Tranh chấp đất đai nhìn từ góc độ pháp lý và đạo đức gia đình

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW trả lời trong Chương trình Bạn và Pháp luật về vấn đề tranh chấp đất đai hiện nay.

Câu hỏi 1:

Một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong pháp luật đó là quyền bảo vệ tài sản, luật sư có ý kiến như thế nào qua phóng sự vừa nêu?

Luật sư trả lời:

Tranh chấp đất đai là một khái niệm dùng để chỉ về sự tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên chủ thể về quyền sở hữu đất đai. Theo đó thì tranh chấp đất đai trong gia đình là những tranh chấp trong nội bộ giữa các thành viên trong gia đình với nhau về vấn đề đất đai. Đây là một trong những vấn đề “nóng” hiện nay rất được quan tâm bởi xảy ra rất nhiều gia đình, ở khắp các địa phương trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Có rất nhiều các dạng tranh chấp điển hình đó là tranh chấp liên quan đến thừa kế, quyền hưởng dụng, quyền sử dụng, …

Tranh chấp đất đai trong gia đình có thể giải quyết nội bộ, hòa giải tùy thuộc mức độ, tính chất và đặc điểm của từng dạng tranh chấp. Trong những năm gần đây, tình huống như trong phóng sự cũng xảy ra khá phổ biến.

Câu hỏi 2:

Ông có đánh giá như thế nào về tình trạng tranh chấp đất đai hiện nay?

Luật sư trả lời:

Trên thực tế chúng ta có thể nhận thấy rằng đất đai luôn có vai trò và vị trí quan trọng, là một trong những tài sản quý giá nhất của con người, góp phần quyết định sự phát triển phồn vinh của mỗi quốc gia. Tranh chấp đất đai là một hiện tượng phổ biến trong xã hội, đặc biệt khi nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Hiện nay, tranh chấp đất đai phát sinh có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp về mặt nội dung, thậm chí là những tranh chấp trong gia đình giữa các anh chị em.

Tranh chấp đất đai xảy ra do nhiều nguyên nhân:

Nguyên nhân khách quan: tranh chấp đất đai ở nước ta phát sinh có nguồn gốc sâu xa do lịch sử để lại.

Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường với sự thay đổi cơ chế quản lý làm cho đất đai ngày càng trở nên có giá trị đã tác động đến tâm lý của nhiều người dẫn đến tình trạng tranh chấp, đòi lại nhà, đất mà trước đó đã bán, cho thuê, cho mượn, đã bị tịch thu hoặc giao cho người khác sử dụng hoặc khi thực hiện một số chính sách về đất đai ở các giai đoạn trước đây mà không có các văn bản xác định việc sử dụng đất ổn định của họ.

Nguyên nhân chủ quan:

  • Về công tác cán bộ công chức thực hiện công vụ liên quan đến đất đai:

Một bộ phận cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai đã thực hiện không tốt nhiệm vụ được giao, thiếu gương mẫu, lạm dụng chức quyền, vì lợi ích riêng tư, bị kẻ xấu lợi dụng để "đục nước béo cò", thực hiện những âm mưu đen tối, gây mất ổn định xã hội.

  • Về đường lối chính sách, pháp luật về đất đai:

Chính sách đất đai và các chính sách khác có liên quan đến đất đai chưa đồng bộ, có mặt không rõ ràng và đang còn biến động. Thực tế áp dụng các chính sách đất đai còn tùy tiện dẫn đến tình trạng: Người có khả năng sản xuất nông nghiệp thì thiếu ruộng đất, ngược lại, người có ruộng lại không có khả năng hoặc nhu cầu sản xuất, để đất đai hoang hóa hoặc sử dụng đất kém hiệu quả. Tình trạng người nông dân phải ra các đô thị bán sức lao động, gây mất ổn định cơ cấu lao động sản xuất cũng có nguyên nhân từ việc thiếu đất để sản xuất.

  • Xuất phát từ vấn đề kinh tế, đồng tiền đã khiến chuẩn mực đạo đức, đạo lý trở nên thứ yếu.
  • Do công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật:

Công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật đất đai chưa được coi trọng, làm cho nhiều văn bản pháp luật đất đai của Nhà nước chưa được phổ biến sâu rộng trong nhân dân.

Tuy nhiên, việc tranh chấp đất đai ở mỗi địa phương khác nhau còn có những nguyên nhân đặc thù và việc tìm ra những nguyên nhân đó phải căn cứ vào thực tế sử dụng đất, và phong tục tập quán của từng địa phương để xây dựng được những giải pháp tốt nhất nhằm giải quyết có hiệu quả từng vụ tranh chấp.

Câu hỏi 3:

Hầu hết những vụ việc tranh chấp đất đai, tài sản trong gia đình họ tộc diễn ra rất phức tạp. Luật sư có thể cho biết tại sao việc giải quyết các tranh chấp trong họ tộc gia đình lại khó khăn như vậy? Với kinh nghiệm thực tiễn của mình thì ông có thể cho biết những phương thức giải quyết khác nhau trong vấn đề tranh chấp hiện nay?

Luật sư trả lời:

Đối với một vụ tranh chấp đất đai thông thường, sẽ có rất nhiều cách giải quyết như thương lượng, hòa giải, khiếu kiện, khởi kiện. Qua thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai, tôi nhận thấy việc giải quyết các tranh chấp trong họ tộc gia đình rất khó khăn do có sự chồng chéo giữa tình và lý, làm sao để giải quyết tranh chấp vừa đúng luật lại đảm bảo tình cảm của các bên tranh chấp. Do đó, các cơ quan nhà nước khi nhận được yêu cầu giải quyết vụ việc thì thường ưu tiên cho các thành viên trong gia đình tự hòa giải thỏa thuận với nhau mà không trực tiếp giải quyết để không làm mất tình cảm gia đình, sứt mẻ tình ruột thịt.

Để giải quyết tranh chấp đất đai, hiện nay có hai phương thức phổ biến:

  • Hòa giải: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, có thể chỉ cần dựa vào tình cảm để thương lượng và tìm được tiếng nói chung hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải tại cơ sở (Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp).
  • Giải quyết tại cơ quan nhà nước: đây là sự lựa chọn cuối cùng khi tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành. Theo đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

  1. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
  2. a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
  3. b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự...”

Khi có tranh chấp trong gia đình cách tốt nhất là nên tự hòa giải vừa đảm bảo được quyền và lợi ích của từng người mà không ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.

Câu hỏi 4:

Trong khá nhiều vụ việc xảy ra có một nguyên nhân không nhỏ nảy sinh từ chính những người bị tranh chấp, họ không thực hiện đúng những qui định của pháp luật để bảo vệ mình? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Luật sư trả lời:

Đất đai là vấn đề phức tạp, các chính sách đất đai liên tục thay đổi từ thời chiến sang thời bình, từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường.

Do đó, nhận thức của người dân (đặc biệt là người dân ở nông thôn) về chính sách, pháp luật đất đai nhìn chung còn nhiều hạn chế. Khi xảy ra tranh chấp, nhiều trường hợp bên bị tranh chấp mất bình tĩnh, bất chấp pháp luật dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật như: gây thương tích cho người khác, bắn chết người, ... Một số trường hợp bị kích động hoặc lợi dụng việc khiếu kiện để kích động khiếu nại đông người, gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước.

Theo tôi, để giải quyết vấn đề này các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm đưa thông tin, kiến thức pháp luật đất đai đến với người dân, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật đất đai và pháp luật khiếu nại, nhất là người dân ở cơ sở, người dân là dân tộc thiểu số, … dưới các hình thức như tổ chức hội nghị, tập huấn, đối thoại, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, … Từ đó, các bên tranh chấp sẽ hiểu và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.

Câu hỏi 5:

Bên cạnh những qui định của pháp luật thì còn một số yếu tố khá quan trọng điều phối những hành vi của người dân, đó chính là những qui định về đạo đức xã hội. Nếu đứng về góc độ đạo đức thì ông có quan điểm như thế nào để giải quyết những vấn đề tranh chấp hiện nay?

Luật sư trả lời:

Việc thực hiện hoạt động hoà giải có hiệu quả hay không không chỉ phụ thuộc vào các quy phạm pháp luật mà còn bị chi phối mạnh mẽ bởi các quy tắc đạo đức, phong tục tập quán truyền thống của nhiều dân tộc Việt. Các thủ tục hoà giải được đúc kết từ hướng dẫn của Đảng và luật pháp Nhà nước, đồng thời dựa vào các quy tắc đạo đức, phong tục tập quán ở địa phương để khuyến khích các bên dàn xếp xoá bỏ tranh chấp.

Người dân (đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn) rất đề cao các giá trị đạo đức, ý thức giữ gìn tình đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng và loại bỏ các yếu tố gây tổn hại đến mối quan hệ khăng khít giữa các thành viên với cộng đồng. Các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, làng xóm được người dân rất coi trọng, giữ gìn và bảo vệ. Đây chính là nền tảng để ra đời phương thức hòa giải tranh chấp nói chung và hòa giải tranh chấp đất đai nói riêng.

Câu hỏi 6:

Mất tình anh em vì mảnh đất hương hỏa cũng là vụ việc ở huyện Ứng Hòa được các báo đăng tải. Chỉ vì tranh chấp mảnh đất mà giữa 2 anh em đã nảy sinh mâu thuẫn và nghiêm trọng hơn là đã xảy ra xô xát, tình anh em được kết thúc bằng một bản án hình sự với một người mang thương tích và một người bị tuyên 6 tháng tù giam, hậu quả thật đau lòng. Đứng trên góc độ xã hội, góc độ pháp luật thì phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Luật sư trả lời:

Trên góc độ xã hội, như đã nói ở trên, các mối quan hệ xã hội (trong đó có gia đình) dường như bị chi phối mạnh mẽ bởi các quy tắc đạo đức, phong tục tập quán truyền thống, khi xảy ra tranh chấp các bên tranh chấp thường thương lượng, hòa giải, giải quyết nội bộ để không gây tổn hại đến mối quan hệ đó.

Theo góc độ pháp lý, khi xảy ra tranh chấp các bên thường được khuyến khích tự hòa giải, khi hòa giải không được thì mới gửi đơn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tất cả đều phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra như vụ việc ở huyện Ứng Hòa vừa qua, chỉ vì tranh chấp mảnh đất mà giữa 2 anh em đã xảy ra xô xát, tình anh em kết thúc bằng một bản án hình sự, một người mang thương tích và một người bị tuyên 6 tháng tù giam.

Dù đứng trên góc độ xã hội hay pháp luật, cách tốt nhất để không mất tình cảm gia đình, sứt mẻ tình ruột thịt đó là phải bình tĩnh tìm hướng giải quyết đảm bảo được quyền và lợi ích của từng người mà không ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Vì hơn hết vẫn là tình thân và tình cảm máu mủ ruột thịt trong gia đình.

Câu hỏi 7:

Trước khi qua đời, người mẹ đã di chúc để toàn bộ nhà đất do mình đứng tên cho đứa con trai út bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam và đã bị mất đi 85% sức khỏe, sau khi đã chia phần cho những người con khác. Không ngờ sau khi bà mẹ mất, sáu anh chị em ruột đã khởi kiện, đòi chia lại đất. Nhìn cảnh các anh, chị lôi đứa em tật nguyền ra Tòa khiến nhiều người không khỏi xót xa. Vậy với những kinh nghiệm của mình ông có lời khuyên như thế nào đối với người dân trong việc giải quyết những vấn đề từ việc tranh chấp đất đai, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra?

Luật sư trả lời:

Tranh chấp đất đai là tranh chấp thường xuyên phát sinh, có giá trị lớn và để lại nhiều hệ lụy cho mỗi bên tham gia tranh chấp. Do ảnh hưởng từ vị trí đất, nguồn gốc đất mà các bên tham gia tranh chấp thường là anh chị em trong gia đình. Để giải quyết tranh chấp, nhiều trường hợp các bên bất chấp pháp luật dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Theo tôi, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra người dân nên bình tĩnh, sáng suốt, tiến hành tự hòa giải, thương lượng để hai bên tìm được tiếng nói chung, vừa đảm bảo quyền lợi lại không mất đi tình cảm gia đình. Nếu việc hòa giải không mang lại kết quả như mong muốn thì người dân có thể gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết.

Giải quyết tranh chấp đất đai là một vấn đề phức tạp, tôi khuyên người dân nên tìm đến luật sư, chuyên viên pháp lý để được tư vấn, từ đó cân nhắc phương án tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của mình.

5/5 (1 Review)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan