Mặc dù hàng loạt đường dây cho vay nặng lãi đã bị triệt phá nhưng tín dụng đen vẫn còn nhiều "đất sống" và trở thành vấn đề nhức nhối. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW chỉ ra 4 điều giúp tín dụng đen "sống khoẻ" trong thời gian qua. Mời quý khách theo dõi.
Lãi suất lên tới hàng nghìn phần trăm
Mới đây, TAND Hà Nội đã đưa ra xét xử 135 bị cáo liên quan đến đường dây cho vay qua app do ông trùm Li Zhao Qiang chủ mưu. Theo thông tin ban đầu, thông qua các app như vaynhanhpro, cashvn,…, đường dây này đã cho hàng trăm nghìn người vay với mức lãi suất “cắt cổ” 1.570 – 2.190%/năm.
Được biết, trong giai đoạn từ 2019 đến tháng 4/2022 – thời điểm vụ việc bị phát giác, các bị cáo đã cho 120.780 người vay nặng lãi với tổng số tiền lên tới 1.600 tỷ đồng.
Mặc dù con số thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng vụ việc kể trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên “tín dụng đen”. Trước đó, nhiều đường dây liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi đã bị triệt phá song, đến nay, tín dụng đen vẫn còn nhiều “đất sống” và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Từ những hình thức quảng cáo và tiếp cận người vay đơn giản như dán giấy quảng cáo trên tường, cột điện, các hình thức tín dụng đen cũng dần biến tướng và ngày càng đa dạng hơn, chẳng hạn như cho vay qua app hay công khai quảng cáo dịch vụ “hỗ trợ tài chính” rầm rộ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,…
Với lời quảng cáo “cho vay nhanh chóng, giải ngân tức thì” hay “vay vốn không cần giấy tờ chứng minh”, nhiều người đã vô tình sập bẫy tín dụng đen. Để đến khi không thể trả nợ vì lãi suất quá cao, nhiều người bị hành hung, đe dọa, thậm chí là bôi nhọ danh tiếng. Không ít trường hợp chỉ vì vay vài chục triệu đồng của các app tín dụng đen mà lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí bán nhà, bán xe để trả nợ.
Vậy với lãi suất cao “cắt cổ” cùng với nhiều hệ lụy phía sau, lý do nào đã giúp tín dụng đen “sống khỏe” trong thời gian qua?
Chia sẻ với VietnamFinance, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các công ty tài chính đang thận trọng trong xét duyệt cho vay trong khi nhu cầu tiền cho đời sống lúc nào cũng có, các bên tín dụng đen lại cho vay rất nhanh, không cần điều kiện nào.
Nếu như vay tiền tại các công ty tài chính hay ngân hàng thương mại, người đi vay phải qua nhiều thủ tục, giấy tờ và có nhiều nhiều người chưa thể tiếp cận các kênh cho vay chính thống do không đáp ứng được các điều kiện cho vay thì việc vay tiền tại các đường dây tín dụng đen rất đơn giản, thậm chí có thể ví như quy trình 3 không, tức “không thế chấp, không giấy tờ pháp lý và không cần đợi lâu”. Chỉ với vài thao tác đơn giản, sau vài phút, bên cho vay sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay.
“Điều này dễ khiến nhiều người rơi vào bẫy của tín dụng đen, vay 1 trả 10, lãi mẹ đẻ lãi con”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SB Law chỉ ra 4 nguyên ngân khiến tín dụng đen vẫn còn tồn tại.
Đầu tiên, tín dụng đen đáp ứng được nhu cầu vay tiền nhanh chóng. “Nhiều người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hoặc không có tài sản đảm bảo, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay hợp pháp từ ngân hàng hoặc các công ty tài chính. Họ cần tiền gấp để giải quyết các vấn đề khẩn cấp, và tín dụng đen trở thành lựa chọn duy nhất do thủ tục vay đơn giản và nhanh chóng”, ông Hà nói.
Lý do thứ hai là người dân vẫn thiếu kiến thức tài chính. Một số người vay không hiểu rõ về các sản phẩm tài chính hợp pháp hoặc không nắm bắt được các rủi ro liên quan đến tín dụng đen. Họ có thể bị lôi kéo bởi những lời quảng cáo hấp dẫn mà không biết rằng lãi suất cho vay của tín dụng đen là cực kỳ cao và bất hợp pháp.
Thứ ba, sự phức tạp trong việc quản lý và kiểm soát cũng khiến tín dụng đen chưa bị “nhổ cỏ tận gốc”. Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, mặc dù có nhiều nỗ lực từ phía chính quyền, việc giám sát và xử lý các hoạt động tín dụng đen gặp nhiều khó khăn do sự tinh vi của các tổ chức tín dụng đen, cùng với sự thiếu hụt nguồn lực cho việc kiểm soát và thực thi pháp luật.
Cuối cùng, theo ông Hà, chúng ta vẫn chưa có giải pháp tài chính thay thế hiệu quả. “Các giải pháp tài chính hợp pháp hiện có đôi khi không đáp ứng được nhu cầu của người dân về tính linh hoạt, nhanh chóng và dễ dàng trong quy trình vay vốn. Vì vậy, thị trường tài chính tiêu dùng cần được phát triển đồng bộ, tăng tính liên kết và giảm tình trạng phân khúc, thiếu tính liên thông giữa các thị trường bộ phận”, ông nhấn mạnh.
“Nhổ cỏ tận gốc” đối với tín dụng đen
Dẹp vấn nạn tín dụng đen đã trở thành một trong những ưu tiên của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, khẳng định phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp, phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế “tín dụng đen”.
Phát biểu trong một hội thảo mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho hay: “Tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, đối với ngành Ngân hàng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cấp tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.
Bản thân các tổ chức tín dụng cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ cũng như phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.
“Chỉ có khi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, người dân mới hạn chế tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là tín dụng đen, từ đó giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội”, Phó Thống đốc cho hay.
|