Trong bài "Trục lợi bảo hiểm sức khỏe cần phải bị xử lý hình sự" đăng trên báo Giao thông có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law.
Sở dĩ tình trạng trục lợi bảo hiểm vẫn tái diễn bởi các chế tài hành chính chưa đủ mạnh.
Trong thời gian vừa qua tình trạng trục lợi bảo hiểm đã diễn ra khá phổ biến. Đáng nói, loại hình bảo hiểm sức khỏe con người đã và đang trở thành vấn nạn, khiến các DN Bảo hiểm và cơ quan quản lý không khỏi đau đầu.
Được biết, để xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm gồm Nghị định 86/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Nghị định 92/201/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế và nghị định 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Trong các nghị định này đã quy định rõ chế tài đối với mỗi hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức. Theo đó, ngoài việc bị phạt tiền thì người vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là buộc hoàn trả số tiền bảo hiểm bị trục lợi, nghĩa là nếu một khi hành vi vi phạm bị phát hiện người vi phạm không những phải đối mặt với khả năng bị xử phạt mà còn chắc chắn bị mất số tiền bảo hiểm đã trục lợi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sở dĩ tình trạng trục lợi bảo hiểm vẫn tái diễn bởi các chế tài hành chính không đủ mạnh. Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự không có quy định về tội trục lợi bảo hiểm, điều này không có tính răn đe mạnh đối với các đối tượng vi phạm.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc công ty Luật S&B nhận định: “Khó khăn trong việc điều tra, phát hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm là nguyên nhân chính của việc trục lợi bảo hiểm xảy ra khá phổ biến trong một số lĩnh vực. Khó khăn này có thể xuất phát từ chính các doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm do không đủ năng lực, nguồn nhân sự để có thể độc lập tiến hành điều tra việc trục lợi bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Ngoài ra, theo vị luật sư này, một trong những nguyên nhân khác là các công ty, tổ chức bảo hiểm chưa xây dựng được một quy trình chặt chẽ để có thể kiểm soát ngăn ngừa các hành vi trục lợi. Điều này dẫn đến trong thực tế đã có nhiều trường hợp các cá nhân có trách nhiệm cấu kết với người được bảo hiểm để trục lợi bảo hiểm trong việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để hoàn thiện hồ sơ được nhận bảo hiểm.
Chính vì vậy, Luật sư Hà kiến nghị nên đưa tội danh trục lợi bảo hiểm vào luật Hình sự, để tạo ra một hình thức chế tài đủ mạnh có tính chất răn đe những tổ chức và cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng có cơ sở để xử lý các đối tượng liên quan.
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/truc-loi-bao-hiem-suc-khoe-can-phai-bi-xu-ly-hinh-su-d212046.html