RỦI RO KHI TRÁI PHIẾU CỦA TÂN HOÀNG MINH BỊ HỦY BỎ

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp pháp lý xung quanh vụ việc Tân Hoàng Minh bị hủy trái phiếu chào bán. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tóm tắt sự việc:
Ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh gồm Công ty Sao Việt, Cung Điện Mùa Đông và Soleil. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 3/4.

Theo UBCKNN, 3 công ty này đã có tổng cộng 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022. UBCKNN ra quyết định hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty này do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu của 3 công ty này trong 9 đợt chào bán trên.

MG_1829-1.jpg (3861×2574)

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

Câu hỏi:Nhà đầu tư lỡ cầm trái phiếu này, hủy thì sẽ như thế nào?

Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm Nghị định 128/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ như sau:

Ngoài các hình phạt chính như phạt tiền, đơn vị phát hành có thể phải chịu hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là giấy tờ giả mạo. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó có:

“Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b khoản 3, điểm b khoản 4 và điểm c khoản 5 Điều này, trong trường hợp đã chào bán, phát hành chứng khoán. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành. Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp chào bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu”.

Theo đó, đơn vị phát hành phải hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Trong trường hợp đơn vị phát hành không trả tiền, nhà đầu tư có thể tiến hành khởi kiện đơn vị phát hành trái triếu theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục khởi kiện của nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Câu hỏi: Hiện tượng domino huy động trái phiếu là kênh chính của công ty bất động sản sẽ ảnh hưởng ra sao?

Sau vụ việc liên quan đến 9 lô trái phiếu bị hủy của ba công ty con thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh và ông chủ Tân Hoàng Minh bị bắt đã gây “rúng động” thị trường bất động sản. Lý do hủy 9 lô trái phiếu như đã được đề cập là vì “có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ”.

Theo nhiều ý kiến, việc mập mờ trong công bố thông tin không loại trừ nghi vấn rất có thể doanh nghiệp sử dụng trái phiếu làm công cụ để đảo nợ, dùng tiền của người mua trái phiếu sau trả cho người mua trước, tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ domino như đa cấp biến tướng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Thiết nghĩ, ban đầu, thị trường bất động sản sẽ có những bất ổn nhất định. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể sẽ cân nhắc, đắn đo việc đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.

Chứng khoán và bất động sản là hai mảng rất lớn của nền kinh tế, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, việc siết chặt các quy định, xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm sẽ đưa hoạt động phát hành của trái phiếu bất động sản đi vào nề nếp.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan