Tư vấn thủ tục thành lập công đoàn cơ sở

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty tôi có trụ sở tại Hà Nội. Nay, Công ty tôi có dự định thành lập công đoàn cơ sở trong công ty. Tôi xin hỏi thủ tục thành lập như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 5 Luật Công đoàn 2012 quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn như sau:

“1. Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

2. Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam”.

Trước hết, theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012, Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 và theo hướng dẫn tại Điều 12 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ, công ty bạn muốn thành lập Công đoàn cơ sở phải có đủ các điều kiện như sau:

- Có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

- Có tư cách pháp nhân.

Về thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở:

Theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012, Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013 và theo hướng dẫn tại Điều 12 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ, cụ thể:

Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở

Điều kiện thành lập Ban vận động:

Khi có từ năm người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là đoàn viên công đoàn hoặc có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.

Trường hợp có một người lao động là đoàn viên công đoàn thì đoàn viên công đoàn có quyền tập hợp người lao động và làm trưởng ban vận động; nếu số đoàn viên công đoàn nhiều hơn (dưới 5 đoàn viên) thì bầu trưởng ban vận động trong số đoàn viên công đoàn.

Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.

Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở chấm dứt nhiệm vụ sau khi bầu được ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở

Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở đề nghị công đoàn cấp trên hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

Nội dung hội nghị thành lập công đoàn cơ sở gồm:

- Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.

- Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

- Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.

- Bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở.

- Thông qua chương trình hoạt động của công đoàn cơ sở.

Phương thức bầu ban chấp hành cơ sở: Việc bầu cử ban chấp hành công đoàn tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Bước 3: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn lao động cấp huyện, Công đoàn ngành) ra quyết định công nhận

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc Hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ra quyết định công nhận đoàn viên và Công đoàn cơ sở.

Hồ sơ đề nghị công nhận Đoàn viên, Công đoàn cơ sở và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở gồm có:

- Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở.

- Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.

- Biên bản hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

- Biên bản kiểm phiếu bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở (có trích ngang lý lịch kèm theo).

Công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập công đoàn cơ sở.

Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.

Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.

Như vậy, khi có đủ những điều kiện nói trên thì công ty bạn được thành lập Công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan