Thu phí âm nhạc với tivi có đúng luật không, phí sẽ về đâu?

Nội dung bài viết

Trong bài "Thu phí âm nhạc với tivi có đúng luật không, phí sẽ về đâu?" đăng trên báo Tuổi trẻ có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law. Dưới đây là chi tiết bài viết:

Việc thu phí có đúng luật không? Tiền phí được xử lý thế nào, tác giả nhận bao nhiêu? - hàng loạt câu hỏi đặt ra với việc thu phí tác quyền âm nhạc với TV đặt trong phòng nghỉ của khách sạn.

Hôm 26-5, Cục Bản quyền tác giả đã yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) dừng ngay việc thu phí tác quyền âm nhạc với TV đặt trong phòng nghỉ của khách sạn để việc thực hiện sau này hiệu quả và đúng pháp luật.

Việc dừng này diễn ra sau khi tuần qua Tuổi Trẻ thông tin về việc các chủ khách sạn ở Đà Nẵng phản ứng dữ dội với VCPMC.

Việc thu phí này có đúng pháp luật không? Có nên làm không?... Tuổi Trẻ đặt ra các câu hỏi này và ghi nhận được những ý kiến khác nhau:

* Ông Lưu Văn Cam (giám đốc điều hành khách sạn Orange, Đà Nẵng): Nếu VCPMC được thu, nhiều đơn vị khác sẽ được thu.

Tại sao những chủ khách sạn đồng ý các khoản thu lên tới tiền triệu cho VCPMC để sử dụng âm nhạc ở nhà hàng, lễ tân mà lại từ chối khoản tiền vài chục ngàn trên cơ sở “đếm TV mà thu”? Đó là vì VCPMC viện dẫn luật chưa đủ cơ sở nên chủ khách sạn phản ứng vì cho rằng chưa hợp lý, chưa thuyết phục.

VCPMC nói rằng khoản chi phí mà khách sạn trả để thuê kênh truyền hình cáp chỉ là khoản tiền để được nhận tín hiệu hoặc đường truyền từ nhà cung cấp, không bao gồm tiền nhuận bút trả cho việc sử dụng tác phẩm.

Vậy nếu sau này có những trung tâm tương tự họ được thành lập như trung tâm bảo vệ quyền tác giả hài kịch, quyền tác giả game show... không lẽ các trung tâm ấy cũng đến khách sạn đòi thu tiền?

Nếu như thế thì có đến cả trăm đơn vị được phép “đếm TV thu tiền”, bởi trên TV có cả trăm chương trình trong và ngoài nước phát.

VCPMC đã thu “từ gốc” là các chương trình biểu diễn ca nhạc và thu từ các nhà đài thì không lý gì đi thu người sử dụng dịch vụ của nhà đài vì gây ra “phí chồng phí”. Họ muốn tăng nguồn thu, bảo vệ chất xám cho tác giả thì hãy thu “từ gốc”, cách thu này dễ hơn nhiều mà.

Huống hồ chi hiện nay TV đâu phải là loại hình tiện ích duy nhất mà khách dùng khi vào cơ sở lưu trú. Họ có thể chủ động dùng hàng trăm thứ tiện ích khi dùng trên máy tính, điện thoại, iPad để xem đủ thứ chuyện trên đời chứ đâu nhất nhất mở kênh ca nhạc trên truyền hình.

* Nhạc sĩ Phú Quang (người đã từng ngừng ủy quyền cho VCPMC vì bất đồng về bản quyền): Số thu sẽ rất lớn

Nếu thu phí âm nhạc bổ đầu theo các TV mỗi chiếc 25.000 đồng mỗi năm, nghe có vẻ ít nhưng tính riêng ở các khách sạn của các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng thì có đến hàng triệu chiếc. Con số đó sẽ rất lớn.

Tôi nghĩ rằng những tác phẩm âm nhạc trên TV sẽ phải do đài truyền hình hoặc đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm chi trả tiền bản quyền âm nhạc, chứ không thể thu từ các khách sạn.

Hơn nữa, có những khách sạn dù có mở TV nhưng chưa chắc đã phát chương trình âm nhạc và những người đến đó chưa chắc đã xem chương trình âm nhạc nếu có phát.

Cũng cần làm rõ sau khi thu được tiền phí âm nhạc đó, số tiền sẽ được xử lý thế nào, tác giả sẽ được nhận bao nhiêu? Số tiền trả cho các nhạc sĩ cũng cần công khai.

* Nhạc sĩ Diệp Chí Huy (người được VCPMC bảo hộ quyền tác giả tác phẩm): VCPMC nên tìm những nguồn thu xứng đáng hơn

Dù đến nay tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thu nhập nào đến từ VCPMC nhưng tôi cho rằng việc thu phí tác quyền âm nhạc trên cơ sở tính đầu TV là chưa thuyết phục.

Sau sự việc mà báo chí phản ánh, tôi với những anh em được VCPMC bảo hộ có ngồi lại với nhau và cùng cho rằng có quá nhiều cơ sở pháp lý mà VCPMC phải làm để bảo vệ chúng tôi. Đó là công việc rất phức tạp mà chúng tôi chia sẻ và thông cảm với họ.

Tôi cho rằng nếu VCPMC muốn bảo vệ chúng tôi, hãy tìm những cách thực hiện thiết thực và dễ dàng hơn để thực thi tác quyền.

Ví dụ như thu triệt để đối với các chương trình dùng âm nhạc. Đó là cách quản lý từ gốc. Tại sao VCPMC phải đi thu ở ngọn như hiện nay để làm phức tạp vấn đề? Và liệu rằng với nhân lực của VCPMC hiện nay có đủ tầm để thực thi cả gốc lẫn ngọn hay không?

* Luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Công ty luật quốc tế Thiên Việt): “Đau bụng uống nhân sâm”

Việc VCPMC viện dẫn điều 20 Luật sở hữu trí tuệ và điều 23 khoản 1 nghị định 100 là cách hiểu không toàn diện, kiểu "đau bụng uống nhân sâm".

Phần quyền tác giả đã được trả khi định hình cuộc biểu diễn trước công chúng hoặc thông qua các chương trình biểu diễn mà bằng chứng là VCPMC đã thường xuyên đi thu/đòi.

Mặt khác, các quyền liên quan cũng đã được các đơn vị truyền dẫn phát sóng (VTV, CAP...) và các đài khi mua tác phẩm điện ảnh trong đó có tác phẩm âm nhạc thanh toán phí tác quyền và người dùng đã trả phí sử dụng nội dung trong nội dung đó đã bao gồm phí tác quyền, do vậy nếu thu từ người sử dụng hoặc từ các khách sạn sẽ dẫn đến trường hợp phí chồng phí.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc cần phải thực hiện để bảo đảm phát triển sáng tạo, tuy nhiên để hài hòa lợi ích giữa các bên cần phải tính toán cụ thể biểu giá thu phí trên cơ sở mức độ sử dụng là bao nhiêu? Căn cứ để tính là gì? Phí tác quyền đã được trả khi định hình chương trình hay chưa? Chứ không thể đánh đồng để thu phí mức 25.000 đồng mỗi tivi rồi tự cho rằng phí đó là quá thấp.

Việc đề xuất thu phí đánh vào các đầu TV trong mỗi khách sạn là nhận thức kém về Luật sở hữu trí tuệ nói chung và không có cơ sở pháp lý cũng như không nhận được sự đồng thuận của dư luận.

* Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty luật Sblaw): Có cơ sở pháp lý

Việc VCPMC đề nghị các chủ khách sạn phải trả phí tác quyền cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm là việc làm có cơ sở pháp lý. VCPMC là một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, nhận ủy quyền của các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm để làm việc với các đối tác để thu phí bản quyền.

Căn cứ pháp lý mà họ thực hiện là tại khoản 3 điều 20 Luật sở hữu trí tuệ, điều 33 Luật sở hữu trí tuệ và điều 35 nghị định 100 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự và Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.

Theo quy định của những điều khoản này, khách sạn được coi là một đơn vị kinh doanh và đã có hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh và phát sinh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đó.

* Luật sư Lê Quang Vy (Công ty Phước & Partners): Sai đối tượng

iệc VCPMC viện dẫn khoản 1 điều 20 Luật sở hữu trí tuệ về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của chủ sở hữu quyền tác giả để buộc các chủ khách sạn phải đóng phí bản quyền cho khoản này là hoàn toàn sai đối tượng.

Bởi do một cách thông thường ai cũng hiểu “biểu diễn” nghĩa là trình tấu một tác phẩm nghệ thuật. Luật sở hữu trí tuệ quy định quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả.

Chỉ có người nghệ sĩ hoặc các nhà sản xuất chương trình mới chính là đối tượng biểu diễn tác phẩm nghệ thuật trước công chúng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Khách sạn không phải là người nghệ sĩ biểu diễn và cũng không là nhà sản xuất chương trình, vậy nên các chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn phản ứng với quyết định của VCPMC là chuyện đương nhiên.

Chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn chỉ bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bản quyền âm nhạc cho VCPMC theo điều 33 Luật sở hữu trí tuệ và điều 35 nghị định 100/2006 trong trường hợp họ mua các chương trình phát sóng âm nhạc, hay mua các băng ghi hình chương trình âm nhạc để phát trên tivi trong khách sạn của họ.

Lưu ý việc các khách sạn mua các đường truyền tín hiệu của các tổ chức phát sóng không đồng nghĩa với việc mua chương trình phát sóng. Bởi một đường truyền tín hiệu sẽ có rất nhiều chương trình phát sóng như chương trình thể thao, chương trình thời sự, chương trình âm nhạc, chương trình khoa học...

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170528/thu-phi-am-nhac-voi-tivi-co-dung-luat-khong-phi-se-ve-dau/1321893.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan