Câu hỏi:
Xin hỏi Luật sư Công ty chúng tôi là Công ty 100% vốn nước ngoài, có công ty mẹ được thành lập tại Singapore thì có thể thực hiện kinh doanh ngành nghề cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển (VSIC 7730 và CPC 83109) hay không?
Trả lời:
Trên cơ sở thông tin mà Công ty cung cấp, Luật sư hiểu rằng Công ty là công ty 100% vốn nước ngoài, có công ty mẹ được thành lập tại Singapore. Do đó, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh đối với Công ty cần đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài (Điều 64.2 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).
Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố bởi Chính phủ Việt Nam, trên cơ sở các quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo đó, ngành nghề cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển là ngành nghề kinh doanh tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (Mục B.22 Phụ lục 1 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP). Điều kiện tiếp cận thị trường đối với ngành nghề này được quy định như sau:
(i). Điều kiện tiếp cận thị trường được quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên:
Theo biểu cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO (“Cam kết WTO”), mã CPC 83109 là ngành mà Việt Nam chưa cam kết (có nghĩa rằng cơ quan nhà nước Việt Nam có toàn quyền chấp thuận hoặc từ chối việc đăng ký bổ sung ngành nghề của Công ty).
Bên cạnh đó, do Công ty mẹ của Công ty mang quốc tịch Singapore, Singapore và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (“AFAS”), điều kiện tiếp cận thị trường còn được thực hiện theo cam kết của Việt Nam tại AFAS. Theo biểu cam kết của Việt Nam trong AFAS (gói cam kết thứ 10), mã CPC 83109 là ngành không hạn chế, tuy nhiên với điều kiện là phải thành lập liên doanh với một nhà đầu tư trong nước và tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong liên doanh chiếm không quá 70%.
Theo quy định tại Điều 17.9 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường thì được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh theo một trong các điều ước đó. Trường hợp đã lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo một điều ước quốc tế về đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo toàn bộ quy định của điều ước đó.
Như vậy Công ty cần rà soát lại tại thời điểm đề xuất dự án đầu tư để đăng ký thành lập, Công ty đã lựa chọn cam kết tại hiệp định nào để đăng ký. Trong trường hợp:
a) Công ty đã lựa chọn đăng ký theo AFAS, do tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Công ty là 100%, Công ty sẽ không thể đăng ký bổ sung ngành nghề cho thuê máy móc, thiết bị không kèm người điều khiển, do không đáp ứng điều kiện về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong liên doanh mà Việt Nam đã cam kết tại AFAS.
b) Công ty đã lựa chọn đăng ký theo Cam kết WTO, do cam kết WTO không có cam kết về tiếp cận thị trường đối với ngành nghề cho thuê máy móc, thiết bị không kèm người điều khiển, việc bổ sung ngành nghề này sẽ phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương. Việc có chấp thuận cho Công ty đăng ký bổ sung ngành nghề này hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý kiến và quyết định của các cơ quan cấp phép.
(ii). Điều kiện tiếp cận thị trường được quy định tại pháp luật Việt Nam:
Ngoài điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài nêu trên, theo quy định tại Điều 5.1 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Công ty còn phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (“Giấy phép kinh doanh”). Đối với hoạt động cho thuê hàng hóa, căn cứ Điều 8 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, cơ quan cấp phép (Sở Công Thương nơi công ty đặt trụ sở) phải lấy ý kiến Bộ Công thương khi thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh. Theo quy định tại Điều 11.2 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, thời hạn Giấy phép kinh doanh được cấp là 05 năm.
Tóm lại:
a) Trường hợp Công ty đã lựa chọn giải trình điều kiện tiếp cận thị trường theo theo AFAS trong hồ sơ đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm thành lập công ty, Công ty sẽ không thể đăng ký bổ sung ngành nghề cho thuê máy móc, thiết bị không kèm người điều khiển, do không đáp ứng điều kiện về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong liên doanh mà Việt Nam đã cam kết tại AFAS;
b) Trường hợp Công ty đã lựa chọn giải trình điều kiện tiếp cận thị trường theo theo Cam kết WTO trong hồ sơ đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm thành lập công ty, Công ty có thể đăng ký được ngành nghề này, với điều kiện là cần đạt được ý kiến chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương. Sau khi đăng ký bổ sung thành công tại đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh, Công ty cần thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh tại Sở Công Thương nơi công ty đặt trụ sở. Việc cấp Giấy phép kinh doanh cũng cần có ý kiến chấp thuận của Bộ Công thương và thời hạn Giấy phép kinh doanh được cấp sẽ là không quá 05 năm.