TÂM THIỆN NHƯNG PHẢI TỪ THIỆN CÓ TÂM

Nội dung bài viết

“Lá lành đùm lá rách” vốn là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tinh thần tương thân, tương ái luôn được thể hiện qua những hoạt động từ thiện. Những hoạt động này biểu thị một cái tâm thiện, tuy nhiên một cái tâm thiện phải gắn liền với những hoạt động từ thiện có tâm. Điều kiện kiên quyết của hoạt động từ thiện có tâm phải là sự tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động từ thiện.
I. Đối tượng được kêu gọi từ thiện?
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 93/2021/NĐ-CP có quy định tổ chức, cá nhân được vận động đóng góp từ thiện bao gồm: “ [...] Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.”
Một vấn đề được đặt ra, liệu rằng Tiktoker có phải đối tượng được phép kêu gọi từ thiện hay không? Tiktoker thì vẫn là cá nhân nên vẫn có thể đứng ra kêu gọi từ thiện tuy nhiên, Tiktok hay bất cứ một nền tảng mạng xã hội nào khác có được coi là kênh truyền thông để kêu gọi từ thiện hay không thì vẫn chưa có quy định cụ thể.
Và không phải bất kể cá nhân nào cũng có thể thoải mái kêu gọi từ thiện mà phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật tại Điểm h Khoản 1 Điều 2 và Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ-CP: “ 1, Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này [...]”
Quy định này chỉ đề cập đến việc vận động, tiếp nhận phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố [...]. Trong những mục đích của việc vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp này thì không có mục đích của việc hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn.
II. Quy định về vấn đề xử phạt các hành vi liên quan đến hoạt động từ thiện:
Hiện nay, mới chỉ có các quy định về xử lý đối với các trường hợp trục lợi tiền từ thiện. Cụ thể, các trách nhiệm hình sự và dân sự đều được đặt ra đối với hành vi này:
- Đối với trách nhiệm hình sự, một cá nhân hoặc tổ chức quyên góp nhưng không sử dụng số tiền thu được cho mục đích đã cam kết, hoặc trục lợi cá nhân từ khoản tiền quyên góp này, họ có thể bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu đủ căn cứ chứng minh hành vi lừa đảo, người tổ chức có thể bị xử lý hình sự với mức án tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu số tiền chiếm đoạt lớn trên 500 triệu đồng, mức phạt tù có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.
- Đối với trách nhiệm dân sự: những người bị hại (người quyên góp) có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và yêu cầu người tổ chức hoàn trả số tiền đã quyên góp.
Tuy nhiên, đối với bất kể một hành vi phạm tội nào, không lọai trừ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động kêu gọi từ thiện, những quy định phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xảy ra cần phải được đề cao chứ không để tình trạng tội phạm đã xảy ra trên thực tế rồi tiến hành khắc phục bằng chế tài hình sự, dân sự. Để tăng tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tối đa hành vi lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện để trục lợi bất chính, pháp luật cũng có những quy định về đảm bảo chế độ kế toán trong hoạt động kê khai khi kêu gọi từ thiện như Thông tư 41/2022/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện; Luật Kế toán năm 2016.
Bất kể một cá nhân nào không thực hiện theo các quy định pháp luật, khi đó chế tài sẽ được đặt ra. Đối với tội vi phạm quy định về chế độ kế toán, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã dành hẳn Điều 221 để quy định về tội vi phạm quy định về chế độ kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên, chủ thể của tội phạm này mới chỉ được ghi nhận là những người có chức vụ, quyền hạn. Như vậy, những KOL – những người có tầm ảnh hưởng đến công chúng mà thực hiện hành vi gian dối trong chế độ kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động từ thiện chưa được ghi nhận là chủ thể của tội phạm này.

III. Kiến nghị, giải pháp.
Để có thể phòng ngừa hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng các hình thức kêu gọi từ thiện online nhằm trục lợi bất chính. Trước hết, các quy định pháp luật về đối tượng, điều kiện và các chế tài xử phạt cần phải được bổ sung.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần phải phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý. Ví dụ, như việc niêm yết công khai nội dung kêu gọi từ thiện trên các phương tiện điện tử phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt khác, trước khi các quy định pháp luật được cập nhật cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn đời sống thì mỗi người dân cần có những hành động nhất định không chỉ tự bảo vệ mình khỏi những hành vi kêu gọi từ thiện online trá hình, mà còn hỗ trợ cộng đồng cảnh giác khỏi những hành vi này.
Thứ nhất, người dân nên tìm hiểu về nguồn gốc của lời kêu gọi từ thiện. Một số hoạt động mà người dân có thể làm trong việc tìm hiểu về nguồn gốc của lời kêu gọi từ thiện đó là: tìm hiểu về nguồn gốc, xác thực các thông tin liên quan đến người cần giúp đỡ.
Thứ hai, người dân cần phải ngừng ngay việc quyên góp nếu có dấu hiệu nghi ngờ. Việc đưa ra những dấu hiệu cụ thể về một hoạt động kêu gọi từ thiện lừa đảo dường như là điều bất khả thi trước những thủ đoạn hết sức tinh vi và khó lường của người có hành vi lừa đảo bằng hoạt động từ thiện. Chính vì vậy, mỗi người dân nếu cảm thấy kênh kêu gọi từ thiện không an toàn thì không nên thực hiện hoạt động từ thiện hoặc nếu đã và đang thực hiện hoạt động từ thiện thì cần phải chấm dứt ngay hoạt động này để tránh trường hợp “tiền mất tật mang".

Tham khảo thêm >> Dịch vụ tư vấn pháp luật

Nguyễn Đức Tiến

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan