Thận trọng với quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Nội dung bài viết

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đề xuất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Vậy việc này khi đưa vào thực tiễn sẽ được thực hiện như thế nào và gặp phải những khó khăn gì? Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những quan điểm chia sẻ về vấn đề này trên tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để “an cư, lạc nghiệp”, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây đã có thêm quy định: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên Công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua”.

Tiếp tục ghi nhận ý kiến về quy định mới này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

PV: Trong chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa quaQuốc hội đã tiến hành Thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận là về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 Điều 81 và khoản 3 Điều 89). Luật sư nhìn nhận như thế nào về điểm mới của quy định này trong Luật Nhà ở?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, các thành viên công đoàn và không phải là một tổ chức kinh tế. Vì vậy, trao quyền cho Tổng liên đoàn trong trường hợp này là không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của tổ chức này.

Trong khi đó, nếu làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là đang tham gia vào hoạt động kinh tế. Mặc dù Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định hạn chế việc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc các tổ chức này tham gia hoạt động kinh tế thì cần cân nhắc và thận trọng vì sẽ có nhiều ảnh hưởng đến nhiệm vụ, mục tiêu chính của tổ chức, chế độ sở hữu vốn, chế độ tài chính và môi trường kinh doanh chung.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp nên sẽ thiếu cơ sở pháp lý để triển khai trên thực tế. Do đó, vấn đề này cần cẩn trọng xem xét trước khi thông qua.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

PV: Tại khoản 3 Điều 77 Dự thảo Luật Nhà ở có xác định về hình thức phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp, mua, thuê, thuê mua…”, có nghĩa là làm nhà ở xã hội để bán. Theo Luật sư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nên làm nhà ở xã hội để bán không hay chỉ nên làm cho người lao động thuê? Bởi theo như quy định mới này thì Tổng Liên đoàn được xác định như một đơn vị kinh doanh bất động sản bình thường không phải đơn thuần là tổ chức chính trị - xã hội?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Theo tôi, nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản và trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Trong Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có nói rõ: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này".

Nếu Tổng liên đoàn muốn tham gia vào dự án nhà xã hội sẽ phải đáp ứng các điều kiện riêng và ở mỗi dự án, sẽ phải thành lập một công ty dự án để phát triển dự án nhà xã hội.

Về vấn đề có nên làm nhà để bán hay chỉ để thuê thôi, theo quan điểm của tôi, thì những người lao động có xu hướng là thuê để ở trong một khoảng thời gian hơn là mua đứt.

"Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thu phí của người lao động bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng với kinh phí này chuyển sang kinh doanh làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cạnh tranh với doanh nghiệp bất động sản là điều bất hợp lý".

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà - 

Ngoài ra, hiện nay theo quy định của Chính phủ thì các địa phương sau 15 năm hoạt động có thể chuyển đổi các khu công nghiệp thành khu đô thị, thương mại dịch vụ.

Do vậy, có thể quy định sau khi mà các khu công nghiệp chuyển đổi sang thành khu đô thị thì mới nên cân nhắc việc bán nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có nhu cầu và ưu tiên cho những người hiện đang thuê tại đây.

 

PV: Điều 77 Dự thảo Luật Nhà ở cũng giới hạn phát triển nhà ở xã hội chỉ cho đoàn viên công đoàn, vậy những người công nhân, người lao động vì một lý do nào đó chưa phải là đoàn viên công đoàn thì họ sẽ không được quyền mua nhà ở xã hội. Như vậy, Luật đang bỏ sót một đối tượng công nhân, người lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn, thưa Luật sư?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay, theo quy định tại Điều 77 Dự thảo Luật Nhà ở cũng giới hạn phát triển nhà ở xã hội chỉ cho đoàn viên công đoàn, vậy những người công nhân, lao động vì một lý do nào đó chưa phải là đoàn viên công đoàn thì họ sẽ không được quyền mua nhà ở xã hội. Như vậy, có thể thấy Luật đang bỏ sót một đối tượng công nhân, lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn.

Ngoài ra, Luật cũng đang giới hạn đối tượng là đoàn viên công đoàn đang làm việc tại khu công nghiệp mới có quyền mua nhà ở xã hội còn đoàn viên công đoàn làm việc tại các cụm công nghiệp sẽ không được mua.

Thiết nghĩ, Dự thảo Luật cần quy định mở rộng nhà ở xã hội tại khu thiết chế công đoàn để cho công nhân, lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn thuê. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong sinh hoạt cũng như làm việc. Chứ không chỉ bó hẹp phải là đoàn viên công đoàn lao động tại các khu công nghiệp.

Khu Thiết chế Công đoàn Hà Nam cũng từng trong tình cảnh bỏ hoang lãng phí. (Ảnh: Ngọc Tiến)
Khu Thiết chế Công đoàn Hà Nam chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. (Ảnh: Ngọc Tiến)

PV: Theo phân tích của Luật sư, nếu thực hiện quy định mới này của Luật Nhà ở sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ, mục tiêu chính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra sao?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Nếu thực hiện quy định mới này của Luật Nhà ở thì mục tiêu chính của Tổng liên đoàn lao động sẽ có thay đổi những điểm sau:

Thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân

Thứ hai, khoản 3 Điều 77 Dự thảo Luật Nhà ở có xác định về hình thức phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp, mua, thuê, thuê mua…”, có nghĩa là làm nhà ở xã hội để bán.

Mà như trên đã phân tích, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chính là tham gia xây dựng chính sách và đại diện để bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động, các thành viên công đoàn.

Trong khi đó, nếu làm chủ đầu tư dự án nhà ở là đang tham gia vào hoạt động kinh tế. Điều này có nghĩa, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thu phí của người lao động bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng với kinh phí này chuyển sang kinh doanh làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cạnh tranh với doanh nghiệp bất động sản là điều bất hợp lý. Như vậy, dù mục tiêu hành động là tốt, nhân văn nhưng vẫn trái với tôn chỉ, mục đích của Tổng Liên đoàn thì cần xem xét lại.

Đây là vấn đề lớn, hệ trọng, không chỉ liên quan đến tính khả thi của chính sách mà cả đối với việc sử dụng tài chính Công đoàn. Nếu sử dụng nguồn thu phí công đoàn để thực hiện hoạt động đầu tư khi mà hoạt động này tiềm ẩn khả năng không bảo toàn nguồn vốn thì sẽ ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác của Công đoàn, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các công đoàn viên.

Theo quan điểm của tôi, những dự án nhà xã hội nên huy động những doanh nghiệp có kinh nghiệm về phát triển loại hình này, tạo cơ chế cho họ để triển khai nhanh, tiết kiệm và tránh lãng phí.

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phải là một chủ thể có năng lực phát triển, quản trị và kinh doanh bất động sản, do đó phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có thể gây rủi ro đối với tài chính Công đoàn, gây thất thoát, lãng phí".

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà - 

 

PV: Thưa luật sư, thực tế cho thấy thời gian vừa qua, các thiết chế công đoàn mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Có ý kiến cho rằng, năng lực thực hiện các thiết chế công đoàn yếu, nếu thí điểm để Tổng Liên đoàn Lao động làm nhà ở xã hội, sau hỏng hoặc thua lỗ ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Quan điểm của luật sư ra sao?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay, việc đề xuất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng nhà ở xã hội cũng vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, nguyên nhân một phần là do thiết chế công đoàn chưa phát huy được hiệu quả, trường hợp Tổng Liên đoàn Lao động được giao đặc quyền để đầu tư các dự án nhà ở xã hội có thể tạo ra nguy cơ lãng phí nguồn lực.

Bởi vì: Thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phải là tổ chức kinh tế, vấn đề tháo gỡ chính sách để chủ thể này tham gia với tư cách chủ đầu tư vẫn chưa có một giải pháp toàn diện.

Thứ hai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phải là một chủ thể có năng lực phát triển, quản trị và kinh doanh bất động sản, do đó phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có thể gây rủi ro đối với tài chính Công đoàn, gây thất thoát, lãng phí.

Trong trường hợp, trong thời gian làm nhà ở xã hội gây ra thua lỗ, chính những người đứng đầu Tổng Liên đoàn lao động sẽ phải chịu trách nhiệm về những thất thoát này.

Vì vậy, tôi cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét, đánh giá kỹ việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Luật sư!

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan