Trong kinh doanh xuất khẩu, các doanh nghiệp có hai phương thức để xuất khẩu hàng hóa sản phẩm của mình là xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu gián tiếp.
Xuất khẩu trực tiếp là nhà sản xuất thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu, từ việc nhận biết khách hàng, bán hàng hóa sản phẩm, đến việc thanh toán. Thông thường trong những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trực tiếp, một bộ phận chuyên công tác xuất khẩu sẽ được thành lập như lập các phòng ban..
Xuất khẩu gián tiếp là việc doanh nghiệp có dự định xuất khẩu hàng hóa sản phẩm của mình, nhưng lại không có cơ sở hạ tầng và điều kiện, kiến thức cần thiết để thực hiện hoạt động xuất khẩu của mình, do đó phải thực hiện việc xuất khẩu thông qua các đại lý ủy thác, các văn phòng mua bán địa phương, các nhà xuất khẩu thương mại hoặc các công ty phát triển xuất khẩu.
Vấn đề về sở hữu trí tuệ thường xuất hiện trong các hoạt động xuất khẩu gián tiếp. Theo đó, nhà sản xuất và các bên khác phải xác định rõ về quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường xuất khẩu nhằm tránh tranh chấp sau này.
Ngoài hai phương thức trên, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác để đạt được mục đích xuất khẩu hàng hóa sản phẩm của mình, như: liên doanh, li-xăng và xây dựng nhà máy sản xuất ở nước ngoài.
Liên doanh là một quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp xuất khẩu và một đối tác nhập khẩu ở nước sở tại để thành lập công ty liên doanh có ngành nghề phân phối.
Li-xăng là việc một doanh nghiệp có thể ký hợp đồng Li-xăng hoặc chuyển nhượng quyền SHTT của mình đối với các đối tượng SHTT như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả… cho các doanh nghiệp nước ngoài và nhận phí Li-xăng, chuyển nhượng.
Sản xuất ở nước ngoài: Doanh nghiệp có thể thành lập nhà máy sản xuất ở thị trường nước ngoài nhằm giảm thiểu các chi phí vận chuyển, tránh thuế XNK, tận dụng chi phí lao động thấp và hưởng những chính sách ưu đãi từ chính phủ của nước sở tại.
Tuy nhiên, cho dù sử dụng bất cứ phương thức xuất khẩu nào và kinh doanh theo hình thức nào, doanh nghiệp cũng cần chú ý và quan tâm đến vấn đề SHTT của họ tại các thị trường xuất khẩu để tránh các xung đột hoặc mất quyền SHTT vào tay cá nhân, tổ chức khác hoặc đối thủ cạnh tranh.
Một số các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bị mất thương hiệu như Cafe Buôn Ma Thuột, PVN, đây là một bài học lớn cho các doanh nghiệp khác khi kinh doanh tại nước ngoài.
(Bùi Minh Phương, chuyên viên tư vấn SBLaw)