THANH LỌC THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: GẠN ĐỤC KHƠI TRONG

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên Tọa đàm trực tuyến của Tòa soạn VnEconomy. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Nguyễn Thanh Hà - Công ty luật SB Law - Luật sư, Tư vấn luật, Văn phòng luật Hà Nội
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law
Câu hỏi: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW: Có ý kiến cho rằng, chắc chắn sau động thái thanh lọc thị trường vừa qua, về mặt khung khổ quản lý, sẽ phải thiết kế lại và/hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, khá nhiều nhà đầu tư cho rằng, tới đây, về mặt quản lý sẽ siết chặt lại, không gian hoạt động của thị trường ngày càng chật chội, ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?

Trả lời:

Trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.

Việc thiết kế lại và/hoặc sửa đổi, bổ sung các khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho phù hợp với diễn biến của thị trường không, siết chặt quản lý không có nghĩa là làm cho không gian hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên chật chội hơn mà đây là động thái can thiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp; trong đó, tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Mục tiêu là xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái để bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đây là hành động cần thiết của cơ quan quản lý vì những năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp rất hiếm chảy vào sản xuất, chủ yếu rót vào lĩnh vực có tính đầu cơ cao là bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản liên tục nâng lãi suất cao để huy động trái phiếu bằng mọi giá nhằm góp vốn, đảo nợ, mua dự án…, khiến doanh nghiệp sản xuất khó huy động vốn. Điều này khiến vốn cho sản xuất bị hạn chế, trong khi các khu vực đầu cơ ngày càng tăng mạnh, gây bất ổn cho nền kinh tế.

Câu hỏi: Có ý kiến cho rằng: quản lý chặt thì kêu khó hoạt động, lỏng thì lách và được ngụy trang dưới cụm từ “được phép làm những gì luật không cấm” và từ đây, có thể dẫn tới tác hại cho thị trường. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay pháp luật quy định đối với hoạt động phát hành, chào bán, sử dụng vốn huy động của trái phiếu doanh nghiệp còn khá lỏng lẻo. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu không sử dụng vốn đúng mục đích như đã cam kết mà sử dụng vào nhiều mục đích khác. Thậm chí cam kết huy động vốn cho dự án đầu tư xây dựng nhưng thực tế lại sử dụng vốn huy động để đảo nợ, mua cổ phần doanh nghiệp khác, kinh doanh chứng khoán… tiềm ẩn nguy rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.

Khung pháp lý đối với thị trường trái phiếu thứ cấp giao dịch trái phiếu riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chưa hiện thực sự hoàn thiện dẫn đến khó quản lý. Mặc dù Nghị định số 153 của Chính phủ về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, có quy định về việc tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Chính điều này tạo điều kiện để nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn – đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ “lách luật” tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Theo quy định trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về các rủi ro. Tuy nhiên, sau khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các nhà đầu tư chuyên nghiệp lại có thể giao dịch bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân, không chuyên trên thị trường sơ cấp tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư riêng lẻ.

Hiện pháp luật chưa quy định đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có tài sản đảm bảo, xếp hạng tín nhiệm… điều này dẫn đến tình trạng phổ biến loại hình trái phiếu doanh nghiệp không tài sản đảm bảo – không xếp hạng tín nhiệm – không bảo lãnh trong thời gian qua.

Các quy định pháp luật còn lỏng lẻo khiến cho doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để che giấu thông tin hoặc sử dụng dòng tiền sai với nội dung công bố. Tuy nhiên, nếu quy định của pháp luật quá chặt chẽ, dẫn đến việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhằm huy động vốn tốn thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có cơ chế thị trường để doanh nghiệp tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu.

Câu hỏi: Thêm một vấn đề khác: Đối với thị trường bất động sản, dường như mỗi lần chính sách tín dụng ngân hàng thắt chặt đều dẫn đến phản ứng tiêu cực, ví dụ như thanh khoản thấp, thậm chí đóng băng. Hiện nay, dư nợ tín dụng bất động sản trực tiếp khoảng 20,11%/tổng dư nợ, chưa tính và một lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản do các tổ chức tín dụng cung cấp tài chính trá hình. Nếu sắp tới, chính sách tín dụng tiếp tục thắt chặt, xin hỏi luật sư Nguyễn Thanh Hà, hệ lụy ở đây là gì?

Trả lời:

Nếu chính sách tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản tiếp tục bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản sẽ tích cực sử dụng phương pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp như một phương pháp hiệu quả để huy động vốn. Việc huy động vốn dưới dạng tiền gửi ngân hàng được thực hiện dưới cơ chế giám sát rất chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nhưng việc huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp lại rất lỏng lẻo. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư trong hồ sơ phát hành thông báo huy động tiền từ trái phiếu để hoàn thành một dự án, nhưng trên thực tế lại lấy khoản tiền đó để thực hiện dự án khác hoặc đem tiền đi đầu tư.

3 hình thức đầu tư bất động sản bạn nên tìm hiểu

Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp nên sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định, mà theo quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng trái phiếu tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng vốn huy động sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả nợ, việc vỡ nợ trái phiếu gây ra hệ lụy rất lớn bởi nó không chỉ thiệt hại về tiền bạc của các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của thị trường tài chính, uy tín của thị trường chứng khoán và có thể của cả Chính phủ.

Câu hỏi: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, có một số ví dụ về quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cho là bất cập hiện nay như sau: (i) quy định thời gian phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng có thể lên tới 3 tháng; (ii) tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân chỉ cần đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí gồm: có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Các chuyên gia nói với chúng tôi rằng: (i) Thời gian hoàn thiện hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng có thể lên tới 3 tháng nhưng sau khi được UBCK chấp nhận, doanh nghiệp lại phải họp cổ đông một lần nữa để thông qua. Do đó, các doanh nghiệp đã chọn hình thức “phát hành riêng lẻ” đơn giản hơn và thực tế là tỷ lệ phát hành riêng lẻ luôn lớn gấp 3 – 4 lần tỷ lệ phát hành ra công chúng. (ii) Hơn nữa, nhà đầu tư cá nhân chỉ cần đáp ứng tiêu chí “đăng ký giao dịch chứng khoán tối thiểu 2 tỷ đồng” nên hầu như trên 90% nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trên thị trường lựa chọn tiêu chí này.

Theo luật sư, ông bình luận gì về những ví dụ nêu trên và theo ông, nếu tới đây, cơ quan quản lý sửa đổi về khung pháp lý quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì nên tiếp cận theo hướng nào?

Trả lời:

Thứ nhất, các quy định về thời gian hoàn thiện hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng có thể lên tới 03 tháng và tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân chỉ cần đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí gồm: có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là những lỗ hổng trong quy định của pháp luật trong việc phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Thời gian qua, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư là phát hành cho thấy hình thức phát hành này quá dễ. Trong khi phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban chứng khoán nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành, khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân… Chưa kể, câu chuyện hậu kiểm là doanh nghiệp phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không lại là chuyện khác.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định, mà theo quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng trái phiếu tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

Ngay quy định về các nhà đầu tư chuyên nghiệp là cần vốn khoảng 2 tỉ đồng trở lên thì các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối cũng có thể giúp chuyển thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nói “chuyên nghiệp” nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu biết về doanh nghiệp mà chỉ thông qua kênh môi giới. Chưa kể, các tập đoàn lớn không đứng ra phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua công ty con, không có thương hiệu, còn người mua trái phiếu chỉ nhìn tập đoàn lớn là rất rủi ro…

Điều này dẫn đến tình trạng phổ biến loại hình trái phiếu doanh nghiệp không tài sản đảm bảo – không xếp hạng tín nhiệm – không bảo lãnh được phát hành ra thị trường tràn làn trong thời gian qua. Các nhà đầu tư không có chuyên môn, không am hiểu đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. Ngoài ra, sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không

 Thứ hai, cơ quan quản lý sửa đổi về khung pháp lý quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì nên tiếp cận theo hướng tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích

Trước tiên, cần bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Thứ hai, cần bổ sung quy định về Đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành; cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Tiếp đến, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Ngoài ra, cần sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Cùng với đó, bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành đối với Nghị định 153/2020/NĐ-CP bởi hiện nay mới chỉ có Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Câu hỏi: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, một khoản vay có tài sản bảo đảm bị nhóm 5 (mất vốn) nhưng ngân hàng phải cần tới một Nghị quyết 42 của Quốc hội mới xử lý được, ông có liên tưởng gì đến việc trái chủ có thể đòi nợ là tài sản bảo đảm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được thanh lọc là cơ hội tốt cho nhà đầu tư

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, khi xảy ra các trường hợp nợ xấu không thể thu hồi mà có tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng có thể tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm nếu:

  • Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;
  • Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật.
  • Theo giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật.
  • Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại Nghị quyết.

          Tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng lớn đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng nhiều hơn. Với trái phiếu, trực tiếp chào bán ra công chúng, hay gián tiếp qua phát hành riêng lẻ và được phân phối lại thì không có ý nghĩa nhiều cho việc đánh giá rủi ro/ khả năng thu hồi nợ.

Nếu một doanh nghiệp nhỏ, không tên tuổi, phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm là chính cổ phiếu của công ty đó thì nếu công ty không trả được nợ, giá cổ phiếu có thể không còn giá trị, do cổ đông là người nhận được quyền lợi sau cùng nếu chẳng may doanh nghiệp phá sản. Hoặc như tài sản bảo đảm là nhà xưởng đặc thù trong nhiều trường hợp cũng rất khó bán, bởi thường chỉ bán được cho một số công ty cùng ngành.

Câu hỏi: Thị trường chứng khoán đang giảm điểm liên tục ở các phiên, phải làm gì để tránh hiệu ứng domino đối với trái phiếu doanh nghiệp? 

Trả lời:

Thứ nhất, cần xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vi phạm sẽ được khoanh vùng xử lý thay vì đưa ra những biện pháp cứng rắn áp dụng cho cả ngành

Việc xử lý các đơn vị vi phạm và các vấn đề có liên quan để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ giúp tránh tạo ra những tác động tiêu cực đến không chỉ các tổ chức phát hành thực hiện và chấp hành tốt và minh bạch, mà thậm chí cả các nhà phát hành yếu với rủi ro cao mà họ chủ động minh bạch thông tin.

Việc này cũng tránh được các ảnh hưởng xấu đến tín dụng ngân hàng và sự tác động mang tính làn truyền lan sang cả thị trường chứng khoán như những gì thị trường đã chứng kiến, khi các biện pháp cứng rắn được áp dụng với các nhà phát triển bất động sản tại Trung Quốc.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế cho việc vận hành, đặc biệt sắp xếp lại thị trường. Nghiên cứu điều chỉnh hành lang pháp lý theo hướng điều chỉnh để các đối tượng liên quan, bao gồm: nhà đầu tư, nhà phát hành, các trung gian tài chính, các tổ chức xếp hạng tín dụng, các cơ quan quản lý thực hiện minh bạch hóa thông tin tài chính và tuân thủ những quy chuẩn của pháp luật, cũng như thông lệ quốc tế. Tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với các đối tượng quản lý; tổ chức đoàn kiểm tra về việc thực hiện quy định của pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ ba, hình thành tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ

Thị trường trái phiếu thứ cấp là trái phiếu được giao dịch giữa các nhà đầu tư sau khi được phát hành trên thị trường sơ cấp, có thể được giao dịch trực tiếp giữa các nhà đầu tư hoặc thông qua đại lý. Hình thành tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cũng như giúp thị trường có thông tin về giao dịch trái phiếu sau khi phát hành, giúp doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn minh bạch, hiệu quả, từ đó góp phần hoàn thiện hơn thị trường chứng khoán. Khi nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể sử dụng để thế chấp, cầm cố, bảo lãnh cho các hoạt động vay vốn, giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp…

Thứ tư, xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp

Theo thông lệ quốc tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất cần có sự tham gia của các tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để gia tăng chất lượng trái phiếu giao dịch trên thị trường. Tổ chức thực hiện định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phải có uy tín, nhân sự chất lượng cao, các sản phẩm xếp hạng, đánh giá tin cậy. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, giải pháp trước mắt là liên doanh, liên kết với các tổ chức có tín nhiệm của nước ngoài để thành lập tổ chức trong nước. Tập trung thành lập 1-2 doanh nghiệp là tiền đề để công ty định mức tín nhiệm ra đời.

Câu hỏi: Thông qua buổi thảo luận vừa rồi, ông có kiến nghị gì đối với cơ quan quản lý và lời khuyên đối với các nhà đầu tư? Xin mởi 3 ông:

Trả lời:

* Đối với cơ quan quản lý:

Cần sớm “bít” lại những lỗ hổng trong các quy định pháp luật: bổ sung quy định, điều kiện, trách nhiệm cụ thể đối doanh nghiệp định cụ thể về cơ chế giám sát hoạt động của các đơn vị này trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp tránh việc doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để che giấu thông tin hoặc sử dụng dòng tiền sai với nội dung công bố. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý đối với thị trường trái phiếu thứ cấp trong đó có giao dịch trái phiếu riêng lẻ.

Đặc biệt cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm theo hướng tăng nặng chế tài hành chính, bổ sung chế tài hình sự để có cơ sở áp dụng các biện pháp mạnh tay, tăng cường xử lý hình sự đối với những vụ việc có liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp để răn đe.

Để kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài việc cơ quan quản lý cần giám sát, hậu kiểm dòng vốn doanh nghiệp huy động được sau khi phát hành, mục đích sử dụng vốn, quá trình triển khai dự án…

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đề ra một cơ chế kiểm tra hiệu quả với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngay từ bước gửi hồ sơ, thay vì phát hiện sai phạm và hủy bỏ các thương vụ đã phát hành thành công, gây tâm lý xáo trộn không đáng có cho thị trường.

* Đối với nhà đầu tư:

Trước khi cân nhắc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư cần nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành) và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp (hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn/dài hạn, hệ số luân chuyển hàng tồn kho…).

Nhà đầu tư cần nắm bắt được đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. Ngoài ra, sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan