Thị trường M&A sụt giảm trong năm 2023

Nội dung bài viết

M&A (Mergers - Sáp nhập và Acquisitions - Mua lại) là một trong những xu hướng đang phát triển của thị trường kinh doanh. Mời quý khách theo dõi phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề thị trường M&A tại Việt Nam hiện nay.

Câu hỏi 1: Chào ông, đầu tiên ông có thể đưa ra nhận định, đánh giá về thị trường M&A Việt Nam những năm gần đây?

Trả lời:

Năm 2021, bất chấp sự hoành hành của dịch Covid-19 thị trường M&A Việt Nam đạt đỉnh nhiều giao dịch lớn, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử thị trường M&A Việt Nam. Đến năm 2022 thị trường M&A có sự chững lại, trong 10 tháng đầu năm 2022, các hoạt động M&A có chiều hướng đi xuống. Nguyên nhân một phần là do đại dịch kéo dài, một phần do các bên tham gia giao dịch M&A có xu hướng thận trọng hơn, lo ngại về địa chính trị trên toàn cầu cùng nguy cơ về lạm phát cao gây ảnh hưởng đến các giao dịch xuyên quốc gia. Nhưng trong năm 2022 vẫn ghi nhận các doanh nghiệp trong nước tiếp tục chiếm lĩnh thị trường M&A tại Việt Nam. Đến năm 2023, đặt trong bối cảnh chung của thị trường M&A toàn cầu có sự giảm nhiệt, thị trường M&A Việt Nam cũng không tránh khỏi điều này.

Tuy nhiên vẫn có thể thấy rằng thị trường M&A Việt Nam trong những năm gần đây đã trải qua sự phát triển tích cực có nhiều tiến bộ về chất lượng và nhiều triển vọng sắp tới. Quy định pháp lý và môi trường kinh doanh đã được cải thiện, thuận lợi cho các giao dịch M&A. Tình hình chính trị, tình hình tài chính và tăng trưởng kinh tế ổn định, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng cũng là yếu tố tích cực, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư.

Thị trường M&A Việt Nam - Ls Nguyễn Thanh Hà
Thị trường M&A Việt Nam - Ls Nguyễn Thanh Hà

Câu hỏi 2: Năm 2023 ghi nhận có 265 giao dịch M&A, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ. Theo ông, nguyên nhân do đâu? Thị trường đang có những thuận lợi và khó khăn gì?

Trả lời:

Sau thời kỳ thăng hoa, thị trường M&A toàn cầu trong năm 2023 đã trải qua sự giảm nhiệt, và Việt Nam không phải là ngoại lệ trong bức tranh này. Điều này được coi là kết quả không thể tránh khỏi trước những biến động không lường trước của đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát, lãi suất ở mức cao kỷ lục, cùng với tình hình thương mại căng thẳng và xung đột địa chính trị,... Tuy nhiên sự sụt giảm tạm thời trong lĩnh vực M&A này có thể được hiểu như một phần của chu kỳ kinh tế tổng thể, và năm 2023 có thể nhìn nhận như một giai đoạn thị trường đang điều chỉnh để đạt được sự cân bằng, từ đó hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Những thuận lợi và khó khăn trên thị trường

Thuận lợi:

Khi thị trường khó khăn, cũng là lúc thích hợp để nhiều doanh nghiệp trong nước nhìn nhận lại chiến lược của mình, tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, tập trung tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng dài hạn hơn, bền vững hơn. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn con đường M&A hơn để có thể xây dựng các chiến lược, kế hoạch bài bản để tìm kiếm đối tác chung tay cùng phát triển. Từ đó các doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.

Khó khăn:

Hoạt động M&A và giá trị giao dịch toàn cầu bị đình trệ khi các nhà đầu tư đối mặt với những bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô trên toàn thế giới, cùng với tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng, đã và đang ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, phần nào khiến họ thận trọng hơn. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, dẫn đến lãi suất tăng cao, cũng đã tác động đến các thị trường mới nổi, khiến việc tiến hành các giao dịch trở nên đắt đỏ hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giao dịch trên thị trường.

Thuận lợi và khó khăn của thị trường M&A Việt Nam hiện nay
Thuận lợi và khó khăn của thị trường M&A Việt Nam hiện nay

Câu hỏi 3: Theo ông, chúng ta có thể kỳ vọng vào sức bật mới cho thị trường trong thời gian tiếp theo khi những chính sách trợ lực, khơi thông cho thị trường phát huy tác dụng không?

Trả lời:

Bên cạnh nỗ lực của tự thân doanh nghiệp, Chính phủ cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp đưa kinh tế vào đà tăng trưởng trở lại, đã có nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp được triển khai, trong đó tập trung chủ yếu vào việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách. Với mục đích kích thích nền kinh tế và nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào năm 2024. Các công tác hoàn thiện thể chế, chính sách đang được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động M&A. Chính phủ Việt Nam cũng đang tiếp tục nghiên cứu để có phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả trước vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia.

Theo đó, chúng ta có thể kỳ vọng rằng sự triển khai mạnh mẽ và hiệu quả của những biện pháp này sẽ đóng góp quan trọng vào việc khôi phục nhanh chóng và bền vững của nền kinh tế, không chỉ trong năm 2024 mà còn trong thời gian dài tiếp theo. Khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, niềm tin của người tiêu dùng tăng cao, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và có thể thấy sự gia tăng đáng kể trong hoạt động đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ tạo ra một sự sôi động trong lĩnh vực M&A tại Việt Nam trong thời gian tới.

5/5 (1 Review)

Bài viết liên quan