Tác giả Nguyễn Long trong bài viết “Thiếu hành lang pháp lý”, được đăng trên An ninh thủ đô ngày 9/3/2012 có ý kiến đóng góp của Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành Công ty luật S&B (S&B Law).
(ANTĐ) - Mới đây, khi lực lượng Cảnh sát Thái Lan tiến hành bóc gỡ một đường dây chuyên đẻ thuê tại nước này mà trong đó liên quan tới 15 phụ nữ Việt Nam đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề nghiêm túc hơn trên cả hai khía cạnh pháp lý và đạo đức.
Xung quanh vụ 15 cô gái Việt Nam đẻ thuê tại Thái Lan:
Khoa học hay đạo đức?
Ngày nay, khi y học đã có những bước tiến vượt bậc thì việc sinh con theo những phương pháp nhân tạo không còn là quá khó. Tiếp cận vấn đề dưới góc độ y học, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có buổi trao đổi với bác sỹ Vũ Bá Quyết - Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Theo bác sỹ Quyết, làm mẹ và được sinh con là quyền thiêng liêng nhất của người phụ nữ. Ngay tại bệnh viện Phụ sản, việc y học can thiệp để nhiều cặp vợ chồng sinh được con cũng không phải là hiếm. Tuy nhiên, khi một số người lạm dụng việc này để kiếm tiền hoặc phục vụ cho những mục đích phi đạo đức thì rất khó kiểm soát bởi chúng ta còn thiếu chế tài. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều quan niệm mang tính truyền thống khiến cho một số hệ lụy nảy sinh.
Trong ngành y từng tồn tại một tranh cãi xung quanh câu chuyện, một phụ nữ sinh con trai đầu lòng khi 50 tuổi nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tế bào trứng và tinh trùng được lấy từ vợ chồng cô con gái 26 tuổi nhưng người vợ mất khả năng sinh sản. Và đây là câu chuyện gây phản ứng mạnh mẽ từ các nhà khoa học và đạo đức học. Tại sao khoa học lại phản đối? Họ cho rằng: Độ tuổi sinh sản lý tưởng nhất của phụ nữ là từ 23 đến 28 tuổi. Việc người phụ nữ 50 tuổi mới mang thai là một việc vô cùng mạo hiểm đối với cả bà và đứa trẻ. Và thực tế đã chứng minh những người mang thai ở tuổi cao hay gặp rắc rối nghiêm trọng về sức khoẻ trong quá trình mang thai.
Luật chưa rõ ràng
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật S&B thì hiện chúng ta vẫn chưa có cách nào giải quyết vấn đề này ngoài 1 văn bản là Nghị định 45/CP ngày 6-4-2005 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi mang thai hộ. Tuy nhiên, ngay cả nghị định cũng chưa chặt chẽ và không đầy đủ về hiện tượng phức tạp cả về mặt y học và xã hội này.
Trong Nghị định 45/CP không định nghĩa khái niệm mang thai hộ là như thế nào. Vậy mang thai hộ được hiểu ra sao? Theo sách báo và tạp chí y học trong và ngoài nước, mang thai hộ là hành vi của một phụ nữ (thường là mẹ, bà, chị em ruột, dì ruột… của người có noãn) nhờ can thiệp của y học hiện đại cấy vào tử cung của mình một phôi thai (đã được thụ tinh bên ngoài) để tạo điều kiện phát triển bình thường thành một thai nhi. Theo như khái niệm này thì trước hết, thai nhi mà người mang thai hộ không thuộc về người đó (về mặt sinh học) mà thuộc về người có noãn đã được thụ tinh từ bên ngoài. Thứ hai, người mang thai hộ không thể tự ý cấy phôi thai này vào trong tử cung của mình mà phải nhờ can thiệp của y học hiện đại.
Như vậy chúng ta không thể phạt người có hành vi mang thai hộ vì hai lẽ: Một là họ không thể tự ý cấy phôi thai vào mình mà phải nhờ cơ sở có thiết bị y tế hiện đại và chuyên gia y tế có chuyên môn. Hai là quyền mang thai và có con là một quyền năng thiêng liêng của người phụ nữ được Nhà nước bảo đảm bằng các biện pháp tốt nhất từ y tế đến pháp luật nhằm duy trì sức khoẻ sinh sản và chất lượng dân số. Do đó đối tượng bị phạt phải là tổ chức hoặc cá nhân đã tiến hành giúp người khác mang thai hộ mới đúng.
Và những hệ lụy…
Thực tế khoa học hiện nay hoàn toàn cho phép một người trong độ tuổi sinh sản có thể tách noãn (hoặc tinh trùng) của mình ra “để dành” trong ngân hàng đông lạnh bảo quản và cho thụ thai lúc nào họ muốn. Việc này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của giới nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp chưa có điều kiện “đẻ” nhưng vẫn muốn giữ những thứ “chất lượng di truyền” cho thế hệ sau.
Và câu chuyện này sẽ chẳng có gì để nói khi xã hội ngay lập tức sản sinh ra nhóm người sẵn sàng đẻ hộ hoặc đẻ thuê theo yêu cầu. Và ngay lập tức sẽ có những người khác có tiền nhưng ngại “đẻ”, ngại bị bó buộc bởi gia đình truyền thống nhưng vẫn muốn có con, sẵn sàng bỏ tiền “thuê”. Xã hội truyền thống với hệ thống đạo đức gia đình sẽ bị phá vỡ và một loạt các thế hệ trẻ con ra đời mà không cần biết bố hoặc mẹ của chúng là ai (?) .
Thực tế ở thành phố Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua thì đẻ hộ chưa được tài liệu nào nhắc đến. Nhưng đẻ thuê đã có dấu hiệu thành “dịch”. Nhiều bà mẹ đẻ thuê dù đã nhận tiền nhưng nhất quyết không trao con cho người thuê mình dẫn đến những cuộc kiện cáo đau lòng.
Thiết nghĩ, đây chính là những đối tượng cần phải đưa vào điều chỉnh của Nghị định 45/CP nhằm bảo vệ truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Nhưng cũng phải lưu ý, người đẻ thuê vì không có tiền (hoặc vì hoàn cảnh khó khăn nào đó) mà phải chấp nhận đẻ thuê, từ chối đứa con dứt ruột đẻ ra là rất đáng thương. Phạt họ không thể phạt nặng. Còn người đi thuê mới là nguyên nhân chính tạo ra nguồn cầu vi phạm đạo đức và pháp luật cần phải phạt thật nặng.
(sblaw.vn theo anninhthudo)