Theo các chuyên gia, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã cụ thể hóa các quy định của quyền sở hữu đối với một loại tài sản vô hình là tài sản SHTT (quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng), trong đó:

Luật SHTT đã đưa ra các căn cứ xác lập quyền SHTT, cơ chế xác lập quyền nhằm bảo vệ tối đa quyền của chủ sở hữu, như: quyền tác giả và quyền liên quan được xác lập và bảo hộ hoàn toàn “tự động”, chứ không cần phải đăng ký xác lập quyền với điều kiện đối tượng quyền tác giả phải được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định mà không phải chỉ là những ý tưởng trong đầu tác giả quy định tại Điều 6 Luật này; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng chỉ được xác lập trên cơ sở đăng ký xác lập quyền và đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ, quy định tại Điều 90, 91…

Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi - Ảnh minh họa

Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi - Ảnh minh họa

Ngoài ra, Luật SHTT cũng đặt ra một số giới hạn của chủ sở hữu tài sản SHTT để bảo vệ lợi ích công cộng, bảo vệ an ninh, quốc phòng, trong một số trường hợp: tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình,…, việc sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc đối với sáng chế, chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW, những quy định của pháp luật hiện hành về SHTT vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập điển hình sau:

Thứ nhất, khoản 4 Điều 19 Luật SHTT quy định tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Quy định này dễ gây hiểu nhầm, mà theo đó, tác giả chỉ có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khi hành vi đó gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả, còn nếu không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì không sao, vì vậy, nên tình trạng cắt xén nội dung tác phẩm của tác giả này, tác giả kia để biến thành sản phẩm “trí tuệ” của chính mình đang diễn ra tương đối nhiều.

Thứ hai, khoản 1 Điều 20 Luật SHTT có quy định về quyền tài sản, tuy nhiên, những quy định của Luật SHTT rất chung chung, cần phải được cụ thể hơn nữa trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

Thứ ba, Điều 72 Luật SHTT quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Như vậy, phạm vi dấu hiệu được công nhận là nhãn hiệu hàng hóa vẫn rất hẹp và không tương thích với quy định của Hiệp định TRIPs. Trong khi đó, theo các văn bản pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia, các dấu hiệu có thể được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa được quy định rất rộng.

Theo đó, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, như sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất - nhập khẩu và liên quan tới nhiều thành phần kinh tế,

Các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ diễn ra đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, như sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất - nhập khẩu và liên quan tới nhiều thành phần kinh tế - Ảnh minh họa

Còn theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, các quy định về thực thi quyền trong môi trường số hay xử lý tên miền vi phạm pháp luật SHTT chưa được cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong xử lý. Nhiều điều luật gây ra những bất cập, từ quy định về chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Cụ thể, theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì “người biểu diễn có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn," trong khi Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “… trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn". Quy định hiện hành đã hạn chế quyền của người biểu diễn, đồng thời gây nhầm lẫn giữa quyền của người biểu diễn và bên đầu tư.

"Một số quy định liên quan đến các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp còn phức tạp và chưa hoàn toàn hợp lý. Đây là một trong những nguyên nhân làm kéo dài thời gian thẩm định đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân. Quy định về thời hạn tiếp nhận và xử lý ý kiến của người thứ ba quá dài và không tách bạch giữa việc cung cấp thông tin về đơn và phản đối đơn; yêu cầu đối với hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phức tạp, khó thực hiện đối với người nộp đơn nhưng không thực sự cần thiết trong thực tiễn thẩm định. Phạm vi đơn đăng ký sáng chế phải chịu kiểm soát an ninh quá rộng. Những đặc thù của lĩnh vực sở hữu công nghiệp chưa được quy định khi áp dụng các quy định của Luật Khiếu nại để giải quyết khiếu nại trong thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp...", Luật sư Hiệp phân tích.

Nguồn: https://enternews.vn/the-che-hoa-quyen-so-huu-tai-san-han-che-trong-thuc-thi-quyen-so-huu-tri-tue-190717.html