Tóm tắt: Trong sở hữu trí tuệ, cùng với thủ tục xác lập quyền đối với các đối tượng quyền thì thủ tục thực thi quyền cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam. Hiệp định TPP mà Việt Nam là một thành viên tham gia ký kết đã dành chương 18 để đề cập tới các thoả thuận về sở hữu trí tuệ trong đó có các quy định về thực thi quyền được đề cập từ Điều 18.71 đến điều 18.77, vậy những quy định về thực thi được quy định như thế nào? Những điểm gì mới và pháp luật Việt Nam phải thay đổi thế nào để phù hợp với những quy định này?
1.Các quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP
TPP có đề cập tới nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong Điều 18.71 đó là cần đảm bảo rằng các thủ tục thực thi được quy định trong luật cần cho phép các hành động có hiệu quả chống lại hành vi xâm phạm quyền, các biện pháp được áp dụng tránh tạo ra các rào cản đối với hoạt động thương mại hợp pháp và có các biện pháp bảo đảm các thủ tục không bị lạm dụng.
TPP yêu cầu các bên đơn giản hoá thủ tục thực thi, đảm bảo chi phí phát sinh trong quá trình thực thi sẽ không tốn kém và bất hợp lý hoặc chậm trễ không cần thiết.
1.1.Về hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Hoạt động thực thi quyền SHTT được quy định tại Điều 18.73 của Hiệp định, trong đó có điểm mới đó là yêu cầu các quốc gia phải công bố hoặc sẵn sàng dưới hình thức khác để công chúng có thể tiếp cận các thông tin thống kê và các thông tin khác trong hệ thống dân sự, hành chính và hình sự về hoạt động thực thi quyền SHTT.
Vì vậy, pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ cần bổ sung quy định công bố thông tin liên quan tới việc thực thi quyền.
1.2.Về các thủ tục và chế tài dân sự và hành chính.
Quy định về thủ tục và chế tài dân sự và hành chính được quy định tại Điều 18.74 của Hiệp định.
TPP đã đưa ra 3 vấn đề chính đó là vấn đề bồi thường thiệt hại, xử lý hàng hoá vi phạm và thực thi quyền trong môi trường số (internet)
Về vấn đề bồi thường thiệt hại đối với người vi phạm.
TPP yêu cầu các quốc gia thành viên cần có phương pháp xác định mức thiệt hại trên cơ sở xem xét theo giá trị hàng thật và cần áp dụng cách tính của bên bị vi phạm (chủ thể quyền) cung cấp.
TPP cũng quy định là khi có hành vi giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì các quốc gia thành viên phải có quy định trong luật về vấn đề bồi thường thiệt hại và những quy định này phải có tính răn đe đối với những hành vi tương tự xảy ra trong tương lai và đối với những đối tượng khác.
Một điểm mới quan trọng được quy định trong khoản 5 Điều 18.74 của Hiệp định mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định đó là các cơ quan tư pháp có thẩm quyền buộc người xâm phạm trả cho chủ thể quyền lợi nhuận mà người xâm phạm thu được từ việc xâm phạm. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì các khoản lợi nhuận có được từ hành vi xâm phạm quyền không được coi là thiệt hại của chủ thể quyền nên chủ thể quyền không thể được lợi nhuận của bên bị vi phạm.
Cũng theo quy định từ khoản 6 tới khoản 9 của Điều 18:74 đã có quy định về các khoản bồi thường định trước và bồi thường bổ sung đối với các hành vi xâm phạm quyền. Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về 2 mức bồi thường này.
Tại khoản 11 của điều trên cũng quy định rằng khi các cơ quan tư pháp chỉ định các chuyên gia kỹ thuật hoặc các chuyên gia khác trong thủ tục tố tụng dân sự thì có quyền yêu cầu các bên tham gia tố tụng phải chịu chi phí cho những chuyên gia này. Đây là quy định mới so với pháp luật Việt Nam vì luật Việt Nam không có quy định về mức phí và nguyên tắc xác định chi phí cho các chuyên gia khi tham gia tố tụng.
Khoản 14 của Điều trên cũng quy định các bên liên quan tới thủ tục tố tụng dân sự về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan tư pháp hoặc các cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng chế tài cho bên tham gia, người tư vấn, chuyên gia hoặc những người khác thuộc thẩm quyền phán quyết của toà, do vi phạm lệnh của toà liên quan đến việc bảo vệ thông tin bí mật phát sinh hoặc được trao đổi trong thủ tục tố tụng. Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc bảo vệ thông tin bí mật từ thực thi quyền SHTT là thông tin mật, được bảo vệ theo pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước.
Một vấn đề mới về bồi thường thiệt hại được quy định tại khoản 15 điều nêu trên có quy định nếu một bên lạm dụng các thủ tục thực thi quyền thì bên đó phải bồi thường các thiệt hại phát sinh cho bên bị yêu cầu theo thủ tục tố tụng dân sự. Quy định này chưa có trong các quy định của pháp luật Việt Nam và cần được bổ sung.
Vấn đề xử lý hàng hóa vi phạm:
TPP yêu cầu các quốc gia thành viên phải cho phép các cơ quan thực thi quyền như thanh tra, hải quan được phép áp dụng biện pháp buộc tiêu huỷ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hoá xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Các biện pháp xử lý gồm có tiêu huỷ, rút khỏi kênh tiêu thụ nguyên liệu hoặc xử lý khỏi các phương tiện được sử dụng để sản xuất hàng hoá vi phạm nhãn hiệu và bản quyền nêu trên.
Việc thực thi quyền trong môi trường số (Internet):
Ngày nay, với việc phát triển thương mại mạnh mẽ trên Internet, việc vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng cũng diễn ra phổ biến, vì vậy, TPP yêu cầu các quốc gia thành viên cần phải có cơ chế xử lý vi phạm bản quyền, vi phạm nhãn hiệu trên mạng như đối với các hành vi vi phạm truyền thống và thông thường.
TPP cũng đưa ra các nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên, đó là cần phải xây dựng các quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ internet cũng như các điều kiện và nghĩa vụ để họ được miễn trách nhiệm cũng như xây dựng các chế tài đối với vi phạm khi người sử dụng Internet có hành vi xâm phạm quyền.
1.2.Các yêu cầu đặc biệt liên quan tới các biện pháp tại biên giới.
Quy định về các yêu cầu đặc biệt liên quan tới các biện pháp tại biên giới được quy định tại điều 18.76 của Hiệp định, về cơ bản, các quy định trong điều này đã tương thích với các quy định của pháp luật Việt Nam, có một số quy định chưa tương thích thì chúng tôi có đề cập tại đây.
Tại khoản 5 và 6 của điều 18.76 có quy định về thẩm quyền của các cơ quan chức năng được tự mình tiến hành các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu khi tiến thành thủ tục hải quan. Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định việc làm thủ tục kiểm soát hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu liên quan tới SHTT chỉ được thực hiện theo yêu cầu của chủ thể quyền.
Vì vậy, trong các quy định của pháp luật hiện hành về SHTT cần có quy định cụ thể về thẩm quyền được tự mình thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền khi chủ thể quyền không có yêu cầu.
1.3. Về thủ tục và hình phạt hình sự.
Bên cạnh các chế tài về dân sự đã nêu ở trên, TPP còn yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp hình sự để xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ một cách “cứng rắn” hơn. Các quy định này được đề cập cụ thể tại Điều 18.77 của Hiệp định.
Các quy định trong TPP về xử lý hình sư cao hơn các chuẩn mực trong TRIPS/WTO. Cụ thể như sau:
Quy định về hành vi tội phạm:
TPP yêu cầu các quốc gia thành viên cần có quy định hình sự hóa các hành vi vi phạm bản quyền, quyền liên quan, bí mật thương mại và nhãn hiệu hàng hoá. Quy định cao hơn ở đây được hiệu là nhiều hành vi vi phạm chưa cấu thành hành vi xâm phạm quyền, mới là tiền đề cho hành vi vi phạm hoặc hành vi đó không nhằm khai thác thị trường xuất khẩu.
Quy định về cấu thành tội phạm trong vi phạm sở hữu trí tuệ:
TPP yêu cầu các quốc gia thành viên cần hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan trong Bộ luật hình sự.
Theo quy định thì các quốc gia thành viên phải coi hành vi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá sao lậu quyền tác giả ở quy mô thương mại phải là hành vi tội phạm hình sự.
Vi phạm ở quy mô thương mại theo chuẩn của WTO gồm 2 yếu tố nay TPP quy định giảm xuống, hành vi vi phạm ở quy mô thương mại chỉ cần có 1 trong 2 yếu tố sau:
Hành vi vi phạm nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính trong kinh doanh.
Hành vi xâm phạm đáng kể, dù không nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính nhưng gây ra thiệt hại hại lớn cho chủ thể quyền trên thị trường.
Một điểm mới nữa trong phần này đó là TPP có yêu cầu các quốc gia thành viên phải xử lý việc sao chép trái phép các tác phẩm điện ảnh từ buổi chiếu phim trong rạp mà gây ra thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền đối với tác phẩm đó trên thị trường.
2.Sự tương thích của TPP với pháp luật Việt Nam về vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được ghi nhận tại Hiệp định TPP bao gồm các chế tài dân sự, hành chính, biện pháp khẩn cấp tạm thời, kiểm soát hải quan và chế tài hình sự là tương đối chắt chẽ như đã nêu ở trên.
Nhìn chung, các cơ chế thực thi này đều tương đồng với quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, vốn đã được sửa đổi và bổ sung đồng bộ khi Việt Nam gia nhập WTO/WIPO/TRIPS.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề còn chưa tương thích, cần được sửa đổi và bổ sung trong thời gian tới.
Vấn đề thứ nhất: Đối với các biện pháp dân sự và hành chính, cần bổ sung các quy định về bồi thường thiệt hại theo hướng bên vi phạm phải bồi thường cho chủ thể quyền các khoản lợi nhuận mà bên vi phạm đã thu được, bổ sung thêm các khoản bồi thường bổ sung.
Cũng cần bổ sung các quy định của pháp luật về việc bảo mật thông tin phát sinh trong quá trình tố tụng và chế tài khi một bên vi phạm quy định này.
Tiến hành bổ sung quyền của bên bị thiệt hại do hành vi lạm dụng quyền SHTT của chủ thể quyền vào các quy định của Luật SHTT.
Vấn đề thứ hai: Các chế tài hình sự, theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành (1999 và sửa đổ bổ sung năm 2009) có quy định về việc việc bên vi phạm sẽ bị xử lý hình sự nếu xâm phạm ở quy mô thương mại, tuy nhiên, chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là quy mô thương mại, điều này đang cản trở việc áp dụng chế tài hình sự trong xử lý vi phạm quyền.
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự mới đang được Quốc hội xem xét cũng đã nâng mức hình phạt tiền và hình phạt tù cho các tội phạm liên quan đến SHTT như “tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”; “tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.
Bên cạnh đó, quy định về quy mô thương mại đã không được đề cập, mà quy định rõ mức tiền mà bên vi phạm đạt được hoặc gây thiệt hại thì sẽ bị xử lý hình sự.
Ngoài ra, chế tài hình sự còn quy trách nhiệm hình sự cho các pháp nhân thương mại khi có hành vi xâm phạm quyền SHTT. Theo đó, sẽ bị phạt tiền nặng hơn, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là cấm huy động vốn từ một đến ba năm.
Bên cạnh đó, các quy định của Bộ luật hình sự cũng cần có quy định hành vi xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá sao lậu quyền tác giả ở quy mô thương mại phải là tội phạm hình sự, điều 170a Bộ luật hình sự hiện hành không quy định hành vi này bị coi là tội phạm hình sự.
Vấn đề sao chép các tác phẩm điện ảnh từ buổi chiếu phim trong rạp mà gây thiệt hại cũng cần được nghiên cứu để đưa vào các quy định của Bộ luật hình sự, vấn đề này hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể.
Hy vọng với các quy định mới này thì việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hình sự sẽ tương thích với các yêu cầu và đòi hỏi của TPP.
Vấn đề thứ hai: Hiện nay, các hành vi vi phạm tại Việt Nam phần lớn được xử lý bằng biện pháp hành chính mà không được áp dụng biện pháp dân sự.
Nguyên nhân của tình trạng này đó là áp dụng biện pháp hành chính sẽ nhanh hơn, còn áp dụng biện pháp khởi kiện ra toà sẽ rất mất thời gian do thủ tục tố dụng dân sự của Việt Nam quá lâu, tốn kém nhiều chi phí.
Theo quy định của TPP là việc áp dụng biện pháp dân sự phải là một biện pháp ưu tiên vì nó là quyền của bên bị vi phạm.
Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần cải thiện và rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể quyền tiến hành khởi kiện bằng biện pháp dân sự, các giải pháp đưa ra có thể là nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán, xây dựng toà chuyên trách về sở hữu trí tuệ.
Vấn đề thứ ba: Như đã trình bày ở trên, TPP yêu cầu các quốc gia phải xây dựng pháp luật và có những biện pháp thực thi quyền SHTT hiệu quả, có tính răn đe và bảo vệ người kinh doanh chân chính.
Đối chiếu với trường hợp của Việt Nam, chúng ta thấy một thực tế là Việt Nam đã có đầy đủ các quy định của pháp luật trong đó có quy định về thực thi quyền, tuy nhiên, việc thực thi trên thực tế còn nhiều vướng mắc.
Vướng mắc thứ nhất là các cơ quan thực thi quyền SHTT của Việt Nam đều thiếu nhân lực, thiếu các cán bộ thực thi có kiến thức và năng lực.
Vướng mắc thứ hai là không phải cứ phát hiện ra hành vi vi phạm, là các tổ chức đại diện và chủ thể quyền có thể đề nghị và được sự hỗ trợ kịp thời và nhiệt tình của các cơ quan thực thi.
Điều này đang tạo ra sự khó khăn cho việc thực thi pháp luật, vì vậy, khi gia nhập TPP, hy vọng các cơ quan chức năng của Việt Nam cần cải thiện năng lực thực thi, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ nhằm tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nhiệp và doanh nhân.
Kết luận: Với việc tham gia đàm phán và ký kết hàng loạt các Hiệp định song phương và đa phương, các vấn đề về sở hữu trí tuệ trong đó có các quy định về thực thi quyền luôn được đặt ra một cách ngày càng khắt khe hơn trong đó TPP là một ví dụ điển hình. Qua những phân tích nêu trên, chúng ta có thể thấy nếu Việt Nam phê chuẩn Hiệp định này, một lần nữa các cơ quan chức năng lại tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật hiện hành và tiến hành sửa đổi bổ sung cho phù hợp, việc này cũng là một dấu hiệu tốt cho việc hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng nhu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Vấn đề đặt ra cũng quan trọng không kém vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật đó là việc đảm bảo thực thi những quy định này trên thực tế, điều này đòi hỏi nỗ lực của các chủ thể quyền, của các nhà tư vấn và của các cơ quan chức năng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà và giảng viên Nguyễn Trường Ngọc