Thông thường, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư trong khoảng 3-5 năm và sau đó thoái vốn để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, sự thiếu hụt khung pháp lý cho Fintech tại Việt Nam đã tạo ra tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư quốc tế, điều này làm chậm dòng chảy vốn ngoại vào các công ty Fintech Việt Nam.
Cơ hội thoái vốn không nhiều
Theo báo cáo toàn cảnh đầu tư năm 2023 của quỹ Nextrans Việt Nam, lĩnh vực Fintech dẫn đầu về dòng vốn đầu tư với 138 triệu USD, giảm nhẹ so với năm 2022. Xu hướng giảm này đã diễn ra trong hai năm liên tiếp, nhưng mức giảm đã thu hẹp sau khi giảm tới gần 74% vào năm 2022.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo các chuyên gia và nhà quản lý quỹ, không chỉ do tình hình kinh tế khó khăn, mà còn do việc khó khăn trong việc rút vốn khỏi các Fintech tại Việt Nam. Ông Nguyễn Hoà Chung, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư tư nhân của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), cho biết rằng cơ hội thoái vốn khỏi Fintech ở Việt Nam là rất hạn chế. Tình trạng này không chỉ xảy ra trong nước mà còn là vấn đề chung của khu vực Đông Nam Á.
“Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư. Các quỹ đầu tư phải đối mặt với áp lực lớn từ các nhà đầu tư của họ. Khi không thể thoái vốn, dòng vốn mới vào quỹ để tiếp tục đầu tư sẽ bị hạn chế. Các nhà quản lý quỹ đang gặp khó khăn và không biết quá trình gọi vốn sẽ kéo dài bao lâu,” ông Chung chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng khó khăn trong việc thoái vốn là một rào cản lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Fintech Việt Nam. Thông thường, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư trong khoảng 3-5 năm và sau đó thoái vốn để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, sự thiếu hụt khung pháp lý cho Fintech tại Việt Nam đã tạo ra tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư quốc tế.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho biết việc rút vốn của các quỹ ngoại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm điều khoản hợp đồng giữa quỹ và Fintech, cũng như tình hình thị trường. Bên cạnh đó, khả năng thanh khoản của công ty Fintech cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng thoái vốn của khối ngoại.
Thị trường Fintech tại Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào thanh toán kỹ thuật số, trong khi các lĩnh vực khác như blockchain và tiền điện tử chưa phát triển đồng đều, điều này có thể hạn chế cơ hội thoái vốn.
Ông nhấn mạnh rằng khả năng rút vốn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, làm giảm sự tin tưởng từ khách hàng nước ngoài, từ đó cản trở sự phát triển của ngành Fintech. Nếu không có nguồn lực từ khối ngoại, các Fintech Việt Nam sẽ gặp khó khăn và có thể tụt lại so với các nước khác trong và ngoài khu vực.
Mở đường cho Fintech lên sàn
Một trong những cách để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng rút vốn khỏi các công ty Fintech là thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết trên sàn chứng khoán. Khi một công ty được niêm yết, nó sẽ tạo ra một thị trường thứ cấp, cho phép các nhà đầu tư mua bán cổ phiếu dễ dàng hơn.
Sau khi công ty niêm yết, nhà đầu tư có thể thoái vốn từng phần hoặc toàn bộ, tùy thuộc vào chiến lược đầu tư của họ và tình hình thị trường. Việc niêm yết cũng giúp xác định giá trị thị trường của công ty một cách công khai, cung cấp thông tin rõ ràng về giá cổ phiếu. Điều này tạo niềm tin cho nhà đầu tư về sự minh bạch và ổn định của công ty, đồng thời giúp công ty tiếp cận được nhiều nhà đầu tư khác nhau. Kết quả là, sự cạnh tranh gia tăng và định giá của công ty cũng được cải thiện.
Theo LS Nguyễn Thanh Hà, việc niêm yết trên sàn chứng khoán trong hoặc ngoài nước cần được xem là một lựa chọn mang tính cam kết giữa các công ty Fintech và nhà đầu tư khi tiến hành gọi vốn. Đây là một cách phổ biến để tạo “đường lui” cho nhà đầu tư và đảm bảo rằng họ có thể thoái vốn một cách hiệu quả.
Đơn cử như tại Bách hoá Xanh, đơn vị vừa thực hiện chào bán 5% vốn cho CDH Investment - công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngay sau khi bán vốn thành công, ban lãnh đạo Công ty Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã hé lộ về kế hoạch niêm yết Bách hoá Xanh – một trong những cam kết của doanh nghiệp này với nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện bán vốn.
Tuy nhiên, khác với Bách hóa Xanh, theo đánh giá của LS Nguyễn Thanh Hà, việc niêm yết các công ty Fintech không phải là điều dễ dàng. Nguyên nhân đến từ các chi phí và quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt khi lên sàn như minh bạch báo cáo tài chính, quản trị công ty và công bố thông tin,... mà nhiều Fintech tại Việt Nam khó có thể đáp ứng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, trở ngại lớn nhất để Fintech lên sàn là quy định về việc kinh doanh có lãi và không có lỗ luỹ kế. Theo đó, tình hình kinh doanh của các Fintech tại Việt Nam trong những năm vừa qua gần như không có lãi khi phải đầu tư lớn vào tài sản cố định, tài sản lưu động cùng các kế hoạch đốt tiền để giữ chân khách hàng. TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất bỏ quy định về lãi - lỗ, đặc biệt đối với công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ để khuyến khích các Fintech lên sàn.
Trên thực tế, các Fintech tại Việt Nam đang có xu hướng đăng ký kinh doanh hoặc mở chi nhánh, công ty con tại Singapore để có thể huy động vốn và IPO dễ dàng hơn. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, đây là thiệt thòi lớn của Việt Nam khi các Fintech với lượng dữ liệu (database) khổng lồ nhưng lại buộc phải mở công ty ở Singapore, trong khi quốc gia này không phải “thiên thường thuế”.
Dù vậy, các chuyên gia đánh giá việc niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn phụ thuộc vào điều kiện thị trường, mong muốn, nhu cầu và chiến lược của Fintech do một số doanh nghiệp chưa sẵn sàng trong việc công bố công khai các thông tin về kết quả, kế hoạch kinh doanh, tình hình quản trị,...
|