Một năm kể từ khi Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ có hiệu lực, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, khiến các đối >Ngày 23/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo về "Những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp"
tại Hội trường Tầng 7 Toà nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội. Nhiều kiến nghị được đưa ra nhằm tìm lối thoát cho tình trạng này."Hiện đang tồn tại những văn bản khác nhau và không thống nhất trong hướng dẫn Nghị định 01"
Luật sư Phạm Chí Công, Công ty Luật Khai Phong
Trong khi Nghị định 01 đang tồn tại không ít vướng mắc, thì một thời gian sau, Nghị định 102/2010/NĐ-CP ra đời (có hiệu lực từ 15/11/2010), siết chặt hơn quy định về chào bán cổ phần để tăng vốn. Trong khi đó, Luật Chứng khoán sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2011) quy định việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng (CTĐC) được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp (L.DN) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mới đây nhất, UBCK có Công văn 350/UBCK-QLPH ngày 27/1/2011 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. HCM hướng dẫn áp dụng Nghị định 01. Theo đó, kể từ 1/7/2011, CTCP chưa phải là CTĐC khi phát hành cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn thì thực hiện theo hướng dẫn của Sở KH&ĐT. Như vậy là có sự khác biệt, bởi Luật Chứng khoán quy định chung là chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là CTĐC, trong khi Công văn 350 lại giới hạn chỉ khi phát hành cho cổ đông hiện hữu mới thực hiện theo hướng dẫn của Sở KH&ĐT (được hiểu là thực hiện theo thủ tục của L.DN).
Để tránh lúng túng trong việc áp dụng Nghị định 01 và các quy định liên quan, các cơ quan hữu quan cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định hoặc Thông tư liên bộ Tài chính - KH&ĐT hướng dẫn về chào bán cổ phần riêng lẻ.
"Hạn chế chuyển nhượng cổ phần là không hợp lý"
Luật sư Nguyễn Thị Thu, Phó trưởng phòng Pháp chế và KSNB, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ tư vấn cho các DN liên quan đến phát hành và chào bán cổ phần chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Nghị định 01, SHS gặp không ít vướng mắc. Điển hình là quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần thuộc đợt chào bán riêng lẻ trong vòng tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán (Điều 8). Quy định này được hiểu là áp dụng cho cả cổ đông hiện hữu của các DN chưa phải là CTĐC, do đó DN và các cổ đông gặp rất nhiều khó khăn và chưa có hướng giải quyết.
Đối chiếu quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp nêu tại Điều 8 của Nghị định 01 với quy định tại L.DN, chúng tôi nhận thấy quy định này là không đúng (trái) với L.DN. Cụ thể, Mục d Khoản 1 Điều 77 L.DN quy định: "Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 81 và Khoản 5 Điều 84 của Luật này". Theo quy định của L.DN, chỉ có 2 trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần là cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập, còn lại tất cả các cổ đông đều có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình. Trong khi đó, Nghị định 01 lại quy định thêm một trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông hiện hữu là số cổ phần được chào bán trong đợt phát hành và chào bán riêng lẻ. Bởi vậy, nên xem xét bãi bỏ quy định này để tháo gỡ khó khăn cho DN trong huy động vốn.
"Dự thảo Nghị định hướng dẫn L.CK sửa đổi chỉ điều chỉnh chào bán cổ phần riêng lẻ của CTĐC"
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK
Trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi mà UBCK sắp hoàn chỉnh để trình Chính phủ ban hành có nội dung hướng dẫn về phát hành riêng lẻ cho CTĐC. Theo đó, về cơ bản, các nội dung phát hành riêng lẻ vẫn giữ như hiện nay, chỉ bổ sung quy định đối với phát hành trái phiếu, trong đó bao gồm cả trái phiếu chuyển đổi và không chuyển đổi.
Ngoài các trường hợp hạn chế chuyển nhượng chung, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số trường hợp ngoại trừ được nêu trong Luật Chứng khoán sửa đổi. Theo đó, điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của CTĐC quy định, việc chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chào bán riêng lẻ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty, chuyển nhượng chứng khoán đã chào bán của cá nhân cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán giữa các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Các đợt chào bán cổ phần hoặc trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng.
Dự thảo Nghị định chỉ điều chỉnh chào bán cổ phần riêng lẻ của CTĐC. Đã là CTĐC thì bao giờ cũng có trên 100 cổ đông, nếu các DN này phát hành cho cổ đông hiện hữu, thì được hiểu là phát hành ra công chúng, do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định. Trường hợp DN chưa phải là CTĐC mà phát hành cho dưới 100 cổ đông, thì cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định mà chúng tôi đang soạn thảo.
"Nhầm lẫn chức năng của Sở KH&ĐT với Cơ quan đăng ký kinh doanh"
Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải
Nghị định 01 đã không phân biệt giữa CTĐC và CTCP chưa phải CTĐC trong phát hành cổ phần riêng lẻ. Ngoài ra, Nghị định 01 có nội dung trái với L.DN. Thứ nhất, Nghị định 01 giao cho Sở KH&ĐT quản lý chào bán cổ phần riêng lẻ là không phù hợp với L.DN. Bộ Tài chính khi chủ trì soạn thảo Nghị định 01 đã hiểu chưa chuẩn xác về chức năng của cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và Sở KH&ĐT. Tuy cơ quan ĐKKD cấp tỉnh thuộc Sở KH&ĐT, nhưng cơ quan ĐKKD không phải là Sở KH&ĐT. Cơ quan ĐKKD thông thường tiếp nhận các hồ sơ về ĐKKD theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ KH&ĐT. Thực tế, Sở KH&ĐT không phải là cơ quan tiếp nhận hồ sơ về ĐKKD của DN và không có cơ chế Sở này tiếp nhận hồ sơ thay đổi ĐKKD, trong đó có việc tăng vốn điều lệ của CTCP (liên quan đến chào bán cổ phần riêng lẻ). Như vậy, bế tắc hiện nay trong xử lý hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ là xuất phát từ Nghị định 01 có sự nhầm lẫn giữa cơ quan ĐKKD và Sở KH&ĐT. Nghị định 01 không phân biệt giữa chào bán cổ phần riêng lẻ với chào bán cổ phần cho tất cả cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ hiện có của họ tại công ty được quy định tại Khoản 2 Điều 87 L.DN.
Do đó, Chính phủ có thể ban hành nghị định riêng để sửa đổi, bổ sung Nghị định 01 theo hướng: sửa Điều 2 về đối tượng áp dụng là CTCP thuộc nhóm CTĐC hoặc dự kiến sau khi phát hành cổ phần riêng lẻ sẽ trở thành CTĐC; đối với việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu của DN không phải là CTĐC áp dụng theo L.DN; đối với phát hành riêng lẻ cho đối tượng xác định được và dưới 100 NĐT (sau khi phát hành không trở thành CTĐC), quy định công ty chỉ gửi cho cơ quan ĐKKD nghị quyết ĐHCĐ hoặc của HĐQT đối với CTCP hoặc Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH chuyển đổi thành CTCP). Trong nghị quyết này phải ghi rõ thời điểm, phương thức và giá chào bán, đối tượng mua đã xác định, cách thức xử lý đối với cổ phần chào bán không được mua hết và khi hết thời hạn chào bán, công ty chào bán phải gửi thông báo kết quả chào bán cùng với đề nghị điều chỉnh vốn điều lệ cho cơ quan ĐKKD.
Theo ĐTCK-online