Quy định về khám sức khỏe đối với người lao động làm việc tại bộ phận chế biến thực phẩm bao gói sẵn

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty mình hiện đang sản xuất bột mì. Hiện tại công ty mình đang thực hiện khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho nhân viên trực tiếp sản xuất. Theo yêu cầu của một số khách hàng, công ty mình phải khám sức khỏe định kỳ hàng năm, ngoài khám theo yêu cầu Phụ lục 3, Thông tư 14/2013/TT-BYT thì khách hàng yêu cầu công ty mình phải khám thẻ xanh đối với tất cả nhân viên trực tiếp sản xuất và người chủ cơ sở (giám đốc nhà máy). Vậy có thể giải đáp giúp mình yêu cầu như vậy có đúng không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 152 Bộ luật lao động 2012 quy định về Chăm sóc sức khỏe cho người lao động như sau:

"Điều 152. Chăm sóc sức khỏe cho người lao động

1. Người sử dụng lao động phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại công việc để tuyển dụng và sắp xếp lao động.

2. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần ...".

Nội dung khám sức khỏe định kỳ cho người lao động được quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2013/TT-BYT như sau:

- Đối với KSK cho người từ đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên nhưng không thuộc trường hợp KSK định kỳ: khám theo nội dung ghi trong Giấy KSK quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT.

- Đối với KSK cho người chưa đủ 18 (mười tám) tuổi nhưng không thuộc trường hợp KSK định kỳ: khám theo nội dung ghi trong Giấy KSK quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT.

- Đối với trường hợp KSK định kỳ: khám theo nội dung ghi trong Sổ KSK định kỳ quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT.

- Đối với trường hợp KSK theo bộ tiêu chuẩn sức khỏe chuyên ngành: khám theo nội dung ghi trong Giấy KSK quy định tại mẫu giấy KSK của chuyên ngành đó.

- Đối với những trường hợp khám sức khỏe theo yêu cầu: khám theo nội dung mà đối tượng KSK yêu cầu.

Như vậy, theo quy định pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo nội dung trên.

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty bạn đang sản xuất bột mì, khách hàng của công ty yêu cầu công ty phải khám thẻ xanh đối với tất cả nhân viên trực tiếp sản xuất và người chủ cơ sở. Khám sức khỏe thẻ xanh được hiểu là quy định của Bộ y tế đối với những người làm việc trong lĩnh vực chế biến bao gói sẵn và kinh doanh thực phẩm ăn ngay theo quy định tại Quyết định 21/2007/QĐ-BYT. Như vậy, đối với trường hợp người lao động làm việc ở bộ phận chế biến thực phẩm bao gói sẵn hoặc kinh doanh thực phẩm ăn ngay phải được khám sức khỏe thẻ xanh. Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 21/2007/QĐ-BYT thì một số bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm bao gói sẵn, kinh doanh thực phẩm ăn ngay bao gồm:

- Lao tiến triển chưa được điều trị;

- Các bệnh tiêu chảy: tả, lỵ, thương hàn;

- Các chứng són đái, són phân (rối loạn cơ vòng bàng quang, hậu môn), ỉa chảy;

- Viêm gan vi rút (viêm gan vi rút A, E);

- Viêm đường hô hấp cấp tính;

- Các tổn thương ngoài da nhiễm trùng;

- Người lành mang trùng.

Như vậy, nếu nhân viên trực tiếp sản xuất và người chủ cơ sở của công ty bạn làm việc ở bộ phận chế biến thực phẩm bao gói sẵn hoặc thực phẩm ăn ngay sẽ phải khám sức khỏe thẻ xanh theo quy định tại Quyết định 21/2007/QĐ-BYT.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan