Sửa đổi BLTTHS: Có quy định về việc ghi âm phiên tòa?

Nội dung bài viết

Trong buổi khảo sát về thực trạng hành nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai mới đây.
Vấn đề nổi bật nhất mà các luật sư địa phương đề cập là quyền xem biên bản phiên tòa và quyền ghi âm phiên tòa.

Theo luật sư Trịnh Văn Thông, luật hiện hành cho phép người bảo vệ quyền lợi của đương sự được xem biên bản phiên tòa nhưng lại không cho người bào chữa được xem là chưa thỏa đáng. Mặt khác, luật lại không quy định việc xem biên bản phiên tòa diễn ra vào thời gian nào. Để tránh khả năng biên bản phiên tòa bị chỉnh sửa thì luật cần quy định là việc xem biên bản phiên tòa diễn ra ngay sau khi kết thúc phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Ngọc Sang thì kiến nghị cần phải có quy định ghi âm phiên tòa bởi từ trước tới nay, có không ít bản án lúc phát hành lại hoàn toàn khác so với diễn biến phiên tòa. Bản thân ông từng tham gia phiên xử một bị cáo bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ em. Sau đó, khi bản án được ban hành thì lại thành hiếp dâm trẻ em nhưng chưa đạt...

Thực trạng luật sư nữ hành nghề cũng là chủ đề được đưa ra để khảo sát lần này. Một nữ luật sư bức xúc kể lại: Vừa qua bà tham gia bảo vệ cho một bị can tại một huyện ở Đồng Nai. Điều tra viên biết được đã nói với bị can rằng: “Thừa tiền hay sao mà đi thuê đàn bà bào chữa? Đàn bà thì làm được gì” (?!). Theo vị nữ luật sư này, mỗi giới đều có mặt mạnh, mặt yếu riêng và đều bình đẳng với nhau trong nghề nghiệp. Vì vậy, thái độ coi thường luật sư nữ như trên cần phải được chấn chỉnh.

Vài ngày trước, khi Liên đoàn Luật sư khảo sát tại TP Cần Thơ, luật sư Thiệu Ngọc Tuyết cũng từng kể lại một câu chuyện tương tự: Bà bảo vệ quyền lợi cho một đương sự tại một tòa án ở TP.HCM. Thẩm phán giải quyết án không muốn cho bà tiếp xúc hồ sơ. Sau khi bà phản ứng, thẩm phán mới miễn cưỡng cho bà sao chụp hồ sơ nhưng lại thản nhiên quay sang “bình” với thư ký rằng: “Hết luật sư rồi hay sao mà đương sự lại đi thuê đàn bà bào vệ” (?!).

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan