Thông tư 06/2023/TT-NHNN, ban hành bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là một bước quan trọng trong việc điều chỉ và hướng dẫn các chính sách tài chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định của hệ thống ngân hàng và tài chính trong nước. Dưới đây là 1 vài câu hỏi mà mọi người đang quan tâm và luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW sẽ giải đáp.
Câu hỏi 1: Nhiều doanh nghiệp cho rằng những sửa đổi bổ sung tại Điều 22 của Thông tư 06/2023/TT-NHNN về cho vay để góp vốn mang nặng tính hành chính, hạn chế quyền góp vốn của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp. Ông đánh giá như nào về điều này?
Trả lời:
Điều gây tranh cãi liên quan đến Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng là quy định sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 22 như sau:
“c) Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng, trong đó quy định cụ thể:
(ii) Trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích”.
Quy định này nhằm đối phó với tình trạng một số doanh nghiệp lớn đứng ra vay vốn để góp vốn, đầu tư, hợp tác vào các doanh nghiệp, dự án chưa đáp ứng các điều kiện vay vốn trực tiếp từ TCTD. Thông qua hạn chế này, NHNN muốn sàng lọc và loại bỏ dần khỏi thị trường những nhà đầu tư yếu kém năng lực, đồng thời ngăn chặn những hoạt động không lành mạnh, lợi dụng nguồn vốn tín dụng để đầu cơ bất động sản. Mục tiêu chính của NHNN khi ban hành Thông tư này nhằm giảm thiểu rủi ro phát sinh, kiểm soát hiệu quả việc sử dụng vốn đúng mục đích, để nâng cao chất lượng của hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, quy định này lại chưa hợp lý khi các TCTD không thể kiểm tra việc sử dụng vốn của bên đi vay, vì đây không phải là khách hàng vay trực tiếp của các TCTD.
Quy định này vô hình chung lại trở thành "nút thắt", rào cản đối với dòng tín dụng cho bất động sản. Điều này khiến cho dòng vốn đã khó lại càng khó đến được với doanh nghiệp bất động sản hơn, nguy cơ đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khó tiếp cận vốn vay.
Nhất là trong bối cảnh điều kiện pháp lý còn nhiều vướng mắc khiến việc triển khai các dự án kéo dài như thời gian qua, thì ngân hàng nên nới lỏng bớt các điều kiện vay vốn để có thể hỗ trợ và tạo điều kiện phần nào cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay. Bởi khi DN chưa đủ điều kiện huy động vốn thì nguồn vốn vay tín dụng có vị trí rất quan trọng giúp cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, thi công các công trình của dự án.
Câu hỏi 2: Quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN về bổ sung khoản 5, Điều 26 đã hạn chế quyền cho vay-hoạt động kinh tế phổ biến, hợp pháp của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cho rằng họ không phải là bên đi vay trực tiếp mà vẫn phải chịu kiểm soát của ngân hàng, phải nộp các báo cáo cho ngân hàng là vô lý. Hướng dẫn của ngân hàng nhà nước về cơ sở cho quy định trên về bản chất là trái luật, vi phạm quyền dân sự, đẩy gánh nặng lên vai doanh nghiệp. Ông đánh giá như nào về điều này?
Trả lời:
Thông tư 06/2023/TT-NHNN bổ sung khoản 5, Điều 26 như sau:
“5. Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.”.
Quy định phong tỏa số tiền vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm sẽ khiến DN, chủ đầu tư phải làm thêm bảo lãnh thanh toán của ngân hàng hoặc thế chấp bổ sung tài sản đảm bảo khác, tăng chi phí của doanh nghiệp…
Trong lĩnh vực bất động sản, việc khách hàng mua nhà đặt cọc với chủ đầu tư diễn ra khá phổ biến. Trong trường hợp một trong hai bên không thực hiện giao dịch, phải tuân theo thỏa thuận và bồi thường cho bên còn lại. Ở đây, quyền và nghĩa vụ của khách hàng và chủ đầu tư được coi là bằng nhau. Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, khi khách hàng vay tiền để đóng góp vốn, ngân hàng phải phong tỏa nguồn tiền này, điều này dường như chỉ mang lại lợi ích cho ngân hàng vì nguồn tiền vẫn nằm trong sự kiểm soát của họ. Trái lại, người nhận tiền thanh toán, tức là chủ đầu tư, lại bị hạn chế trong việc sử dụng số tiền này.
Các khoản vay nhằm thực hiện các quyền hợp pháp sẽ bị phong tỏa, điều này đặt ra một vấn đề khiến chủ đầu tư không có quyền sử dụng nguồn tiền này, điều này có vẻ không hợp lý. Hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản và cả dự thảo sửa đổi đều không đề cập đến việc phong tỏa tiền của khách hàng vay để đóng góp vốn cho chủ đầu tư dự án bất động sản. Nên việc quy định phong tỏa tiền vay cho hoạt động thanh toán vì sợ bên nhận thanh toán sử dụng sai mục đích, thiếu trách nhiệm hay lừa đảo thì chưa hợp lý.