Trong bài "Từ chuyện “kêu cứu” Thủ tướng đến sự chuyên nghiệp trong kinh doanh" đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu chuyện các doanh nghiệp Việt liên tục kêu cứu đã đạt ra vấn đề về tính chuyện nghiệp của doanh nghiệp Việt trong một sân chơi bình đẳng mà mọi hoạt động đều được điều chỉnh bằng pháp luật.
Mới đây, nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo, Cty CP Tập đoàn Trung Nguyên đã cầu cứu đến lãnh đạo Nhà nước "Xin hãy cứu lấy một Thương hiệu Quốc gia". Trước đó không lâu, Công ty CP Ba Huân "kêu cứu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và muốn hủy hợp tác với VinaCapital".
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, Công ty CP Ba Huân "kêu cứu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và muốn hủy hợp tác với VinaCapital" vì cho rằng việc chi trả lãi và các điều kiện ràng buộc là "quá sức" của doanh nghiệp.
Trên báo chí, bà Phạm Thị Huân, giám đốc Cty Ba Huân nói rằng: "Do thời điểm ký kết thỏa thuận vào mùa kinh doanh hàng Tết nên phần chuẩn bị rất cập rập, dẫn đến nhiều sai sót. Thay vì ký đầy đủ hai bản thỏa thuận cả tiếng Anh và tiếng Việt thì chúng tôi chỉ ký kết trên bản tiếng Anh. 20 ngày sau, bản tiếng Việt mới được đối tác chuyển qua. Chúng tôi đối chiếu thấy nhiều điều khoản không phù hợp, nên vẫn chưa ký bản thỏa thuận này". Không lâu sau lời “kêu cứu” ấy, VinaCapital gửi thông cáo cho biết đã quyết định dừng việc tham gia đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận cùng doanh nghiệp nhằm kết thúc thương vụ này.
Cùng với cách thức "kêu cứu", trên báo chí, bà Lê Hoàng Diệp Thảo xác nhận đã gửi đơn cầu cứu khẩn thiết đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng với mục đích "cứu lấy một thương hiệu Quốc gia”. “Là đồng sáng lập và đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên, cũng là người được Tòa án Nhân dân TP HCM tuyên bố khôi phục vị trí này từ tháng 9/2017, tôi đã gửi công văn phản đối quyết định bổ nhiệm này?”, bà Thảo viết.
Khoan nói đến tính đúng sai của sự việc, bình luận về sự cầu cứu này, các chuyên gia cho rằng, hành vi nhờ Thủ tướng can thiệp phản ánh tư duy của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là có việc gì cũng nhờ quan chức giải quyết, ở đây là Thủ tướng.
Nói như Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty SBLaw thì "Họ thường nhầm lẫn giữa chức vụ và quyền hạn và dù hợp đồng bằng tiếng Anh hay tiếng Việt thì giữa hai bên đã đặt bút ký nên đã có hiệu lực thực hiện".
“Trong trường hợp này, việc “nhờ” Thủ tướng can thiệp chỉ là “hạ sách” bởi nếu Ba Huân muốn chấm dứt hợp đồng thì phải căn cứ vào điều kiện huỷ ghi trong hợp đồng và căn cứu vào quy định của bộ Luật Dân sự”, ông Hà nói.
Trên thực tế, trong một sân chơi chịu sự điều chỉnh của pháp luật, khi đã hội nhập, khi doanh nghiệp đã chấp nhận gọi vốn, hợp tác làm ăn hay để các quỹ đầu tư vào thì phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cũng như am hiểu luật pháp liên quan thì nên thuê các công ty tư vấn, công ty luật chứ đừng để xảy ra do "không rành" rồi lại cầu cứu cơ quan nhà nước, Chính phủ.
Hiện tại, Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật giải quyết các tranh chấp thương mại, đầu tư, hợp tác kinh doanh,.... nhưng đến bao giờ giới doanh nhân mới hết cứ khó khăn là cầu cứu Chính phủ? Đây có lẽ cũng là trách nhiệm của các tổ chức cần hỗ trợ doanh nghiệp biết vận dụng và sử dụng pháp luật thay vì chỉ tìm giải pháp kêu và nhờ.
Nguồn: http://enternews.vn/doanh-nghiep-viet-keu-cuu-va-su-chuyen-nghiep-trong-kinh-doanh-134186.html