Tại sao những sàn vàng “khủng” liên tiếp bị công an đánh sập?

Nội dung bài viết

Bài viết "Tại sao những sàn vàng “khủng” liên tiếp bị công an đánh sập?" đăng tải trên báo điện tử http tuvan.doisongphapluat.com của tác giả My Vân có ý kiến pháp lý của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH SB.

(ĐSPL) – Những ngày gần đây, Cục Cảnh sát hình sự (C45) phối hợp cùng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm (C50) liên tiếp phát hiện và triệt phá được những đường dây “khủng” liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư vàng trái phép.

tai_sao_nhung_san_vang_khung_lien_tiep_bi_cong_an_danh_sap

Cảnh sát điều tra đọc lệnh khám xét điều tra Công ty VGX tại La Thành (Hà Nội). Ảnh Dân trí

Ngày 26/9, Cục Cảnh sát hình sự (C45) và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã tiến hành khám xét và bắt khẩn cấp Tổng giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư VGX về hành vi “Kinh doanh trái phép”. Sau đó không lâu, ngày 1/10 cơ quan chức năng cũng đã triệt phá thêm 3 cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Tư vấn – Đầu tư Khải Thái có hành vi liên quan đến hoạt động đầu tư vàng trái phép.

Theo nguồn tin từ Bộ Công an, hiện trên mạng Internet vẫn tồn tại trên 30 đơn vị kinh doanh vàng , ngoại tệ thông qua tài khoản. Từ đây, một lượng lớn tiền được huy động tham gia vào các kênh kinh doanh này mà không có sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, gây mất ổn định thị trường vàng, tiền tệ và trốn thuế.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ trái phép của những công ty này, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật SB Law.

luat-su-nguyen-thanh-ha

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật SB Law.

PV: Xin Luật sư có thể cho biết chi tiết, rõ ràng hơn về hình thức, hành vi phạm tội của những công ty đầu tư và kinh doanh này, cụ thể như Công ty Cổ phần đầu tư VGX?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo thông tin của Cơ quan Điều tra thì Vũ Đức Hiếu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư VGX và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Kế toán trưởng Công ty đã bị khởi tố Bị can về hành vi kinh doanh trái phép. Hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản của Công ty VGX thực chất là hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản, dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của giá vàng.

Căn cứ vào quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì Hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản của Công ty VGX chỉ được thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép. Như vậy khi Công ty VGX hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản mà chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì đó là những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng đó là: Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

Mặt khác theo quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi Bổ sung năm 2009 có quy định về Tội kinh doanh trái phép như sau: Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Như vậy ở đây Tổng Giám đốc Vũ Đức Hiếu đã thực hiện hành vi kinh doanh vàng qua tài khoản khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

PV: Trong vụ việc này, ai sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự? Mức án thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trong vụ việc này thì Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các hành vi của Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và có thể là những người khác nếu làm thực hiện các hành vi kinh doanh vàng qua tài khoản trái phép thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi của mình. Nếu Cơ quan điều tra làm rõ hành vi kinh doanh của các cá nhân có liên quan như đối với các thành viên HĐQT, các nhà đầu tư nếu tham gia hoạt động mua bán vàng qua tài khoản với mục đích kinh doanh thì sẽ có dấu hiệu phạm tội theo quy định của tội kinh doanh trái phép này.

Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự thì có chia làm 2 khung hình phạt. Mức tối đa mà người phạm tội bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

PV: Khi bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ liệu nguồn đầu tư có được hoàn trả lại không, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc xử lý khoản tiền đầu tư của các nhà đầu tư được Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

Theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố hình sự về xử lý vật chứng có quy định: “a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ; c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;”

Như vậy chỉ những nguồn đầu tư là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc do phạm tội mà có thì mới bị tịch thu sung quỹ nhà nước.

PV: Theo nguồn tin từ Bộ Công an, hiện trên mạng Internet vẫn tồn tại trên 30 đơn vị kinh doanh vàng thông qua tài khoản. Vậy theo Luật sư, cơ quan chức năng nên có biện pháp gì để có thể quản lý chặt chẽ tránh gây mất ổn định thị trường vàng, thị trường tiền tệ và trốn lậu thuế?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo thông tin của Bộ Công an, cũng như thực tế hoạt động của các trang mạng trên Internet thì còn trên 30 đơn vị kinh doanh vàng thông qua tài khoản. Theo tôi các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phối hợp với nhau để thực hiện chức năng quản lý của mình theo đúng quy định pháp luật đã được quy định tại Chương V Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Căn cứ vào yêu cầu thực tế, các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, chia sẻ thông tin để phục vụ cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng; phối hợp thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật. Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm quy định và hướng dẫn thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng và sao gửi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn để phối hợp thực hiện. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động kinh doanh vàng khác.

Trân trọng cảm ơn Luật sư!

My Vân

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan