, tuy nhiên ở Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ. Theo thông tin bạn cung cấp thì trường hợp của công ty bạn có thể tiến hành việc nhượng quyền thương mại. Theo đó Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện do Bên nhượng quyền qui định. Và tất nhiên, công ty bạn sẽ "bán” quyền thương mại của mình cho đối tác với một giá cả nào đó mà hai bên có thể chấp nhận được. Thông thường, trong nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp (nhượng và nhận nhượng quyền) thường thỏa thuận về các nội dung sau:

  • Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do Bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền;
  • Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Thứ hai, Luật áp dụng và điều chỉnh trong lĩnh vực này tại Việt Nam (cho tới nay) là Luật Thương mại 2005, Nghị định 35/2006/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 120/2011/NĐ-CP) và Thông tư số 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Thứ ba, để được phép cấp quyền thương mại (để nhượng quyền), thương nhân phải có đủ các điều kiện sau:

- Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền.

- Hệ thống mà thương nhân dự định nhượng quyền phải hoạt động ít nhất là một năm.

Thứ tư, nội dung cơ bản của Hợp đồng nhượng quyền thương mại gồm:

- Nội dung của quyền thương mại.

- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.

- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.

- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.

- Vấn đề sở hữu trí tuệ: Phần nội dung về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong hợp đồng nhượng quyền tuân theo các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể được lập thành một phần riêng trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.

- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

- Các thỏa thuận khác.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan