Trường hợp bất khả kháng trong Hợp đồng thương mại quốc tế

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi: Công ty tôi (Việt Nam) có ký HĐ với một công ty ở Pháp về mua bán hàng hóa, cụ thể là lúa thóc, với đơn hàng là 15 tấn cho công ty bên Pháp. HĐ được ký kết vào tháng 4/2018 và giao hẹn vào 15/07/2018 sẽ giao hàng cho bên Pháp. Công ty tôi có mối hàng từ Hợp tác xã ở Nghệ An để cung cấp lúa thóc cho bên Pháp. Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, do ảnh hưởng của bão miền Trung, Hợp tác xã không thể hoàn thành hết chỉ tiêu về thóc lúa đề ra do lúa bị ngập úng và quật ngã bởi bão, nên công ty chúng tôi không thực hiện được nghĩa vụ giao đủ 15 tấn mà chỉ thực hiện được 50% số lượng sản phẩm. Công ty Pháp hiện đang khởi kiện công ty tôi lên Trọng tài thương mại quốc tế đòi bồi thường với lý do không hoàn thành được số lượng và chất lượng của thóc, gạo. Xin hỏi Luật sư, đối với trường hợp trên, công ty tôi có được hưởng miễn trách nhiệm khi viện dẫn trường hợp bất khả kháng hay không? Tôi xin cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Đầu tiên, về luật điều chỉnh hợp đồng, theo thông tin bạn cung cấp, Hợp đồng mua bán hàng hóa ký giữa công ty bạn và đối tác nước ngoài không quy định về việc lựa chọn luật áp dụng và giải quyết tranh chấp, do đó,. theo Điều 5 Luật Thương mại 2005 về Luật điều chỉnh hợp đồng,Hợp đồng này sẽ chịu sự điều chỉnh bởi Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).

Công ước Viên 1980 đề cập đến bất khả kháng tại (trở ngại khách quan) Điều 79, khoản 1:

“Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó.” (Nguyên văn: A party is not liable for a failure to perform any of his obligations if he proves that the failure was due to an impediment beyond his control and that he could not reasonably be expected to have taken the impediment into account at the time of the conclusion of the contract or to have avoided or overcome it or its consequences.)

Từ đây, căn cứ để xác định sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan bao gồm:

- Trở ngại, sự kiện bất khả kháng là khách quan không do lỗi của bên không thực hiện nghĩa vụ.

- Trở ngại, sự kiện bất khả kháng là lí do trực tiếp dẫn đến việc bên có lỗi không thực hiện được nghĩa vụ (quan hệ nhân quả) bởi trở ngại nằm ngoài tầm kiểm soát, không thể có cách gì khắc phục.

- Trở ngại, sự kiện bất khả kháng nằm trong thời gian nhất nhất định và bên không thực hiện không có khả năng lường trước hay dự đoán được những gì sẽ xảy ra, đồng thời không có nghĩa vụ phải lường trước điều đó.

Ngoài ra Điều 79.4 của CISG quy định: bên không thực hiện hợp đồng phải thông báo cho phía bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đến khả năng thực hiện hợp đồng. Nếu phía bên kia không nhận được thông báo về điều đó trong thời hạn hợp lý sau khi bên không thực hiện hợp đồng đã biết hoặc buộc phải biết về trở ngại đó, thì bên không thực hiện hợp đồng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra cho phía bên kia do không nhận được thông báo.

Xét trường hơp của bạn:

- Sự kiện bão dẫn tới mưa lụt đúng là khách quan và không do lỗi của bên công ty bạn, tuy vậy, việc viện dẫn sự kiện bất khả kháng là không phù hợp.

Thứ nhất, theo như trình bày của bạn Hợp đồng được ký vào 04/2018, trước mùa bão của Việt Nam. Công ty bạn và hợp tác xã của bạn có thể phải lường trước được khả năng có bão và thiên tai tại quốc gia. Từ đó đưa ra các biện pháp ngăn chặn, phòng chống hoặc đưa ra những điều khoản lường trước trong hợp đồng để ký kết. Công ty bạn không lường trước sự việc có thể xảy ra, dẫn tới hậu quả, trong trường hợp này được xem như đã chấp nhận rủi ro có thể xảy ra.

Thứ hai, theo HĐ, hạn giao hàng là 15/07/2018, sự kiện bão miền Trung diễn ra vào tháng 5, mà từ khi sự kiện bất khả kháng đến thời điểm giao hàng là gần 02 tháng, trong thời gian đó, công ty bạn có nghĩa vụ phải thông báo cho công ty bên Pháp về khả năng không thực hiện được hợp đồng, hoặc dự trù khả năng thực hiện hợp đồng hoặc đàm phán về hợp đồng cho bên kia theo ý chí của Điều 79.4 Công ước Viên 1980. Công ty phải xin Giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện, xã bị thiên tai, xin Giấy chứng nhận của Tổng cục khí tượng thủy văn và giấy chứng nhận bất khả kháng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để làm bằng chứng cho sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Thứ ba, đồng thời đó phải là sự kiện không thể khắc phục, tức là sự kiện xảy ra phải làm cho nghĩa vụ trở nên không thể thực hiện được trong một khoảng thời gian nhất định.Việc không thể thực hiện được nghĩa vụ phải có tính chất tuyệt đối (absolument impossible).Nếu sự kiện xảy ra chỉ làm cho việc thực hiện nghĩa vụ trở nên khó khăn hơn hay đòi hỏi nhiều chi phí hơn thì không đủ căn cứ để miễn trách nhiệm. Đối với khoảng thời gian 02 tháng để xử lý, công ty bạn có thể nhập nguồn hàng từ nơi khác để thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc xem xét, khắc phục tại cơ sở sản xuất nguồn hàng.

Do vậy, có thể nói, công ty của bạn khó có khả năng hưởng miễn trách nhiệm khi viện dẫn sự kiện bất khả kháng. Trọng tài quốc tế khi xét xử cần rất nhiều bằng chứng cho vụ việc, phán quyết sẽ phụ thuộc vào ý chí của Hội đồng Trọng tài.

>> Xem thêm: Tư vấn hợp đồng quốc tế

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan