Những ngày qua dư luận ồn ào việc hoa hậu Kỳ Duyên bị ghép ảnh quảng cáo trên một trang web đen.
Việc người nổi tiếng bị sử dụng trái phép hình ảnh để quảng cáo và nhằm vào mục đích xấu là câu chuyện không mới. Trước Kỳ Duyên từng có nhiều nghệ sĩ lâm vào tình cảnh tương tự. Có điều không phải ai cũng tỉnh táo để “hạ nhiệt” phản ứng của dư luận, cũng như xử lý khủng hoảng truyền thông và bảo vệ hình ảnh của chính mình.
Hoa hậu liên tục gặp “hạn”
Vừa bị một trang facebook tố “hai mẹ con chửi thề” trên taxi, chưa rõ thực hư ra sao, hoa hậu (HH) Kỳ Duyên đã gặp ”hạn” mới khi hình ảnh của cô bị cắt ghép nham nhở trên một poster quảng cáo đĩa sex và phòng khám nam khoa tại Nhật Bản.
Trước sự việc này, Kỳ Duyên cho biết mình rất sốc và giận, “vì nó không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống, mà còn xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cô và gia đình”. Trên facebook cá nhân, cô bày tỏ sự hoang mang không biết mình còn gắng gượng được bao lâu nữa, vì “bị chết ngộp trong mưa dư luận”, và đặt câu hỏi: “Là người của công chúng nghĩa là đau không được kêu, buồn không được than thở, người ta có đặt điều mình cũng không được phản kháng?”.
HH Kỳ Duyên cũng cho biết êkíp truyền thông của mình đã liên hệ với luật sư và sẽ gửi đơn nhờ cơ quan chức năng vào cuộc. “Với việc vợ tài xế taxi vu khống Kỳ Duyên, chúng tôi sẽ làm việc với hãng taxi để làm rõ sự thật. Còn với đơn vị cố tình sử dụng trái phép hình ảnh của Kỳ Duyên với mục đích xấu, chúng tôi sẽ nhờ các đơn vị có thẩm quyền điều tra, lấy lại sự trong sạch và bồi thường cho những tổn thất về tinh thần và hình ảnh của Kỳ Duyên” - quản lý của HH cho biết thêm.
Đòi lại nhân phẩm
Cùng chung nỗi khổ của HH Kỳ Duyên, trước đây, MC Đan Lê, diễn viên Khánh My từng bị sử dụng hình ảnh trái phép cho những trang web sex và dịch vụ... gái gọi. Rất nhiều sao Việt khác như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Diễm My, Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Trinh… đều từng bị sử dụng hình ảnh trái phép vào mục đích xấu, từ trục lợi để kinh doanh đến xúc phạm nhân phẩm. Tuy nhiên, phần lớn người nổi tiếng khi lâm vào tình cảnh này thường chọn cách “cười xòa cho qua”, hoặc lên facebook cá nhân bày tỏ bức xúc, vì ngại đi kiện tụng.
Năm 2014, Giải vàng Ngôi sao người mẫu Khánh My bị một trang facebook lợi dụng hình ảnh để quảng cáo cho dịch vụ gái gọi trá hình, nêu rõ mức giá dự tiệc, tiếp khách… khiến cô phải nhờ tới sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng để điều tra. Trước đó nữa, Đan Lê cũng vướng tin đồn lộ clip sex và tiến hành khởi kiện một trang báo đã đăng clip đen cùng hình ảnh của cô. Kết quả, Đan Lê thắng kiện và được bồi thường thiệt hại, nhưng cô đã phải trải qua ba tháng “kinh hoàng” đi đòi lại nhân phẩm.
Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên. |
Về trường hợp của Kỳ Duyên, theo luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP.Hà Nội - thì hiện tại thông tin vụ việc chỉ dựa trên những poster trôi nổi trên mạng, chưa phải bằng chứng mạnh trong các phiên tòa. HH Kỳ Duyên có thể khởi kiện trong trường hợp thu thập được bằng chứng như bìa đĩa phim, hình ảnh chụp cơ sở phòng khám nam khoa treo hình của cô... hoặc phải tìm ra địa chỉ nơi phát tán ảnh.
Theo luật sư Phạm Duy Khương - Cty luật SB LAW - trong trường hơp HH Kỳ Duyên muốn theo đuổi đến cùng vụ việc, thì phải xác định được chủ sở hữu website tại Nhật Bản đăng tải poster có hình ảnh của cô, vì đây là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, vi phạm pháp luật của VN và nước sở tại. “Hành vi sử dụng hình ảnh người khác mà chưa xin phép đã vi phạm Quyền về chân dung được quy định Khoản XIII, Hiến pháp của Nhật Bản và Luật Bản quyền về hình ảnh. Trong trường hợp chứng minh được có tổn thất về vật chất và tinh thần thì HH Kỳ Duyên có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trước tiên, cô cần gửi thư cảnh báo đến bên đang sử dụng hình ảnh của mình. Hoặc có thể tiến hành khởi kiện ra toà và yêu cầu bồi thường nếu như bước gửi thư cảnh báo thất bại. Hiện luật pháp của Nhật Bản rất đề cao việc bảo vệ hình ảnh riêng tư nên có cơ sở để HH Kỳ Duyên tìm được phán quyết pháp lý có lợi trong vụ việc như thế này. Tuy nhiên, chi phí và thời gian theo đuổi một vụ việc như thế này tương đối lớn. Ngoài ra, cũng cần lưu ý để hỗ trợ pháp lý cho HH Kỳ Duyên trong vụ việc đang được giả định là vi phạm hình ảnh tại Nhật Bản thì nên có sự phối hợp giữa hai hãng luật của VN và Nhật Bản, hoặc cơ quan chức năng giữa hai nước” - luật sư Phạm Duy Khương cho biết.
“Theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Nếu hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác ở mức độ nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự” - Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP.Hà Nội.