Thị trường vàng miếng bước vào thời "mở cửa"

Nội dung bài viết

SBLAW xin trân trọng giới thiệu bài viết Thị trường vàng miếng bước vào thời "mở cửa" trên trang thông tin điện tử tổng hợp CAFEF có phần chia sẻ của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

Sau hơn một thập kỷ vận hành theo mô hình độc quyền sản xuất vàng miếng với thương hiệu SJC, thị trường vàng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Việc xóa bỏ thế độc quyền, mở rộng quyền nhập khẩu và sản xuất cho các doanh nghiệp đủ điều kiện không chỉ là bước đi tất yếu nhằm bình ổn giá cả, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, mà còn tạo ra sân chơi cạnh tranh minh bạch, đa chiều hơn trong quản lý và vận hành thị trường vàng.

Dấu chấm hết cho độc quyền, cuộc chơi mới với nhiều "tay chơi" lớn

Kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan duy nhất được phép sản xuất vàng miếng, chọn SJC làm thương hiệu độc quyền. Mô hình này tuy giúp kiểm soát vàng hóa nhưng lại khiến thị trường co hẹp, nguồn cung hạn chế, giá vàng miếng trong nước thường xuyên cao hơn giá thế giới từ 10 đến 20 triệu đồng mỗi lượng.

Trước tình trạng đó, NHNN đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 24, theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất, nhập khẩu vàng miếng. Theo dự thảo, các doanh nghiệp cần có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng, hệ thống quản lý chất lượng, cơ sở vật chất và kinh nghiệm kinh doanh vàng tối thiểu ba năm. NHNN vẫn giữ vai trò quản lý nhà nước về chất lượng, nguồn cung và cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan duy nhất được phép sản xuất vàng miếng, chọn SJC làm thương hiệu độc quyền.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan duy nhất được phép sản xuất vàng miếng, chọn SJC làm thương hiệu độc quyền.

Chia sẻ với báo giới ngày 8/7, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, cơ quan này đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Dự thảo đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy quản lý thị trường vàng hiện nay. Dự thảo Nghị định không chỉ cập nhật các khái niệm pháp lý mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh sang các hoạt động liên quan đến vàng trang sức mỹ nghệ, vàng nguyên liệu và vàng miếng. Đặc biệt là đề xuất chấm dứt cơ chế độc quyền Nhà nước trong sản xuất vàng miếng, từ đó tạo điều kiện cho thị trường phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh hơn. Thêm vào đó, các điều kiện cấp phép kinh doanh vàng cũng được siết chặt, đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát để đảm bảo tuân thủ pháp luật và minh bạch hoạt động trên thị trường.

Việc có thêm các thương hiệu vàng miếng được cấp phép song song với SJC sẽ góp phần làm đa dạng hóa nguồn cung, gia tăng lựa chọn cho người tiêu dùng và phá thế độc quyền kéo dài hơn một thập kỷ. Mỗi thương hiệu sẽ phải công bố công khai tiêu chuẩn về hàm lượng, trọng lượng, ký hiệu chống làm giả, đồng thời chịu sự kiểm định chặt chẽ của cơ quan quản lý.

Theo các chuyên gia, chấm dứt độc quyền không đồng nghĩa buông lỏng quản lý. Ngược lại, cơ chế mới đòi hỏi những "tay chơi" lớn tham gia phải thực sự có năng lực tài chính, công nghệ, uy tín và khả năng tuân thủ quy định. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, việc mở rộng quyền tham gia sản xuất vàng miếng ra ngoài khu vực Nhà nước cần đi kèm với một hành lang pháp lý đủ chặt chẽ để vừa kiểm soát được rủi ro, vừa đảm bảo thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch SBLAW

Tác động đa chiều tới thị trường và người tiêu dùng 

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường vàng bước sang một giai đoạn mới với những chuyển động tích cực. Người tiêu dùng sẽ không còn phải lệ thuộc vào duy nhất thương hiệu SJC, vốn có mức chênh lệch giá mua - bán lớn, thanh khoản bị hạn chế. Thay vào đó, họ có thể lựa chọn giữa nhiều thương hiệu vàng miếng uy tín với mức giá cạnh tranh và chất lượng được đảm bảo.

Đối với doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị vàng, từ nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất đến phân phối. Những doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí có thể mở rộng hệ thống phân phối, phát triển thương hiệu, đồng thời tạo ra nhiều việc làm và đóng góp vào tăng trưởng ngành kim hoàn.

Về phía Nhà nước, việc đa dạng hóa nguồn cung và minh bạch hóa quản lý giao dịch vàng sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, đồng thời tăng khả năng giám sát dòng chảy vàng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng nhận định, dù lộ trình mở cửa thị trường vàng đang được đẩy nhanh, nhưng việc triển khai thành công không hề đơn giản. Theo chuyên gia tài chính quốc tế Nguyễn Trí Hiếu, NHNN cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vàng miếng thống nhất và giám sát hiệu quả hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối vàng miếng bằng hệ thống công nghệ số hóa, dữ liệu hóa giao dịch, hóa đơn điện tử…Đồng thời kiểm soát và ngăn chặn vàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường khi số lượng thương hiệu tăng lên. Điều này đòi hỏi phối hợp giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Với quyết tâm chính trị cao và lộ trình rõ ràng, thị trường vàng Việt Nam nửa cuối năm 2025 được kỳ vọng sẽ ổn định hơn, minh bạch hơn và mang tính thị trường cao hơn. Dự kiến đến cuối quý III, sẽ có thêm một số doanh nghiệp được cấp phép sản xuất vàng miếng và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường. Giá vàng SJC có thể tiếp tục giảm thêm để thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Chắc chắn sự ra đời của các thương hiệu mới sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, giúp hạ chi phí mua bán và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người tiêu dùng.

Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng nếu có thể thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia, thúc đẩy đầu tư qua kênh chứng chỉ vàng hoặc hợp đồng tương lai, Việt Nam có thể tiến gần hơn tới mô hình quản lý vàng hiện đại như các nền kinh tế lớn, giảm bớt sự phụ thuộc vào vàng vật chất trong dân cư.

Có thể thấy, cuộc cải tổ thị trường vàng đang diễn ra đúng lúc và đúng cách, thể hiện nỗ lực làm lành mạnh hóa thị trường tài chính - tiền tệ. Việc chấm dứt độc quyền sản xuất vàng miếng không chỉ góp phần bình ổn giá vàng, mà còn mở ra một giai đoạn phát triển mới với sự tham gia rộng rãi hơn của khu vực tư nhân. Nếu lộ trình được thực hiện bài bản, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, thị trường vàng Việt Nam sẽ không còn là "ốc đảo" đắt đỏ so với thế giới, mà trở thành kênh đầu tư minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn trong tương lai gần./.

Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư tư vấn tài chính ngân hàng

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan