Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là nơi mà các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư, tạo ra một phương thức tài chính quan trọng trong hoạt động kinh doanh và phát triển. Dưới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời cơ quan truyền thông về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.
Câu 1: Thưa ông, tại một cuộc họp cuối tháng 11/2023, Bộ Tài chính đã nêu quan điểm muốn triển khai đầy đủ Nghị định 65, đồng nghĩa, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu sẽ được áp dụng từ 1/1/2024. Theo lý giải của Bộ Tài chính, qua 8 tháng triển khai Nghị định 08, nhà đầu tư chứng khoán đã tích luỹ đủ thời gian 180 ngày đáp ứng yêu cầu của Nghị định 65; về vấn đề xếp hạng, sẽ có ít doanh nghiệp phải xếp hạng bắt buộc dù áp dụng Nghị định 65; quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày sẽ giúp hạn chế hiện tượng chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua trái phiếu riêng lẻ. Ông bình luận như thế nào về quan điểm và các lý giải trên? Theo ông, thời điểm 2024 đã thích hợp cho nhiều hành động quyết liệt để lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa và vì sao?
Trả lời:
Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân không phải là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu, tăng cường tính an toàn và bền vững của thị trường TPDN. Điều này giúp thắt chặt tiêu chí, nâng cao chất lượng tín nhiệm của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt sẽ tăng cường tính an toàn và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thời điểm 2024 thích hợp cho nhiều hành động quyết liệt để lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi vì, thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2024 được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng trưởng. Nhằm xúc tiến nâng cao thị trường cần có những hành động quyết liệt để lành mạnh hóa thị trưởng TPDN vào năm 2024. Thực thi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ là một cuộc sàng lọc cần thiết, qua đó sẽ lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bên cạnh việc ban hành các quy định quyết liệt lành mạnh hóa thị trường trái phiếu Nhà nước cần có những quy định đảm bảo, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp.
Câu 2: Phản ứng trước các thông tin này, nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục cất lời than khó. Họ tiếp tục bày tỏ lo ngại về nguồn tín dụng, bởi nếu áp dụng đầy đủ Nghị định 65, kênh huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp và kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo ông, cái lý và điều chưa hợp lý của họ là gì? Liệu có một giải pháp vừa đảm bảo việc quản lý chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ, vừa đảm bảo quyền lợi tiếp cận vốn trung và dài hạn thông qua kênh huy động trái phiếu của doanh nghiệp BĐS nói riêng và khối doanh nghiệp nói chung hay không? Xin ông phân tích cụ thể?
Trả lời:
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lo ngại về nguồn tín dụng khi áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP kênh huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp và kiểm soát chặt chẽ hơn. Điều này hoàn toàn có thể bởi mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng.
Tuy nhiên, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó (khoản 2 Điều 5). Quy định này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con/liên kết để phát triển dự án. Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi sẽ phần nào làm giảm áp lực đáo hạn trái phiếu cho doanh nghiệp. Sẽ rất khó khăn để tìm được giải pháp vừa đảm bảo việc quản lý chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ, vừa đảm bảo quyền lợi tiếp cận vốn trung và dài hạn thông qua kênh huy động trái phiếu của doanh nghiệp BĐS nói riêng và khối doanh nghiệp nói chung.
Câu 3: Kể cả khi Nghị định 65 được triển khai đầy đủ, các quy định về thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác và các trái phiếu đã phát hành trước khi Nghị định 65 có hiệu lực được đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 2 năm vẫn tiếp tục được áp dụng. Tuy nhiên, chúng ta mới đang thấy được mặt tích cực giúp ổn định thị trường của các quy định này. Đến thời điểm 2025, hiệu quả thực sự của các giải pháp này mới được chứng minh đầy đủ. Theo ông, chúng ta có nên lường trước điều này và có các biện pháp ứng phó trước ngay từ thời điểm 2024 không? Xin ông nêu một vài gợi ý.
Trả lời:
Thực tế cho thấy, hiệu quả thực sự của các giải pháp nêu trên đến thời điểm 2024 mới được chứng minh đầy đủ. Do đó, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu: cần có trách nhiệm đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu; chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp; có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Đối với các nhà đầu tư, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật; tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu; đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành; phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng; đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ cần có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ; tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo; tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu; làm rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, …
Câu 4: Rất nhiều quan điểm cho rằng, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh ổn định, ngoài khung pháp lý chuẩn mực, phù hợp thông lệ quốc tế, cần xử lý nghiêm minh và có tính răn đe các hành vi vi phạm. Quan điểm của ông như thế nào? Chỉ đạo về việc tiến tới rà soát và làm sạch nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán được ủng hộ và nhiều ý kiến cho rằng, thông qua đó, các sai phạm liên quan tới mua bán trái phiếu riêng lẻ cũng sẽ lộ sáng. Có nên coi đây là một cơ hội để răn đe người làm sai, ngăn ngừa các sai phạm tương tự trong tương lai?
Trả lời :
Các trường hợp vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây ảnh hưởng lớn tới niềm tin thị trường, các hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế. Nếu không xử lý nhanh chóng và kịp thời, thị trường sẽ khó có thể phát triển minh bạch và hiệu quả.
Có thể thấy, các doanh nghiệp vi phạm sau các vụ việc này cần rút kinh nghiệm và có nhận thức rõ ràng. Đồng thời, nhà đầu tư tích luỹ qua đây rút ra được nhiều kiến thức cho mình. Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không chỉ liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp, mà còn do rủi ro thị trường khiến doanh nghiệp không trả được nợ. Do đó, việc phân tích rủi ro của doanh nghiệp từ phía nhà đầu tư là điều quan trọng.
Việc Chính phủ gần đây yêu cầu Uỷ ban chứng khoán Nhà nước kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch người tham gia giao dịch chứng khoán có thể khiến các sai phạm liên quan tới mua bán trái phiếu riêng lẻ lộ sáng. Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, hàng loạt vụ việc thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bằng cách sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để giao dịch đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Vì vậy, việc rà soát, xác thực và làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán, trong đó bao gồm thông tin người thân tham gia giao dịch chứng khoán đã và đang được các thành viên thị trường đặt nhiều kỳ vọng. Đây được coi là một cơ hội để ngăn ngừa các sai phạm tương tự trong tương lai.