Thông thường thời điểm các doanh nghiệp quyết định đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở nước ngoài cho các sản phẩm, dịch vụ của họ thường dựa vào các yếu tố liên quan đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp như:
- Thời điểm doanh nghiệp dự kiến tung sản phẩm ra thị trường;
- Khả năng tài chính của doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT của họ ở nước ngoài;
- Khả năng sản phẩm, quá trình, kiểu dáng, nhãn hiệu etc của doanh nghiệp bị sao chép bởi các bên thứ ba khác
Việc chọn đúng thời điểm để nộp đơn đăng ký quyền SHTT của doanh nghiệp ở nước ngoài là rất quan trọng bởi lý do sau:
Nếu doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT của họ quá sớm, vì điều này có thể dẫn đến tốn kém chi phí không cần thiết , do các chi phí nộp đơn, tra cứu, xét nghiệm, dịch thuật và các chi phí khác là không hề thấp. Có một phương pháp để trì hoãn việc nộp đơn đăng ký này mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của doanh nghiệp đó là sử dụng hệ thống đăng ký quốc tế (ví dụ: PCT đối với sáng chế; hệ thống Madrid đối với nhãn hiệu…), thay vì nộp đơn trực tiếp vào từng quốc gia.
Nếu doanh nghiệp nộp đơn quá muộn thì quyền SHTT của họ có thể không được bảo hộ, do nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong hệ thống luật SHTT của hầu hết các quốc gia. Điều này có nghĩa là nếu doanh nghiệp nộp đơn quá muộn, để các bên khác có các đối tượng SHTT trùng hoặc tương tự có cơ hội nộp đơn trước, thì văn bằng bảo hộ sẽ được xét cấp cho bên nộp đơn trước đó, và lúc này quyền SHTT của doanh nghiệp sẽ không được bảo hộ, ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và thâm nhập thị trường nước ngoài của họ.
Một lý do khác là khi doanh nghiệp nộp đơn đăng ký quyền SHTT quá muộn thì có thể không được bảo hộ do mất đi tính mới (trong sáng chế và kiểu dáng) của đối tượng đăng ký.
Lý do cuối cùng là liên quan đến quyền ưu tiên trong trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ quyền SHTT của họ ở thị trường nội địa. Trong trường hợp doanh nghiệp nộp đơn quá muộn, khi đã hết thời hạn được hưởng quyền ưu tiên thì sẽ không được hưởng quyền ưu tiên khi đăng ký quyền SHTT của họ ở thị trường nước ngoài, và do đó đối với một số đối tượng SHTT như sáng chế và kiểu dáng sẽ không được bảo hộ do mất đi tính mới.
Do đó, khi có một đối tượng SHTT mới, doanh nghiệp cần cân nhắc và lựa chọn thời điểm đăng ký bảo hộ quyền SHTT của họ sao cho đúng lúc, phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ cũng như các quy định của pháp luật SHTT.
Doanh nghiệp có thể tìm đến các luật sư, các đại diện sở hữu trí tuệ để được tư vấn cụ thể.