Câu hỏi: Tôi là Mạnh. Công ty tôi là công ty cổ phần, có 3 cổ đông sáng lập, tôi giữ 20% cổ phần. Hiện tại tôi muốn chuyển nhượng cổ phần của tôi cho một người khác. Qúy công ty cho tôi hỏi điều kiện để được chuyển cổ phần và cần phải làm thủ tục thế nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về điều kiện chuyển nhượng cổ phần:
Điểm d Khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định:
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.
Dẫn chiếu đến Khoản 3 Điều 119 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
Khoản 1 Điều 126 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định:
1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Theo căn cứ trên thì bạn muốn chuyển cổ phần của bạn cho người khác không phải cổ đông sáng lập thì bạn phải được sự đồng ý của các cổ đông sáng lập còn lại và việc chuyển nhượng này chỉ được thực hiện nếu điều lệ công ty không quy định hạn chế chuyển nhượng.
Thứ hai, thủ tục chuyển nhượng cổ phần:
Bước 1: Doanh nghiệp soạn hồ sơ chuyển nhượng và thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần sau đó nộp hồ sơ tại sở kế hoạch đầu tư.
Thành phần Hồ sơ bao gồm:
– Thông báo thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp
– Biên bản họp đại hội đồng cổ đông;
Lưu ý, Trong 03 năm đầu kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Số cổ phần có quyền biểu quyết không bao gồm cổ phần của cổ đông dự định chuyển nhượng nếu chuyển nhượng cho cổ đông khác không phải là cổ đông sáng lập.
– Quyết định của đại hội đồng cổ đông
– Thông báo lập sổ đăng ký cổ đông;
– Danh sách cổ đông sáng lập sau thay đổi;
– Giấy CMND, còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân người nhận chuyển nhượng;
– Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức nhận chuyển nhượng (trừ trường hợp tổ chức là Bộ/UBND tỉnh, thành phố) và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức;
– Hợp đồng chuyển nhượng, Biên bản thanh lý hoặc giấy tờ khác có giá trị chứng minh việc chuyển nhượng hoàn tất;
– Quyết định góp vốn của tổ chức nhận chuyển nhượng;
– Giấy uỷ quyền hoặc giấy giới thiệu cho người nộp hồ sơ.
– Chứng minh thư hoặc hộ chiếu công chứng của người nộp hồ sơ
Sau khi hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ tại sở kế hoạch và đầu tư.
Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh phải cấp giấy xác nhận thay đổi hoặc thông báo rõ nội dung hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Bước 2: Công bố thông tin thay đổi đăng ký doanh nghiệp
Sau khi Công ty có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, doanh nghiệp phải làm thủ tục công bố thông tin tại sở kế hoạch đầu tư.
Công bố thông tin là thủ tục bắt buôc khi thay đổi đăng ký doanh nghiệp.
Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
Theo đó, nếu doanh nghiệp không công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp đúng hạn sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng và phải khắc phục hậu quả là buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.