Việc điều chỉnh chính sách thuế VAT đối với mặt hàng phân bón và thiết bị máy móc nông nghiệp đang được thảo luận sôi nổi. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW có phần phỏng vấn với truyền thông trao đổi về vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Câu 1: Từ góc nhìn người nghiên cứu về luật, ông nhận thấy những bất cập gì ở chính sách thuế VAT của ngành phân bón, thiết bị, máy móc nông nghiệp hiện nay? Theo ông, bất cập lớn nhất tới sản xuất nông nghiệp, người nông dân là gì?
Trả lời:
Hiện nay, căn cứ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), phân bón, thiết bị, máy móc nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).
Chính sách này nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển nông nghiệp, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại một số bất cập và thách thức đối với ngành này, cụ thể:
Thứ nhất, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, do phân bón và máy móc nông nghiệp không chịu thuế VAT, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, máy móc không được khấu trừ thuế VAT đầu vào cho các nguyên vật liệu, dịch vụ mua sắm liên quan. Điều này làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp vì họ vẫn phải chịu thuế VAT cho các nguyên vật liệu đầu vào, nhưng không được hoàn thuế.
Thứ hai, bất cập cạnh tranh không công bằng, do các sản phẩm trong nước không chịu thuế VAT nhưng không được khấu trừ VAT đầu vào. Trong khi đó, hàng nhập khẩu từ các nước có thể được miễn thuế hoặc được hưởng các ưu đãi khác. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Thứ ba, bất cập hạn chế đầu tư, chính sách này không tạo động lực thu hút đầu tư vào sản xuất phân bón, thiết bị nông nghiệp trong nước, bởi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí và lợi nhuận khi không được khấu trừ thuế.
Như vậy, việc chuyển phân bón và thiết bị, máy móc nông nghiệp sang đối tượng không chịu thuế VAT có ý nghĩa hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có những điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh công bằng hơn, và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Theo ông, bất cập lớn nhất tới sản xuất nông nghiệp, người nông dân là gì?
Trả lời:
Bất cập lớn nhất của chính sách thuế VAT đối với ngành phân bón và thiết bị, máy móc nông nghiệp hiện nay là không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, dẫn đến việc tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Mặc dù phân bón và máy móc nông nghiệp không chịu thuế VAT, nhưng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm này vẫn phải trả thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào (như nguyên vật liệu, dịch vụ). Tuy nhiên, do sản phẩm đầu ra không chịu thuế, doanh nghiệp không thể khấu trừ thuế VAT đầu vào này, khiến chi phí sản xuất tăng lên. Điều này có thể dẫn đến giá bán phân bón và máy móc nông nghiệp có thể cao hơn. Bất cập này đi ngược với mục tiêu ban đầu của chính sách là hỗ trợ nông dân giảm chi phí, khiến chính sách không đạt hiệu quả cao như mong đợi.
Câu 2: Bộ Tài chính và nhiều doanh nghiệp kiến nghị áp thuế 5% VAT cho phân bón thay cho quy định cũ, ông nhìn nhận điều này có phù hợp với xu thế chung của thế giới hay không?
Trả lời:
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng thuế VAT đối với phân bón và các sản phẩm nông nghiệp tương tự nhằm mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Ví dụ, tại Pháp và Đức, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, thuế VAT chuẩn được áp dụng đối với phân bón, trong khi các nước như Đan Mạch và Latvia áp dụng thuế VAT nhưng cũng có các cơ chế hỗ trợ cho nông dân nhỏ để giảm thiểu gánh nặng tài chính. Các quốc gia như Romania và Ba Lan, là những nước sản xuất nông nghiệp lớn trong EU, cũng áp thuế VAT đối với phân bón, mặc dù có một số quốc gia chọn miễn thuế hoặc áp thuế suất thấp cho các trang trại quy mô nhỏ nhằm giảm bớt áp lực hành chính và tài chính.
Tại Canada, thuế VAT được áp dụng đối với phân bón, tuy nhiên các nhà sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi từ hệ thống tín dụng thuế đầu vào để giảm thiểu tác động tài chính. Các quốc gia này đều cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và duy trì tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp nội địa.
Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, việc miễn thuế hoặc áp thuế suất VAT 0% đối với phân bón vẫn được duy trì nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững và giảm gánh nặng chi phí cho nông dân. Ví dụ, trong Liên minh châu Âu, một số quốc gia áp dụng thuế suất VAT thấp hơn cho phân bón hữu cơ, phù hợp với chiến lược Thỏa thuận xanh của EU. Các quốc gia như Ấn Độ và các tỉnh tại Canada cũng cung cấp các khoản trợ cấp hoặc miễn thuế VAT cho phân bón hữu cơ nhằm khuyến khích nông nghiệp hữu cơ và giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học. Tại Hoa Kỳ, các bang như California áp dụng các khoản tín dụng thuế và trợ cấp cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Do đó, mặc dù nhiều quốc gia áp dụng thuế VAT đối với phân bón, họ cũng triển khai các cơ chế như giảm thuế, miễn thuế hoặc tín dụng thuế để bảo vệ nông dân khỏi gánh nặng tài chính. Trong bối cảnh của Việt Nam, một số đề xuất về một mức thuế linh hoạt hơn có thể là giải pháp hợp lý để vừa bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa không gây thêm áp lực cho nông dân.
Câu 3: Các nước đều áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhưng chính sách không áp VAT vô hình chung đã khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa suy giảm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Theo ông khi xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng cần lưu ý những điều gì để đảm bảo được phòng vệ thương mại, từ đó hỗ trợ tốt nhất cho ngành sản xuất trong nước?
Trả lời:
Tính đến nay Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định FTA. Bản chất của FTA là xóa bỏ hàng rào thuế quan và ngay lập tức thị trường Việt Nam sẽ được mở cửa hàng hóa. Nếu như trong WTO, Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm thuế cho khoảng 1/3 số dòng thuế thì trong hầu hết các FTA đã ký, Việt Nam cam kết xóa bỏ tới 80- 90% số dòng thuế. Như vậy, với mức độ mở cửa lớn hơn, hàng hóa từ các nước đối tác FTA của Việt Nam có thể dễ dàng vào thị trường Việt Nam hơn mà không phải chịu các rào cản về thuế, đồng thời, việc các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng có xu hướng gia tăng. Điều này khiến sức ép về cạnh tranh với hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất của Việt Nam rất lớn.
Trong bối cảnh đó, phòng vệ thương mại là biện pháp duy nhất được cho phép trong FTA mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng để bảo vệ mình hoặc tạm thời giảm áp lực bởi sự gia tăng của hàng nhập khẩu để có thời gian phục hồi và tự điều chỉnh, song nói về kinh nghiệm phòng vệ thương mại, chúng ta vẫn còn khá “non trẻ”.
Với doanh nghiệp sản xuất, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 tất cả chi phí đầu tư nâng cấp nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm không được hoàn thuế và cộng vào tổng mức đầu tư, điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn ở vật tư nguyên liệu đầu vào, chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ không được áp dụng chế độ khấu trừ thuế giá trị gia tăng nên tất cả các khoản thuế đầu vào mà doanh nghiệp trả đã cộng vào giá bán, cộng vào chi phí cố định làm tăng giá sản phẩm.
Trường hợp với các mặt hàng nội địa được miễn thuế thì lại dẫn đến các mặt hàng đó nhập khẩu cũng không chịu thuế, do đó các doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội tấn công vào thị trường Việt Nam với sản phẩm mang mác “hàng ngoại” với một mức giá ưu đãi hơn. Điều này đã vô hình chung đã tạo nên cạnh tranh không lành mạnh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có hành vi “phá giá” khiến doanh nghiệp trong nước chịu thua lỗ.
Để hạn chế hiện tượng này, khi xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng cần đánh giá cẩn trọng tác động kinh tế và chính sách, thu hẹp đối tượng dịch vụ được xác định là dịch vụ xuất khẩu để đảm bảo chính sách thuế giá trị gia tăng được sửa đổi một cách toàn diện nhưng không gây xáo trộn tình hình đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế-xã hội.
Câu 4: Góp ý về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đối với phân bón, thiết bị nông nghiệp, theo ông cần điều chỉnh như thế nào để đáp ứng được chủ trương hỗ trợ nông dân, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đảm bảo an ninh lương thực, tránh phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu?
Trả lời:
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5%, việc này sẽ ảnh hưởng đến cả 3 chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Cụ thể, Nhà nước sẽ có cơ hội tăng thu ngân sách, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, từ đó có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm tương ứng số thuế VAT được khấu trừ, tăng khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bảo đảm tính công bằng trong thực hiện chính sách thuế VAT giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, đối với người nông dân, do bản chất của thuế VAT là thuế gián thu, người chịu thuế VAT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón, thiết bị nông nghiệp sang chịu thuế suất 5% làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá các mặt hàng này sẽ tăng khi Luật Thuế GTGT (sửa đổi) có hiệu lực, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp điều này trái với tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Bên cạnh đó, áp thuế 5% với phân bón có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán, chứ không thể chắc chắn được việc doanh nghiệp sản xuất phân bón, thiết bị nông nghiệp trong nước sẽ giảm giá. Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP thì việc chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5% sẽ tăng áp lực lên người nông dân.
Như vậy, để cân bằng được cả hai yếu tố về đảm bảo quyền lợi cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực cũng như tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh cho phân bón nội địa, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét cẩn trọng việc áp dụng thuế 5% với mặt hàng phân bón.
|