Câu hỏi:
Luật sư tư vấn trường hợp mở thẩm mỹ mà không được cấp phép, làm biến dạng khuôn mặt người khác thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định hiện hành, nếu các cơ sở muốn cung cấp dịch vụ thẩm mỹ thì phải đáp ứng theo quy định tại Khoản 12 Điều 40 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật khám bệnh, chữa bệnh như sau:
“12. Cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ dưới đây hoặc có sử dụng sản phẩm có tác dụng dược lý phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa:
- a) Dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm:
– Làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân nặng (giảm béo, giảm mỡ cơ thể);
– Khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình theo ý muốn đối với các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người);
– Tái tạo, phục hồi tế bào hoặc bộ phận hoặc chức năng cơ thể người.
- b) Dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.”
Về trường hợp cơ sở thẩm mỹ hoạt động không có giấy phép, gây biến dạng khuôn mặt khách hàng, cần xem xét các khía cạnh pháp lý sau đây:
Thứ nhất, về biện pháp xử phạt hành chính:
Theo quy định pháp luật, cơ sở thẩm mỹ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, căn cứ điểm a khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
“Điều 39. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
[…]
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;”
Trường hợp mở thẩm mỹ mà không được cấp phép hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 VNĐ đến 50.000.000.
Ngoài ra, căn cứ điểm c khoản 7 Điều 39 Nghị định này:
““Điều 39. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
[…]
- Hình thức xử phạt bổ sung:
- a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, các điểm a, c khoản 4, điểm c khoản 5 và các điểm b, c, d, e khoản 6 Điều này;
- b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 5 Điều này;
- c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này;”
Hình phạt bổ sung bao gồm đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 đến 24 tháng, nhằm đảm bảo ngăn chặn nguy cơ tái phạm.
Thứ hai, về bồi thường thiệt hại:
Trong trường hợp cơ sở thẩm mỹ vi phạm dẫn đến biến dạng khuôn mặt khách hàng, người bị hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo Điều 102 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023:
“Điều 102. Bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa
Trường hợp xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật này.”
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa do sai sót chuyên môn kỹ thuật, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật này.
Khoản bồi thường bao gồm chi phí điều trị phục hồi, tổn thất về tinh thần và các thiệt hại khác do hậu quả của sai phạm.
Thứ ba, truy cứu trách nhiệm hình sự:
Nếu hậu quả nghiêm trọng xảy ra, cơ sở thẩm mỹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
“Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
- Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
- c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;
- d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- a) Làm chết 02 người;
- b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;
- c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- a) Làm chết 03 người trở lên;
- b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
- c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Việc các cơ sở thẩm mỹ hoạt động khi chưa được cấp phép tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của khách hàng. Do đó, pháp luật có những chế tài phù hợp, mang tính răn đe cao nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, tránh ảnh hưởng xấu tới xã hội và công tác quản lý của Nhà nước.
|