Tư vấn về hoạt động kinh doanh thương mại

Nội dung bài viết

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, Công ty tôi hiện đang kinh doanh theo hình thức thương mại. Vậy có cần bổ sung ngành nghề "Thương mại" vào mục Ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký kinh doanh không?

Nếu cần bổ sung, nên thực hiện luôn hay đợi sau khi hoàn tất việc thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh?

Hiện công ty đang có kế hoạch chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh sang Hà Nội. Vậy các bước thực hiện việc thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh là như thế nào?

Ngoài ra, công ty đang cân nhắc hai phương án cho địa chỉ đăng ký kinh doanh mới:

  1. Sử dụng văn phòng ảo để đăng ký.
  2. Sử dụng địa chỉ nhà riêng.

(Lưu ý là công ty không có nhiều nhân sự làm việc cố định tại văn phòng, chỉ cần địa chỉ để đăng ký kinh doanh.)

Tư vấn về hoạt động kinh doanh thương mại - SBLAW
Tư vấn về hoạt động kinh doanh thương mại

Trả lời:

SB Law xin phản hồi lại chị như sau:

1. Về vấn đề bổ sung ngành nghề “Thương mại” vào hồ sơ đăng ký kinh doanh, cần kiểm tra danh sách ngành nghề đã đăng ký của công ty trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Nếu trong hồ sơ đã có các ngành nghề liên quan, như “Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu và động vật sống” (hoặc các ngành tương tự), thì công ty đã đáp ứng điều kiện để hoạt động thương mại mà không cần bổ sung thêm.

Tuy nhiên, nếu ngành nghề cụ thể chưa được đăng ký, nên tiến hành bổ sung để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tránh rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh.

2. Nếu cần bổ sung, thì Công ty nên thực hiện luôn hay đợi sau khi hoàn tất việc thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh?

Nếu Công ty đã có ngành, nghề thương mại thì không phải thực hiện đăng ký bổ sung ngành, nghề.

3. Hiện công ty đang có kế hoạch chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh sang Hà Nội. Vậy các bước thực hiện việc thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh là như thế nào?

Công ty cần thực hiện các bước như sau:

* Trước khi chuyển:

- Đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp (Căn cứ Điều 47 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

Công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Hồ sơ bao gồm:

●     Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của công ty ký - (01 bản chính). Mẫu đơn: Phụ lục II-1.docx

●     Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty.

Lưu ý: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội sẽ thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Công ty về việc Công ty đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Hà Nội.

- Thay đổi thông tin đăng ký thuế (Căn cứ Điều 10.2.a Thông tư 105/2020/TT-BTC):

Công ty tiến hành đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp do việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính dẫn đến thay đổi cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

Hồ sơ nộp tại cơ quan thuế nơi chuyển đi, gồm: Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC.

Cơ quan thuế quản lý trực tiếp phát hành Thông báo về việc Công ty chuyển địa điểm.

- Đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp (Căn cứ Điều 47 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

Sau khi có Thông báo về việc Công ty chuyển địa điểm, Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

* Sau khi chuyển:

- Làm biển tên doanh nghiệp (Căn cứ Điều 37.4 Luật Doanh nghiệp 2020): Công ty cần treo biển tên công ty tại địa chỉ trụ sở chính mới

- Làm con dấu (Căn cứ Điều 43.2 Luật Doanh nghiệp 2020): Trường hợp con dấu của công ty có thay đổi thông tin, Công ty nên thực hiện việc khắc lại con dấu.

4. Phương án khi chuyển địa chỉ

4.1. Trường hợp sử dụng văn phòng ảo để đăng ký kinh doanh:

Công ty có thể sử dụng văn phòng ảo để đăng ký kinh doanh.

4.2. Trường hợp sử dụng địa chỉ nhà cá nhân:

Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, cá nhân cho thuê nhà có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống trong một năm không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Ngược lại, nếu doanh thu từ cho thuê nhà trong năm vượt 100 triệu đồng (tương đương trên 8,33 triệu đồng/tháng), cá nhân sẽ phải nộp thuế GTGT và TNCN theo quy định. Như vậy, nếu hợp đồng cho thuê nhà giữa cá nhân cho thuê nhà và Công ty có tổng giá trị trên 100 triệu đồng/năm, cá nhân đó sẽ có nghĩa vụ nộp các khoản thuế này.

Thứ hai, theo điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định:
"Điều 8. Phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức thuê tài sản của cá nhân mà trong hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận bên đi thuê là người nộp thuế;"
Do đó, nếu hợp đồng giữa cá nhân cho thuê nhà và Công ty quy định Công ty có trách nhiệm nộp thuế thay, Công ty sẽ phải thực hiện nghĩa vụ khai báo và nộp các khoản thuế phát sinh từ thu nhập cho thuê nhà của cá nhân đó. Ngoài ra, SB Law nhấn mạnh rằng, trường hợp trong (i) hợp đồng thuê giữa cá nhân cho thuê và Công ty không có điều khoản về việc kê khai, nộp thuế TNCN thay và (ii) cá nhân đó không kê khai, nộp thuế thì khoản chi phí thuê nhà mà Công ty bỏ ra sẽ có thể không được ghi nhận chi phí hợp lệ.

Thứ ba, địa chỉ nhà cá nhân cần phải bảo đảm có nhân sự thường xuyên để tránh trường hợp khi bị kiểm tra, thanh tra, nếu ko có người thì bị cho là không hoạt động tại địa chỉ này.

Thứ tư, địa chỉ nhà cá nhân cần phải bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, nếu không bảo đảm việc này thì có thể không sử dụng được làm địa chỉ trụ sở chính.

Tham khảo thêm >> Luật sư tư vấn về doanh nghiệp

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan