Câu hỏi: Chào Luật sư, chúng tôi muốn thành lập một Cơ sở Đào tạo nghề sơ cấp tại Tp. Hồ Chí Minh . Luật sư tư vấn cho chúng tôi điều kiện, hồ sơ, thủ tục để thực hiện việc thành lập này. Cảm ơn Luật sư.
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm dến dịch vụ tư vấn của chúng tôi. Liên quan đến vấn đề bạn thắc mắc, chúng tôi xin tư vấn như sau:
1. Ý KIẾN SƠ BỘ
Trên cơ sở trao đổi, để thực hiện thủ tục thành lập cơ sở đào tạo nghề sơ cấp, doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở kế hoạch và Đầu tư TP. HCM.
- Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Sở LĐ-TBXH TP. HCM
1.1 Điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp:
Căn cứ vào Điều 14, Nghị định 143/2016/NĐ-CP, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo sơ cấp. Diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 04 m2/chỗ học;
- Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo.
1.2 Cấp chứng chỉ sau khi kết thúc khóa học:
1.2.1 In, quản lý chứng chỉ sơ cấp:
- Căn cứ mẫu chứng chỉ sơ cấp; mẫu bản sao chứng chỉ sơ cấp quy định tại các Điều 28 và 29 Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH, cơ sở đào tạo sơ cấp thiết kế hoặc lựa chọn mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp, mẫu phôi bản sao chứng chỉ sơ cấp, kèm theo lô gô của cơ sở mình (nếu có).
- Cơ sở đào tạo sơ cấp gửi công văn kèm theo mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp, mẫu phôi bản sao chứng chỉ sơ cấp (mỗi loại 03 bản) về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ sở đào tạo sơ cấp có trụ sở chính để đăng ký xác nhận.
Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của cơ sở đào tạo sơ cấp, kèm theo mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp, mẫu phôi bản sao chứng chỉ sơ cấp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải xác nhận vào từng mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp, mẫu phôi bản sao chứng chỉ sơ cấp. Trường hợp không xác nhận, phải có văn bản gửi cơ sở đào tạo sơ cấp, nêu rõ lý do.
Quá thời hạn trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không xác nhận hoặc không có văn bản trả lời, cơ sở đào tạo sơ cấp được quyền in, sử dụng chứng chỉ sơ cấp, bản sao chứng chỉ sơ cấp theo mẫu phôi đã gửi để đăng ký xác nhận.
- Mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp, mẫu phôi bản sao chứng chỉ sơ cấp đã được xác nhận được lưu giữ tại cơ sở đào tạo sơ cấp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ sở đào tạo sơ cấp có trụ sở chính để quản lý.
- Cơ sở đào tạo sơ cấp tổ chức in chứng chỉ sơ cấp, bản sao chứng chỉ sơ cấp theo mẫu phôi đã đăng ký xác nhận quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này để sử dụng cấp cho người học.
1.2.2 Cấp phát chứng chỉ sơ cấp:
- Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp ký và cấp chứng chỉ sơ cấp cho từng người học được công nhận tốt nghiệp quy định tại Điều 27 Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH này.
- Chứng chỉ sơ cấp chỉ cấp một lần, không cấp lại. Bản sao chứng chỉ sơ cấp được cấp theo yêu cầu của người học.
- Cơ sở đào tạo sơ cấp ghi vào sổ cấp chứng chỉ sơ cấp và sổ cấp bản sao chứng chỉ sơ cấp.
1.3 Trình tự, thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (Khoản 2, Điều 17 Nghị định 143/2016/NĐ-CP):
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính của cơ sở tiếp nhận 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về Tổng cục Dạy nghề để theo dõi, quản lý.
2. PHẠM VI CÔNG VIỆC
2.1 Chuẩn bị các tài liệu trong hồ sơ đơn:
- Thông báo cho Khách hàng về các tài liệu cần thiết;
- Soạn thảo các tài liệu trong hồ sơ;
- Trao đổi với Khách hàng trong việc soạn thảo hồ sơ;
- Điều chỉnh hồ sơ dựa trên ý kiến của khách hàng và cơ quan có thẩm quyền;
- Hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở nhận xét của cơ quan có thẩm quyền.
2.2 Thủ tục cấp phép:
- Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền;
- Theo dõi quá trình cấp phép;
- Cập nhật cho khách hàng về tiến trình cũng như những yêu cầu thêm (nếu có);
- Nhận và bàn giao kết quả thực hiện cho Khách hàng
2.3 Lộ trình thực hiện các công việc trên có thể được mô tả chi tiết như sau:
- Chuẩn bị hồ sơ: Thời gian soạn hồ sơ trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày Quý công ty cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin theo yêu cầu của SB Law.
- Nộp hồ sơ: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chúng tôi sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.
- Quy trình cấp phép:
- Đăng ký thành lập doanh nghiệp: Trong vòng 07 – 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
- Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Trong vòng 20 - 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
3. PHÍ DỊCH VỤ
- Phí dịch vụ cho các công việc nêu trên là:6.000 USD (Bằng chữ: Sáu nghìn Đô la Mỹ).
- Lưu ý: Chi phí chưa bao gồm 10% Thuế Giá trị gia tăng, và chi phí có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.