Chiếc thẻ tín dụng dường như là vật bất ly thân với nhiều người. Khi mà chưa có lương, vẫn có thể sử dụng để chi trả, thanh toán các khoản. Tuy nhiên, nhiều người dường như chưa biết cách sử dụng hiệu quả chiếc thẻ này. Do vậy, sau vụ việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu sau 11 năm thành khoản nợ 8,8 tỷ đã dẫn tới việc nhiều người huỷ thẻ tín dụng. Ứng xử với các loại thẻ hiện đại như thế nào? Huỷ thẻ hay là hiểu thẻ để sử dụng hiệu quả hơn? Bài phỏng vấn dưới đây được trả lời bởi của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nếu quan điểm về vấn đề này.
Như vậy sự việc về chiếc thẻ Eximbank đã được giải quyết. Ông nghĩ sao về cách xử lý của Ngân hàng phát hành thẻ tín dụng trong trường hợp này?
Trả lời:
Ngày 19/3/2024, chủ thẻ P.H.A. đã cùng luật sư đã có buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Eximbank. Nội dung buổi làm việc không được tiết lộ. Tuy nhiên, cả hai bên thống nhất mong muốn phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.
Chiều ngày 21/3/2024, tại họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank - ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ cho biết Eximbank sẽ cùng khách hàng thỏa thuận lại số lãi khác, hợp lý hơn cho đôi bên, không thu 8,8 tỉ đồng.
Việc đánh giá cách xử lý của ngân hàng phát hành thẻ tín dụng cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Một mặt, sự nhanh chóng và minh bạch trong việc giải quyết sự cố là điều cần thiết để duy trì niềm tin của khách hàng. Nếu ngân hàng đã thực hiện các bước cần thiết một cách kịp thời và có trách nhiệm, điều này cho thấy họ coi trọng quyền lợi của người tiêu dùng và có khả năng xử lý tình huống một cách chuyên nghiệp.
Mặt khác, quy trình giải quyết và các biện pháp được áp dụng để ngăn chặn sự việc tương tự trong tương lai cũng là yếu tố quan trọng. Ngân hàng cần phải đảm bảo rằng họ không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn cải thiện hệ thống của mình để đảm bảo và củng cố quyền lợi của khách hàng.
Ngoài ra, cách thức giao tiếp với khách hàng trong quá trình giải quyết sự việc cũng rất quan trọng. Ngân hàng cần phải thông báo cho khách hàng về sự việc, các bước giải quyết và kết quả cuối cùng một cách rõ ràng và kịp thời. Sự minh bạch và trách nhiệm trong giao tiếp giúp xây dựng mối quan hệ tin cậy và lâu dài với khách hàng.
Cách tính lãi kép (hiểu nôm na là lãi mẹ đẻ lãi con, lãi sinh lãi) có phải là nguyên nhân khiến khoản vay 8,5 triệu tăng 1000 lần sau 11 năm?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì cách tính lãi suất như sau:
Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định trên, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn theo công thức:
Lãi quá hạn = Số tiền còn lại x Lãi suất hợp đồng (năm) x 150% x Thời gian quá hạn
- Trong trường hợp nợ gốc 8,5 triệu đồng của anh A, có thể ngân hàng đã áp dụng lãi suất kép, cộng gộp, nhập lãi vào gốc, tính theo từng tháng, nên việc nhảy từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỉ đồng là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu lãi suất nợ quá hạn khoảng 70%/năm.
Và cách tính này có hợp lý với các khoản nợ tín dụng?
Trả lời:
Có thể nói, lãi kép là một khái niệm phổ biến trong tài chính cá nhân, nhấn mạnh sức mạnh của việc đầu tư liên tục và tiết kiệm trong thời gian dài. Tuy nhiên, cách tính lãi kép trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng không phải là thông lệ và chịu ràng buộc bởi các quy định pháp luật và từ Ngân hàng Nhà nước. Có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định cụ thể về cách tính lãi đối với trường hợp khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận. Theo đó, những quy định về lãi suất cho thẻ tín dụng được các ngân hàng, tổ chức tín dụng quy định trong hợp đồng cần phải phù hợp và không vi phạm những quy định pháp luật liên quan.
Riêng đối với trường hợp khách hàng của ngân hàng Eximbank, để xác định được cách tính lãi của ngân hàng trong trường hợp này có “phù hợp” hay không thì cần có sự xem xét một cách kĩ lưỡng từ các cơ quan chức năng cũng như các bên liên quan để đưa ra nhận xét xác đáng nhất.
Theo luật sư, tại sao sau sự việc này, điều gì khiến nhiều người tiêu dùng lại giật mình nhìn lại các thẻ ngân hàng mà mình đang sử dụng?
Trả lời:
Sự việc tại Eximbank đã gây ra sự hoang mang của người sử dụng thẻ, lo ngại về tính minh bạch và độ tin cậy của các quy trình ngân hàng, cũng như khả năng quản lý rủi ro tín dụng của Eximbank. Người tiêu dùng có thể lo lắng về việc liệu các khoản nợ của họ có được xử lý công bằng và chính xác hay không, đặc biệt khi có thông tin về việc áp dụng lãi suất kép và phí quản lý tài khoản ngay cả khi không sử dụng dịch vụ. Từ vụ việc này, thiết nghĩ, người dân khi mở tài khoản, thẻ ngân hàng cần tìm hiểu kĩ về các quy định, chính sách lãi suất, các loại phí. Nếu không có nhu cầu sử dụng, khách hàng nên đóng thẻ để tránh những phát sinh về sau.
Ngoài áp lực trả nợ, lãi kép khiến khoản phải trả tăng cao, thì người tiêu dùng cần hiểu ntn về công dụng của thẻ tín dụng?
Trả lời:
Sau vụ việc Eximbank, người tiêu dùng cần nhận thức rõ ràng về công dụng cũng như rủi ro khi sử dụng thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng không chỉ là công cụ thanh toán tiện lợi mà còn có thể là nguồn tài chính tạm thời trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, việc sử dụng không cẩn thận có thể dẫn đến nợ nần và lãi suất cao, như trường hợp lãi kép tăng vọt đã xảy ra. Người tiêu dùng cần phải hiểu rõ các điều khoản và điều kiện sử dụng, cũng như cách tính lãi và phí phạt nếu có. Họ cũng cần phải xem xét khả năng tài chính của bản thân để quản lý hạn mức thẻ một cách hợp lý, tránh rơi vào tình trạng quá tải nợ.
Bên cạnh đó, việc theo dõi giao dịch thường xuyên và báo cáo ngay lập tức các hoạt động đáng ngờ là cần thiết để phòng tránh gian lận và mất cắp thông tin. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên cập nhật kiến thức về các quy định mới và các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có thể sử dụng thẻ tín dụng một cách an toàn và hiệu quả.
Người tiêu dùng cần rút kinh nghiệm gì sau vụ việc này?
Trả lời:
Sau vụ việc Eximbank, người tiêu dùng cần rút kinh nghiệm và nên tạo thói quen cho bản thân khi bắt đầu sở hữu 1 chiếc thẻ tín dụng:
- Khi mở thẻ tín dụng hoặc thực hiện giao dịch tại ngân hàng, người dùng nên đọc kỹ thông tin trên giấy tờ trước khi ký vào. Chữ ký của khách hàng trên hồ sơ là một bằng chứng pháp lý trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Hơn nữa, người dùng cần phát triển thói quen quản lý tài chính cá nhân. Trước khi sử dụng, họ nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm tài chính và cách sử dụng.
- Người dùng cần kiểm tra định kỳ các giao dịch. Họ nên đăng ký nhận thông báo về biến động số dư thông qua tin nhắn và nhận sao kê hàng tháng qua tin nhắn, email hoặc ứng dụng ngân hàng.
- Người sử dụng thẻ tín dụng cần giữ bí mật thông tin thẻ. Không chia sẻ thông tin thẻ tín dụng, bao gồm số thẻ, mã bảo mật (CVV), ngày hết hạn, v.v., với bất kỳ ai trừ nhà cung cấp dịch vụ thanh toán chính thức.
- Người sử dụng thẻ tín dụng cần thanh toán đúng hạn và đầy đủ các khoản nợ. Thanh toán đúng hạn và đầy đủ sẽ giúp tăng điểm tín dụng trong hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng Việt Nam (CIC). Nếu có lịch sử tín dụng tốt, khách hàng dễ dàng được duyệt nâng hạn mức thẻ và các khoản vay lớn trong tương lai. Hơn nữa, cần lưu ý rằng nên thanh toán toàn bộ dư nợ, không chỉ thanh toán số tiền tối thiểu yêu cầu, để tránh tính lãi suất trên 20% từ ngày giao dịch được thực hiện.
- Người dùng có thể kiểm tra xem có nợ xấu tín dụng hay không thông qua các phương thức sau đây: (i) Kiểm tra thông qua Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC); (ii) Kiểm tra nợ xấu trực tiếp tại ngân hàng bằng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân; (iii) Kiểm tra qua ứng dụng CIC Credit Connect.
Sau vụ Eximbank, có thể nói đã xuất hiện đóng thẻ tín dụng. Ông nghĩ phản ứng này của người dân có hợp lý?
Trả lời:
Vụ việc Eximbank gây nhiều tranh cãi và đã khiến nhiều người dùng thẻ tín dụng lo lắng. Phản ứng của nhiều người dùng khi chọn đóng thẻ tín dụng là do họ lo sợ về các khoản phí phát sinh mà họ không biết, không hiểu rõ và từ việc không hiểu khiến người dùng lo sợ việc không thể kiểm soát tài khoản của bản thân. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc người tiêu dùng hiểu rõ các điều khoản và điều kiện sử dụng thẻ tín dụng, cũng như nghĩa vụ thanh toán đúng hạn để tránh các khoản phát sinh. Tuy nhiên việc đóng thẻ tín dụng cũng cần xem xét kỹ lưỡng chứ không phải chỉ cần đóng thẻ không có hậu quả phát sinh:
- Điểm tín dụng: Việc đóng thẻ tín dụng có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng của của người sử dụng. Điểm tín dụng là một con số được sử dụng để đánh giá khả năng trả nợ. Nếu bạn đóng một thẻ tín dụng mà bạn đã sử dụng trong một thời gian dài, điều này có thể làm giảm điểm tín dụng của bạn.
- Tỷ lệ sử dụng tín dụng: Đây là tỷ lệ giữa số dư nợ trên thẻ tín dụng của bạn và giới hạn tín dụng của bạn. Nếu bạn đóng một thẻ tín dụng, giới hạn tín dụng tổng cộng của bạn sẽ giảm, điều này có thể làm tăng tỷ lệ sử dụng tín dụng của bạn và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến điểm tín dụng của bạn.
- Chi phí: Một số thẻ tín dụng có thể tính phí đối với việc đóng thẻ. Hãy đảm bảo rằng bạn đã kiểm tra điều khoản và điều kiện của thẻ tín dụng của bạn trước khi đóng thẻ.
Nếu như con số 8,5 triệu đồng tiền ghi nợ không phát sinh thêm thì có nghĩa rằng chủ tài khoản đã không sử dụng thẻ trong khoảng thời gian dài. Nên phải chăng khi những thẻ không còn hoạt động trong một thời gian nhất định thì ngân hàng sẽ có động thái thông báo cho khách hàng trong thời gian sớm nhất để tránh tình trạng bỏ quên thẻ dẫn đến những khoản nợ lãi. Quan điểm của ông như thế nào?
Trả lời:
Không chỉ trong trường hợp của Eximbank, mà các ngân hàng khác nên quan tâm tới vấn đề thông báo cho khách hàng sớm và liên tục để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ thông báo/nhắc nợ/đòi nợ của ngân hàng đến khách hàng trong trường hợp nợ thẻ tín dụng quá hạn, song, tại điểm c khoản 2 Điều 22 Thông tư 39/2016/TT-NHNN Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có nêu rõ về việc các tổ chức tín dụng (trong đó có ngân hàng) phải có quy định nội bộ liên quan tới việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng. Như vậy, theo quy định của pháp luật, các ngân hàng phải có một bộ quy định nội bộ liên quan tới việc quản lý và giám sát các khoản nợ của khách hàng để có thể kiểm soát các khoản nợ một cách tốt nhất. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng phải thông báo kịp thời và liên tục tới khách hàng để đảm bảo khoản nợ được quản lý hiệu quả, nhanh chóng, tránh các trường hợp phát sinh thành nợ xấu quá hạn mà khách hàng không nhận được thông tin.
Ngoài việc đóng các thẻ tín dụng không cần đến, nếu mình có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng. Mình nên ứng xử ntn với loại thẻ này?
Trả lời:
Bên cạnh việc đóng thẻ do không còn nhu cầu sử dụng, người dùng cũng cần hiểu rõ về cách sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả, thiết thực hơn, và cũng an toàn hơn:
- Mở thẻ hạn dưới mức lương là một sách sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả. Điều quan trọng là chỉ nên đăng ký hạn mức tối đa của thẻ là 50% thu nhập hàng tháng và đảm bảo khả năng thanh toán nợ một cách đều đặn hàng tháng. Điều này giúp tránh tình trạng nợ tháng này dồn sang tháng sau.
- Nắm rõ về các điều khoản sử dụng thẻ
+ Điều kiện mở thẻ tín dụng cá nhân
+ Các loại phí bắt buộc khi sử dụng thẻ tín dụng
+ Thời hạn thanh toán nợ
+ Điều khoản thanh toán nợ trễ hạn
+ Chương trình tích điểm, ưu đãi
Việc nắm bắt những thông tin này giúp bạn đưa ra quyết định dựa trên tình hình tài chính thực tế của bản thân. Hầu hết mọi người đều bỏ qua những thông tin về các điều khoản sử dụng thẻ tín dụng. Hay những quy định khi vay tiêu dùng từ ngân hàng. Tránh không để “mắc bẫy tiêu dùng”.
- Không sử dụng nhiều thẻ tín dụng: Sử dụng nhiều thẻ cùng lúc dễ khiến người sử dụng mất kiểm soát chi tiêu, hạn mức chi tiêu cao hơn thu nhập. Điều này gây khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát chi tiêu. Một cá nhân với mức thu nhập trung bình, trung bình khá chỉ nên mở 1 thẻ tín dụng để đảm bảo khả năng thanh toán nợ, cân đối tài chính.
- Thực hiện thanh toán đầy đủ và đúng hạn: Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều có hạn mức tín dụng từ 30-45 ngày. Do đó, người sử dụng thẻ nên có kế hoạch chuẩn bị tài chính để thanh toán khoản nợ đúng hạn. Trong trường hợp không thể trả 1 lần, có thể thanh toán mức tối thiểu theo quy định. Tùy từng ngân hàng mà có quy định khác nhau. Tốt hơn hết, nên thanh toán nợ đầy đủ theo thời hạn để sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả hơn.
- Tránh rút tiền mặt từ thẻ tín dụng: Bản chất của thẻ tín dụng là vay tiền ngân hàng để chi tiêu cá nhân, chi trả cho những nhu cầu không cần sử dụng đến tiền mặt. Khi rút tiền mặt, ngân hàng sẽ tính phí với khoản tiền đã rút. Mức phí này thường khá cao, khoảng 4% tại thời điểm rút.
- Không để lộ thông tin thẻ. Bảo mật thông tin trên thẻ
- Kiểm tra hóa đơn mỗi lần thanh toán kỹ càng.
- Theo dõi báo cáo tín dụng hàng tháng.
- Tận dụng các ưu đãi từ thẻ tín dụng.
Làm sao để đảm bảo an toàn cho thẻ, và tránh những rắc rối không đáng có (quên thanh toán, lừa đảo trên mạng)?
Trả lời:
Để đảm bảo an toàn và tránh những rủi ro không đáng có trong quá trình sử dụng thẻ, người dùng cần chủ động trong việc quản lý thẻ của mình. Khi mở thẻ, người dùng cần đăng ký các dịch vụ thông báo từ ngân hàng qua email, điện thoại… để nắm rõ tình trạng thẻ của mình. Điều này không những giúp người dùng có thể biết được thời hạn thanh toán, trả nợ đầy đủ và đúng hạn mà còn giúp người dùng kiểm tra lịch sử giao dịch thẻ thường xuyên, tránh các trường hợp thẻ của mình bị sử dụng mà bản thân không hay biết.
Thêm vào đó, vấn đề bảo mật thông tin thẻ cũng rất quan trọng. Để không rơi vào những chiêu trò lừa đảo, người dùng cần bảo mật thật tốt thông tin thẻ, không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản theo yêu cầu từ người lạ; không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc; không nộp các loại phí, thuế do các đối tượng lạ yêu cầu để được nhận khoản vay… Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho ngân hàng hay các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ nhanh chóng và kịp thời tài sản và thông tin cá nhân của mình.
Tóm lại, người dùng cần quản lý thẻ sát sao và sử dụng thẻ một cách tỉnh táo, để có thể tối ưu hóa các tiện lợi của thẻ và hạn chế những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Thanh toán không dùng tiền mặt gần như đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Người tiêu dùng cần quan tâm các vấn đề gì khi sử dụng thẻ nói chung, thẻ tín dụng nói riêng?
Trả lời:
Để đảm bảo an toàn khi mở thẻ, các khách hàng cần lưu ý những điểm sau:
Đầu tiên, trước khi mở thẻ, các khách hàng cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách, quy định về điều kiện mở thẻ, lãi suất, phí… của ngân hàng. Khách hàng nên tham khảo nhiều ngân hàng khác nhau với các chính sách và loại hình dịch vụ khác nhau để lựa chọn loại thẻ nào thuộc ngân hàng nào sao cho phù hợp với tình hình tài chính và nhu cầu chi tiêu của bản thân.
Thứ hai, trước khi đặt bút ký vào hồ sơ giấy tờ để mở thẻ, khách hàng cần đọc kỹ các điều khoản được nêu trong hợp đồng như điều kiện dành cho cá nhân mở thẻ, các loại phí bắt buộc chủ thẻ phải trả trong quá trình dùng thẻ tín dụng, thời gian đáo hạn thanh toán chi tiêu điều khoản, lãi suất trong trường hợp thanh toán nợ quá thời hạn… để đảm bảo bản thân hiểu cách thức hoạt động và sử dụng thẻ cho đúng.
Thứ ba, khách hàng cần phải theo dõi biến động của thẻ một cách thường xuyên, đồng thời cần phải đăng ký nhận thông báo biến động số dư qua tin nhắn cũng như có hình thức thông báo sao kê hàng tháng qua tin nhắn, email hoặc qua ứng dụng ngân hàng để tránh sự cố như trường hợp của Eximbank.
Thứ tư, đối với thẻ tín dụng, khách hàng chỉ nên đăng ký hạn mức tiêu dùng tối đa bằng 50% thu nhập của mỗi tháng để có thể quản lý tài chính hiệu quả hơn, đảm bảo khả năng thanh toán nợ hàng tháng. Đồng thời, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng cần thanh toán dư nợ đúng hạn và đầy đủ. Nếu có một lịch sử tín dụng tốt, khách hàng sẽ dễ dàng được duyệt nâng hạn mức thẻ và được duyệt các khoản vay lớn trong tương lai.
Bên cạnh đó, khách hàng cần bảo mật và giữ an toàn cho thẻ. Khi sử dụng thẻ ngân hàng, khách hàng cần có ý thức về an toàn, bảo mật thông tin thẻ để phòng tránh rủi ro trong các trường hợp không mong muốn như hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua thẻ…
Tóm lại, khách hàng nên tìm hiểu về các chính sách của ngân hàng, các quy định của pháp luật và có cần kế hoạch chi tiêu hợp lý để có thể sử dụng thẻ tín dụng một cách hiệu quả và an toàn.
Ông nghĩ sao về tương lai của thẻ tín dụng trong xã hội số hiện nay?
Trả lời:
Trong xã hội số hiện nay, việc sử dụng thẻ tín dụng có vai trò lớn trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện chiến lược phổ cập tài chính toàn diện ở Việt Nam. Với xu hướng số hóa ngân hàng, số hóa các hình thức thanh toán cùng nhiều tiện lợi khi sở hữu thẻ tín dụng thì nhu cầu sử dụng loại thẻ này trong tương lai có lẽ sẽ tăng trở lại. Nhưng chỉ khi Nhà nước có một khung pháp lý rõ ràng hơn, cụ thể hơn để điều chỉnh hoạt động tín dụng; cùng với đó là cách thức làm việc chuyên nghiệp, an toàn và minh bạch của các ngân hàng lấy được lòng tin của người dân thì tương lai sáng của thẻ tín dụng tại thị trường Việt Nam mới được duy trì một cách hiệu quả và lâu dài.