Siết tỉ lệ sở hữu tại ngân hàng thương mại đã được đưa vào Luật mới, nhưng liệu quy định này có thực sự ngăn chặn sở hữu chéo và lũng đoạn? Dưới đây là ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW và các chuyên gia kinh tế.
Tỉ lệ sở hữu cổ phần tại các ngân hàng thương mại là một trong những vấn đề trọng yếu để đảm bảo minh bạch và tránh lũng đoạn thị trường tài chính. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhiều tổ chức và cá nhân vẫn tìm cách vượt qua các giới hạn này bằng nhiều thủ thuật tinh vi.
Tại hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” diễn ra ngày 5.12, TS Lê Xuân Nghĩa đã thẳng thắn chỉ ra rằng tình trạng sở hữu vượt trần vẫn tồn tại phổ biến.
Theo quy định hiện nay, tỉ lệ sở hữu tối đa của cá nhân là 15%, tổ chức là 20%, nhưng trên thực tế, các ngân hàng vẫn "lách luật" thông qua việc nhờ người thân hoặc nhân viên đứng tên hộ. Điều này tạo ra một hệ sinh thái sở hữu chéo chằng chịt, gây khó khăn lớn trong quản lý.
TS Nghĩa nêu rõ, vấn đề cốt lõi nằm ở tính minh bạch trong hệ thống. Ông đề xuất cơ quan quản lý cần tập trung vào việc xác minh nguồn gốc vốn góp, bởi đây là cách duy nhất để đảm bảo các tỉ lệ sở hữu thực sự phản ánh quyền lợi và trách nhiệm của từng cổ đông.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW cũng đồng tình rằng việc lách luật thông qua công ty sân sau đang trở thành một thách thức lớn. Ông nhấn mạnh: “Cần điều tra dòng tiền của những người có số tiền lớn đầu tư vào ngân hàng. Nếu không, tình trạng này sẽ tiếp tục gây bất ổn cho thị trường tài chính".
Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát cũng cần được cải cách mạnh mẽ. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cơ quan chức năng cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc hơn, chẳng hạn như rút giấy phép hoạt động đối với những ngân hàng vi phạm quy định sở hữu nhiều lần. Ông nhấn mạnh: “Chỉ cần xử lý nghiêm một vài trường hợp điển hình, toàn hệ thống sẽ phải thay đổi".
Bài toán sở hữu vượt trần không chỉ đòi hỏi sự chặt chẽ trong khung pháp lý mà còn cần ý thức tự giác từ chính các ngân hàng và cổ đông. Nếu không có những bước đi quyết liệt, tình trạng lách luật và sở hữu chéo tiếp tục là điểm nghẽn lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
https://laodong.vn/kinh-doanh/so-huu-vuot-tran-o-ngan-hang-quy-dinh-co-du-manh-1430782.ldo
|