Tư vấn về chuyển nhượng vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài

Nội dung bài viết

Khách hàng là một công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên có vốn đầu tư nước ngoài, hai thành viên góp vốn của công ty là nhà đầu tư có quốc tịch Nhật Bản (“Nhà đầu tư Nhật Bản”).

Các thành viên góp vốn của công ty có nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho một nhà đầu tư nước ngoài có quốc tịch Thái Lan (“Nhà đầu tư Thái Lan”).

Theo đó, Khách hàng có nhu cầu tư vấn về các vấn đề liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở yêu cầu của Khách hàng, SB Law đã đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

1.Về điều kiện và thủ tục chuyển nhượng vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài

1.1. Theo quy định tại Điều 24 Luật đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có quyền đầu tư theo hình thức mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế thành lập tại Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư Thái Lan có quyền mua toàn bộ vốn góp của Nhà đầu tư Nhật Bản tại công ty.

1.2. Tiếp theo, theo quy định tại Điều 26 Luật đầu tư, khi đầu tư theo hình thức mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Thực hiện thủ tục thay đổi thành viên theo quy định của Luật doanh nghiệp tương ứng với loại hình tổ chức kinh tế trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
  • Trước khi thay đổi thành viên, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

1.3. Theo quy định của Điều 26 Luật đầu tư nêu trên, thủ tục chuyển nhượng nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo các bước sau đây.

Bước 1:

Nhà đầu tư Thái Lan thực hiện thủ tục đăng ký mua phần vốn góp của Nhà đầu tư Nhật Bản tại công ty. Thủ tục này sẽ được thực hiện tại Phòng kinh tế đối ngoại – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Thời gian cấp phép sẽ là 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 3 Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Bước 2:

Công ty thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp nhằm ghi nhận tư cách thành viên góp vốn của Nhà đầu tư sau khi đã nhận chuyển nhượng vốn góp. Khi Nhà đầu tư Nhật Bản chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại Công ty cho Nhà đầu tư Thái Lan thì Công ty không còn đáp ứng đủ điều kiện về số lượng thành viên tối thiểu của loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Theo đó, Công ty cần thực hiện thủ tục chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Thủ tục này sẽ được thực hiện tại Phòng đăng ký kinh doanh TP. Hà Nội. Thời gian cấp phép sẽ là 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Công ty là tổ chức kinh tế 100% vốn đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc hoạt động theo GCNĐKDN, nhà đầu tư còn được cấp phép và hoạt động theo GCNĐKĐT. Vì vậy, sau khi hoàn thành thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, Công ty cần thực hiện

Bước 3

Điều chỉnh dự án đầu tư nhằm ghi nhận các thay đổi về thông tin nhà đầu tư (thay đổi nhà đầu tư từ Nhà đầu tư Nhật Bản thành Nhà đầu tư Thái Lan). Thủ tục này sẽ được thực hiện tại Phòng kinh tế đối ngoại – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Thời gian cấp phép sẽ là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

1.4. Về hồ sơ của Bước 1 tại Mục 1.3 nêu trên, theo quy định tại Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký mua phần vốn góp gồm các tài liệu chính sau đây:

  • Văn bản đăng ký mua phần vốn góp;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của Nhà đầu tư Thái Lan được hợp pháp hóa lãnh sự tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan gồm: giấy chứng nhận thành lập và điều lệ công ty.
  • Bản sao GCNĐKDN và GCNĐKĐT của Công ty.
  • Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc mua phần vốn góp giữa Nhà đầu tư Thái Lan và Nhà đầu tư Nhật Bản.

1.5. Về hồ sơ của Bước 2 tại Mục 1.3 nêu trên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký thay đổi chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sẽ bao gồm các tài liệu sau:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Bản sao các giấy tờ sau: (i) hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của Công ty; (ii) Giấy chứng nhận thành lập của Nhà đầu tư Thái Lan; (ii) hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền do Nhà đầu tư Thái Lan chỉ định để quản lý phần vốn góp của mình tại Công ty. Lưu ý: đối với Giấy chứng nhận thành lập của Nhà đầu tư Thái Lan phải được hợp pháp hóa lãnh sự tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.

- Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp; Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa Nhà đầu tư Thái Lan và Nhà đầu tư Nhật Bản.

- Biên bản họp và Nghị quyết HĐTV của Công ty về việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

- Văn bản chấp thuận về việc mua phần vốn góp của Nhà đầu tư Thái Lan.

1.6. Về hồ sơ của Bước 3 tại Mục 1.3 nêu trên, theo quy định tại Điều 51 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế sẽ bao gồm các tài liệu sau đây:

- Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư.

- Biên bản họp và Nghị quyết HĐTV của Công ty về việc tổ chức lại, trong đó có nội dung về việc xử lý tài sản, quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư.

- Đề xuất dự án đầu tư.

- Bản sao hợp pháp hóa lãnh sự Giấy chứng nhận thành lập và Điều lệ của Nhà đầu tư Thái Lan.

- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: Bản sao hợp pháp hóa lãnh sự Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của Nhà đầu tư Thái Lan hoặc bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư.

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp điều chỉnh và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty.

2.Giá và thuế chuyển nhượng vốn góp

2.1 Về giá chuyển nhượng vốn góp:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi giá chuyển nhượng vốn góp là được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng (Nhà đầu tư Nhật Bản) thu được theo hợp đồng chuyển nhượng. Bên chuyển nhượng (Nhà đầu tư Nhật Bản) và bên nhận chuyển nhượng (Nhà đầu tư Thái Lan) có quyền tự thỏa thuận về giá chuyển nhượng vốn góp.

2.2.Về thuế chuyển nhượng vốn góp:

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp là khoản thu nhập tính thuế. Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 8 Thông tư 96/2015/TT-BTC, thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn góp được xác định như sau:

Thu nhập

tính thuế

=Giá chuyển nhượng-Giá mua của phần vốn chuyển nhượng-Chi phí chuyển nhượng

- Trong đó:

(i) Giá chuyển nhượng vốn góp là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng (Nhà đầu tư Nhật Bản) thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.

(ii) Giá mua của phần vốn góp chuyển nhượng (“Giá mua”):

  • Trường hợp 1: Nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp thì Giá mua là giá trị phần vốn góp lũy kế đến thời điểm chuyển nhượng vốn trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán và được các bên tham gia góp vốn hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trong trường hợp nhà đầu tư góp vốn bằng hình thức tiền mặt khi thì Giá mua sẽ là phần vốn đã được nhà đầu góp vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của công ty, được thể hiện trên báo cáo tài chính hoặc chứng từ thanh toán.
  • Trường hợp 2: Nếu là phần vốn góp do mua lại thì Giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.

(iii) Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóa đơn hợp pháp. Chi phí chuyển nhượng bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.

- Theo quy định tại Điều 2 khoản 7 của Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 thì thuế suất của thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp là 20%.

- Như vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 8 Thông tư 96/2015/TT-BTC và Điều 2 khoản 7 của Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, trường hợp Thu nhập tính thuế = 0 thì thuế thu nhập chuyển nhượng vốn góp sẽ là 0VNĐ.

- Tuy nhiên, Nhà đầu tư Nhật Bản và Nhà đầu tư Thái Lan cần lưu ý thỏa thuận mức Giá chuyển nhượng phù hợp với giá trị thực tế của phần vốn góp, trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định Giá chuyển nhượng hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Căn cứ ấn định giá chuyển nhượng dựa vào tài liệu điều tra của cơ quan thuế hoặc căn cứ giá chuyển nhượng vốn của các trường hợp khác ở cùng thời gian, cùng tổ chức kinh tế hoặc các hợp đồng chuyển nhượng tương tự tại thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp việc ấn định giá chuyển nhượng của cơ quan thuế không phù hợp thì được căn cứ theo giá thẩm định của các tổ chức định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền xác định giá chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng theo đúng quy định.

2.3. Về việc kê khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn:

Tại điểm b Khoản 8 Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi điểm b Khoản 7 Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định như sau:

  • Tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) mà tổ chức này không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn thì khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh.
  • Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Trường hợp bên nhận chuyển nhượng vốn cũng là tổ chức nước ngoài không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi các tổ chức nước ngoài đầu tư vốn có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài.
    Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chuẩn y việc chuyển nhượng vốn, hoặc ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn tại hợp đồng chuyển nhượng vốn đối với trường hợp không phải chuẩn y việc chuyển nhượng vốn.

Căn cứ theo quy định nêu trên, Công ty có trách nhiệm kê khai thuế và nộp thuế thu nhập chuyển nhượng vốn phải nộp cho Nhà đầu tư Nhật Bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục điều chỉnh ERC và IRC.

2.4.Tại Công văn số 66768/CT-TTHT ngày 17/7/2020 về việc kê khai thuế nhà thầu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài, Cục thuế TP. Hà Nội đã có ý kiến hướng dẫn về hồ sơ nộp hồ sơ khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn gồm các tài liệu như sau:

  • Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp về chuyển nhượng vốn (theo Mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC);
  • Bản sao hợp đồng chuyển nhượng ký giữa Nhà đầu tư Nhật Bản và Nhà đầu tư Thailand. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt các nội dung chủ yếu: Bên chuyển nhượng; bên nhận chuyển nhượng; thời gian chuyển nhượng; nội dung chuyển nhượng; quyền và nghĩa vụ của từng bên; giá trị của hợp đồng; thời hạn, phương thức, đồng tiền thanh toán.
  • Bản sao GCNĐKDN và GCNĐKĐT điều chỉnh của Công ty.
  • Bản chụp Giấy chứng nhận vốn góp của Nhà đầu tư Thailand do Công ty phát hành.
  • Chứng từ gốc của các khoản chi phí liên quan đến hợp giao dịch chuyển nhượng.

3.Thanh toán Giá chuyển nhượng vốn góp

3.1. Tại Khoản 1 Điều 10 của Thông tư 06/2019/TT-NHNN quy định việc thanh toán giá trị chuyển nhượng phần vốn góp tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện như sau:

a) Giữa các nhà đầu tư là người không cư trú hoặc giữa các nhà đầu tư là người cư trú không thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp;

b) Giữa nhà đầu tư là người không cư trú và nhà đầu tư là người cư trú phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

3.2. Trong khi đó, theo quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối thì Nhà đầu tư Nhật Bản và Nhà đầu tư Thailand được coi là người không cư trú. Như vậy, căn cứ vào quy định của điểm a Khoản 1 Điều 10 của Thông tư 06/2019/TT-NHNN nếu trên thì việc thanh toán Giá chuyến nhượng vốn góp sẽ không thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của Công ty.

3.3. Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hình thức thanh toán Giá chuyển nhượng vốn góp giữa hai nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú. Vào ngày 03/03/2021, tại mục “Trả lời công dân” trên trang web baochinhphu.vn (http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Chuyen-nhuong-von-giua-2-nha-dau-tu-thuc-hien-qua-tai-khoan-nao/424732.vgp), Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có ý kiến trả lời về vấn đề này như sau:

- Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ngoại hối giao dịch chuyển nhượng vốn đầu tư giữa hai người không cư trú trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không phải là giao dịch vốn.

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 của Thông tư 06/2019/TT-NHNN, việc thanh toán giá trị chuyển nhượng phần vốn góp tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các nhà đầu tư là người không cư trú không thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

- Việc thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư giữa hai nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú có thể được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán mở tại Việt Nam của nhà đầu tư theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-NHNN hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép; đồng thời, phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, văn bản hướng dẫn các Luật này và các quy định có liên quan khác).

3.4.Theo ý kiến của Ngân hàng nhà nước Việt Nam nêu trên, chúng tôi hiểu rằng, hai nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện thanh toán Giá chuyển nhượng vốn góp thông qua tài khoản thanh toán mở tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN, đối tượng mở tài khoản thanh toán là tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật. Điều khoản này chưa thực sự quy định rõ ràng liệu rằng nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú có phải là đối tượng mở tài khoản thanh toán tại Việt Nam hay không. Ngoài ra, trên thực tế, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam vẫn chưa có chính sách hỗ trợ mở tài khoản thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú.

3.5. Xuất phát từ bất cập nêu trên, theo kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, cả Nhà đầu tư Nhật Bản và Nhà đầu tư Thái Lan đều là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, theo đó, hai bên có thể thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn góp ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Nhật Bản và pháp luật Thái Lan. Sau đó, Công ty sẽ căn cứ trên hợp đồng chuyển nhượng được ký kết và thực hiện tại nước ngoài để thực hiện thủ tục thay đổi thành viên góp vốn trên ERC, thay đổi thông tin nhà đầu tư trên IRC và kê khai thuế thu nhập chuyển nhượng vốn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan