Số lượng đơn sở hữu trí tuệ toàn cầu tiếp tục tăng

Nội dung bài viết

Báo cáo mới của WIPO chỉ ra rằng trong khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm thì số lượng Đơn đăng ký các đối tượng Sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thế giới vẫn tiếp tiếp tăng mạnh trong năm 2011. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng cơ quan sáng chế của Trung Quốc đã trở thành cơ quan lớn nhất trên thế giới bởi số lượng đơn sáng chế mà cơ quan này nhận được.

Trước năm 2011, Trung Quốc được đánh giá là quốc gia có nhiều đơn giải pháp hữu ích, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp nhất được nộp.

World Intellectual Property Indicators 2012 chỉ ra rằng số lượng đơn sáng chế trên toàn cầu tăng khoảng 7.8% trong năm 2011, vượt 7% trong năm thứ hai liên tiếp. Tương tự, số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu tăng khoảng 35%, 16% và 13.3% một cách tương ứng.
Số lượng đơn đăng ký các đối tượng SHTT tăng liên tục chỉ ra rằng các công ty tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo mặc dù tình trạng của nền kinh tế đang suy yếu. Đây là một tin tốt vì nó đặt nền tảng cho nền kinh tế thể giới trong việc tạo ra sự tăng trưởng và triển vọng trong tương lai, Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry cho biết.
Cơ quan SHTT của Trung Quốc đã vượt qua Cơ quan Nhãn hiệu và Sáng chế của Mỹ trong năm 2011 để trở thành Cơ quan sáng chế lớn nhất thế giới, sau khi vượt qua Cơ quan sáng chế Nhật Bản năm 2010. Trong vòng 100 năm trước năm 2011, chỉ có 3 Cơ quan sáng chế là Đức, Nhật và Mỹ giữ vị trí là Cơ quan lớn nhất với số lượng đơn được nộp vào. Sự thay đổi về vị trí lớn nhất này đã cho thấy sự chuyển dịch, thay đổi về mặt địa lý đối với sự đổi mới, sáng tạo các tài sản trí tuệ.

Sáng chế và Giải pháp hữu ích

Lần đầu tiên trong năm 2011, tổng số lượng đơn đăng ký sáng chế được nộp trên toàn thế giới vượt qua con số 2 triệu đơn. 2.14 triệu đơn đã được nộp bao gồm 1.36 triệu là của chủ đơn trong nước và 0.78 triệu đơn là của chủ đơn nước ngoài. Tiếp theo sự sụt giảm 3.6% trong năm 2009, số lượng đơn sáng chế tăng mạnh 7.5% trong năm 2010 và 7.8% trong năm 2011.
Trong năm 2011, Trung Quốc nhận được 526.412 đơn đăng ký sáng chế so với 503.582 đơn của Mỹ và 342.610 đơn của Nhật Bản. Sự tăng trưởng số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Trung Quốc chủ yếu là do sự tăng lên mạnh mẽ của các đơn của chủ đơn trong nước. Từ năm 2009 đến 2011, số lượng đơn đăng ký sáng chế toàn thế giới tăng khoảng 293.900 đơn, trong đó số lượng đơn sáng chế nộp tại Cơ quan SHTT của Trung Quốc chiếm 72% tổng lượng tăng này.
Dữ liệu tại quốc gia gốc của người nộp đơn chỉ ra rằng số lượng đơn được nộp bởi chủ đơn trong nước của Nhật Bản là lớn nhất thề giới (472.417) trong năm 2011. Trung Quốc với sự tăng lên 41.3% trong năm 2011 đã vượt qua Mỹ để trở thành nước lớn thứ hai trên thế giới về mặt quốc gia gốc.
Lĩnh vực thông tin liên lạc số có mức độ tăng trưởng lượng đơn đăng ký sáng chế hàng năm trung bình cao nhất (+8.1%) từ năm 2006 đến năm 2010. Đơn nộp trong lĩnh vực dược phẩm vẫn giảm liên tục từ năm 2007. Công nghệ máy tính chiếm số lượng đơn lớn nhất trên toàn thế giới (126.897).
Đơn đăng ký sáng chế cho 4 lĩnh vực công nghệ liên quan đến năng lượng: pin nhiên liệu, địa nhiệt, năng lượng mặt trời và năng lượng gió tăng khoảng 8% trong năm 2010 và đạt 34.873 đơn. Các chủ đơn trong nước của Nhật Bản có số lượng đơn đăng ký sáng chế lớn nhất thế giới liên quan đến công nghệ năng lượng mặt trời và pin nhiên liệu, trong khi đó các chủ đơn trong nước của Đức và Mỹ chiếm số lượng đơn lớn nhất liên quan đến địa nhiệt và năng lượng gió.
Trong năm 2011, số lượng đơn đăng ký sáng chế dự đoán được cấp bằng sẽ đạt gần 1 triệu đơn, với 606.800 bằng sẽ được cấp cho các chủ đơn trong nước và 390.000 bằng được cấp cho chủ đơn nước ngoài. Số lượng bằng được cấp tăng khoảng 9.7% trong năm 2011. Số lượng bằng được cấp bởi Cơ quan sáng chế của Nhật Bản là lớn nhất (238.323), tiếp theo là số lượng bằng được cấp bởi Cơ quan sáng chế của Mỹ (224.505).
Số lượng đơn đăng ký sáng chế bị tồn đọng chưa được giải quyết trên toàn thế giới – tức là tất cả các đơn đang ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình xét nghiệm – giảm khoảng 4.9% trong năm 2011, theo sau một lượng giảm 3.3% trong năm 2010. Cơ quan sáng chế Nhật Bản là cơ quan đóng góp chính vào xu hướng giảm này. Trên cơ sở sự dự đoán từ 76 Cơ quan sáng chế của các quốc gia trên thế giới, số lượng các đơn bị tồn đọng trên toàn thế giới là 4.8 triệu đơn trong năm 2011.
Số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích dự đoán được nộp đơn trên toàn thế giới là 670.700 đơn trong năm 2011, tương ứng với mức tăng 35% so với năm 2010. Số lượng đơn nộp tại Cơ quan sáng chế Trung Quốc chiếm phần lớn mức tăng này. Các chủ đơn trong nước của Nhật Bản và Mỹ có số lượng đơn giải pháp hữu ích được nộp tại nước ngoài lớn nhất, trong đó phần lớn là nộp vào Cơ quan SHTT của Trung Quốc.

Nhãn hiệu

Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp trên thế giới trong năm 2011 là 4.2 triệu đơn. Lượng đơn nhãn hiệu tăng 13.3% năm 2011. Trong những năm gần đây, sự tăng nhanh trong số lượng đơn nhãn hiệu tại Trung Quốc chiếm phần lớn trong sự tăng lên của lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của thế giới. Trong năm 2011, Trung Quốc chiếm 61.8% số lượng đơn tăng lên của thế giới.
Đa số các Cơ quan trong 20 Cơ quan dẫn đầu thế giới về số lượng đơn nhãn hiệu đều có số lượng đơn nhãn hiệu tăng trong năm 2011, với Trung Quốc (31.2%), Braxin (21.6%), Vương quốc Anh (16.4%) và Hồng Kông (16.1%) là những quốc gia có số lượng đơn tăng nhanh nhất. Cơ quan SHTT của Ấn Độ cũng chứng kiến sự tăng lên đáng kế của số lượng đơn nhãn hiệu được nộp trong vài năm vừa qua. Thực tế, Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản trong năm 2010 và Hàn Quốc năm 2011.

Kiểu dáng công nghệ

Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trên toàn thế giới tăng mạnh mẽ trong 2 năm vừa qua. Năm 2011, số lượng đơn kiểu dáng tăng khoảng 16%, so với lượng tăng 13% năm 2010. Sự tăng lên đáng kể này chủ yếu là do sự tăng lên mạnh mẽ trong số lượng đơn kiểu dáng công nghiệp được nộp tại Trung Quốc. Cơ quan SHTT của Trung Quốc chiếm 90% tổng số lượng tăng từ năm 2009-2011. 775.700 đơn kiểu dáng công nghiệp được nộp trên thế giới trong năm 2011 bao gồm 691.200 đơn là của chủ đơn trong nước và 84.500 đơn là của chủ đơn nước ngoài.
Không giống như sáng chế (20 Cơ quan dẫn đầu về lượng đơn chủ yếu là của Các nước co thu nhập trung bình cao, các nước phát triển), trong danh sách 20 Cơ quan dẫn đầu về lượng đơn kiểu dáng công nghiệp thì bao gồm 8 Cơ quan trong những quốc gia có thu nhập trung bình. Trung Quốc – một quốc gia có thu nhập trung bình – nhận được số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp lớn nhất (521.468) trong năm 2011. Thổ Nhĩ Ký, một quốc gia khác cũng có thu nhập trung bình, nhận được 41.218 đơn đăng ký, lớn hơn cả số lượng đơn kiểu dáng công nghiệp nộp tai Cơ quan sáng chế Nhật Bản và Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ. Từ năm 2010 đến 2011, Các Cơ quan SHTT của Trung Quốc (23.8%), Ấn Độ (16.7%), Mê hi cô (17.2%), Thổ Nhĩ Kỳ (17.6%) và Ukraine (17.5%) đều có sự tăng lên nhanh chóng về số lượng đơn kiểu dáng công nghiệp.

Bảo hộ giống cây trồng

Từ năm 1995 đến 2011, số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng trên thế giới tăng từ 10.000 đến hơn 14.000 đơn. Trong năm 2011, số lượng đơn tăng khoảng 7.8% - mức tăng nhanh nhất từ năm 2007. Sự tăng lên của lượng đơn nộp tại Israel và Cơ quan đăng ký bảo hộ giống cây trồng của Liên minh Châu Âu chiếm 60% tổng lượng đơn tăng lên trong năm 2011.
Cơ quan đăng ký bảo hộ giống cây trồng của Liên minh Châu Âu nhận được số lượng đơn lớn nhất (3.184), theo sau là Cơ quan đăng ký của Trung Quốc (1.255), Mỹ (1.139), Nhật Bản (1.126) và Ukraine (1.095).
Trên đây là nội dung trích dẫn từ Báo cáo gần đây của WIPO về lượng Đơn đăng ký các đối tượng SHTT trên toàn thế giới mà chúng tôi đã dịch ra để các độc giả Việt Nam tham khảo và phần nào có sự nhìn nhận, so sánh về tốc độ phát triển, sáng tạo các tài sản SHTT của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Sự so sánh này có thể sẽ là động cơ thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam cố gắng và đầu tư hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển các tài sản SHTT, vì chính các tài sản này chính là công cụ chủ yếu trong việc đẩy nhanh sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế Việt Nam và củng cố sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh như hiện nay.

Minh Phương, S&B Law lược dịch từ nguồn

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan